"Chúng tôi thất vọng về việc hành xử của ban tổ chức lễ chém lợn"

H.Đan - H.Sơn |

Ông Thanh bày tỏ sự thất vọng khi trước đó đã có rất nhiều ý kiến phản đối nhưng ban tổ chức lễ hội vẫn tiến hành nghi lễ chém lợn đầy phản cảm này.

>> Hai thủ đao đã chém ông Ỉn đúng giờ chính Ngọ
>> Thủ đao nói gì ngay sau khi chém "ông Ỉn"?

Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra nhưng đúng giờ Ngọ ngày 6 tháng Giêng (tức 24/2), nghi lễ chém lợn vẫn được dân làng tổ chức tại đình làng Ném Thượng (Bắc Ninh).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á cho biết, trong trưa 24/2, ông cùng một số cán bộ của Tổ chức đã trực tiếp về và chứng kiến nghi lễ chém lợn đầy phản cảm này.

"Thực sự, chúng tôi cảm thấy thất vọng về cách hành xử của ban tổ chức lễ hội chém lợn. Bởi vì sau khi thông tin của chúng tôi được đưa ra, qua điều tra ở cộng đồng mạng đã có tới 79% phản đối nghi lễ chém lợn này.

Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn tiếp tục tổ chức lễ hội với nghi lễ này.

Ở đây, rõ ràng mọi người chưa thực sự tôn trọng trẻ em cũng như chưa thực sự tôn trọng cộng đồng mình đang sinh sống cùng...", ông Thanh chia sẻ.

Không ít bố mẹ vẫn cho con mình đến theo dõi nghi lễ chém lợn diễn ra vào trưa mùng 6 tháng Giêng.
Không ít bố mẹ vẫn cho con mình đến theo dõi nghi lễ chém lợn diễn ra vào trưa mùng 6 tháng Giêng.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh, việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man.

Đặc biệt là trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, lễ hội này còn gây ra sự chịu đựng, nỗi đau đớn không cần thiết cho động vật.

Cũng theo ông Thanh, người dân làng Ném Thượng vẫn dùng nét văn hóa, truyền thống làm "bình phong" khi tổ chức nghi lễ chém lợn.

"Nhưng một lễ hội văn hóa là dịp để nhiều người, nhiều thế hệ tham gia thay vì giới hạn. Vì vậy, địa phương nên chắt lọc chương trình mang tính văn minh và nhân đạo để truyền bá truyền thống tốt đẹp.

Liệu rằng việc giết những con vật theo một cách thức dã man để khởi đầu cho một năm mới có nên được tiếp tục?

Thêm vào đó, người Việt Nam từ xa xưa tới nay luôn có truyền thống vị tha, nhân đạo và đó là truyền thống đẹp cần được phát huy.

Nhưng lễ hội lại sử dụng động vật như những công cụ, thay vì tôn trọng chúng như những sinh mệnh sống biết cảm nhận sự đau đớn và có khả năng nhận biết sự chịu đựng này.

Điều đó đang làm phai mờ đi truyền thống tốt đẹp đó của người Việt Nam", ông Thanh bày tỏ.

Ông Thanh cũng nhìn nhận, việc thay đổi nhận thức, quan điểm của người dân về nghi lễ chém lợn này đã được Tổ chức Động vật châu Á xác định là rất khó khăn.

Đặc biệt hơn khi đó là những suy nghĩ ăn sâu vào thế hệ hoặc thời gian với người đi trước.

Các ông Ỉn được diễu đi quanh làng trước khi đưa về đình làng thực hiện nghi lễ khai đao.

"Ông Ỉn" được diễu đi quanh làng trước khi đưa về đình làng thực hiện nghi lễ khai đao.

"Tuy nhiên cho dù thế này, Tổ chức Động vật châu Á cũng kịch liệt phản đối hành động chém lợn này bởi những tác động tiêu cực của nó với vấn đề phúc lợi của động vật và toàn xã hội.

Cho nên, trong năm nay, Tổ chức chúng tôi sẽ thực hiện các chương trình giáo dục, nâng cao nhậc thức cộng đồng.

Chúng tôi sẽ thu xếp thời gian để tới làm việc với ban tổ chức lễ hội, lãnh đạo thôn Ném Thượng để họ nhận thấy được những tác động tiêu cực.

Từ đó, đưa ra một phương án hợp lý và nhân văn hơn. Bên cạnh đó, đối với đối tượng học sinh tiểu học ở đây, chúng tôi cũng dự định đưa ra những chương trình phối hợp giáo dục về sau này", ông Thanh nhấn mạnh.

"Việt Nam nên sớm có luật bảo vệ động vật"

Ông Thanh cũng cho biết thêm, thực tế hiện nay ở nhiều nước đã có luật về phúc lợi động vật, bảo vệ động vật nhưng ở Việt Nam lại chưa có luật như vậy.

Vị này kiến nghị: "Từ khi Tổ chức Động vật châu Á đưa ra ý kiến phản đối lễ hội chém lợn đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của cộng đồng xã hội về việc cần sớm chấm dứt.

Tuy nhiên, việc ban tổ chức của làng Ném Thượng vẫn tiến hành nghi lễ chém lợn thì đó là một cộng đồng nhỏ lẻ.

Ở đây, do Việt Nam chưa có luật nào để đưa ra nhằm bảo vệ động vật thì việc tiếp diễn lễ hội Ném Thượng là điều đương nhiên và cũng chưa thể kêu gọi người dân dựa trên quy phạm nào.

Đã đến lúc, chúng ta cần xây dựng một luật đầy đủ về bảo vệ động vật".

Liên quan đến các lễ hội đâm trâu, chọi trâu... được tổ chức ở nhiều địa phương và sau màn chọi những con vật này sẽ được xẻ thịt, ông Thanh cũng nhấn mạnh, Tổ chức Động vật châu Á phản đối tất cả mọi hành động man rợ, phản cảm đối xử với động vật.

Trưởng ban tổ chức lễ hội Ném Thượng
Ông Trần Văn Đức
Việc duy trì lễ hội chém lợn trong các năm sau là niềm mong muốn chung của cộng đồng dân cư cũng như quan điểm của một số nhà khoa học nghiên cứu về các lễ hội nước ta. Quan điểm riêng của tôi là vẫn muốn duy trì lễ hội này theo phong tục của địa phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại