1. Mỗi người chui vào một bao nilon, ngồi lọt thỏm trong đó cho miệng bao trùm kín quá đầu. Rồi những thanh niên biết bơi sẽ túm gọn miệng bao và kéo chiếc bao “đựng” người bơi vượt qua con suối mùa lũ đang băng băng chảy xiết.
Một cảnh tượng có thể nói là thót tim, nhưng không phải từ một cuộc thi Vượt qua thử thách, hay một trò chơi mạo hiểm kiểu nuốt kiếm, phun lửa… nào. Mà đó là cách thầy trò ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vượt suối để đến trường.
Được đăng tải trên một tờ báo vào sáng làm việc đầu tuần, đoạn clip dài chưa đầy 5 phút đã gây bàng hoàng cho bất cứ ai xem. Bởi chắc chẳng đâu trên thế giới này lại có cách vượt suối “độc nhất vô nhị” đến thế. Biết bao nguy hiểm rình rập mà giá phải trả có thể là cả tính mạng: nếu cái túi thủng, nếu ngồi trong túi ngạt, nếu nước lũ cuốn trôi, nếu v.v…
Tất cả vì thiếu một cây cầu kiên cố, chống chịu được nước lũ.
Ở thành phố, có thầy cô kể lại khi chưa hết bồi hồi rằng, đã đưa ngay đoạn clip đó cho học trò mình xem. Để các em biết rằng, bạn bè đồng lứa không phải ai cũng có được may mắn “hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước” – được cha mẹ đưa đón, chăm lo từ cái nhỏ nhất.
Nhưng có lẽ, chính những thầy cô đứng trên bục giảng ở thành phố, hay những khu vực có “điều kiện” cũng rất cần xem đoạn clip này. Để bớt đi những “sân, si” trong nghề, khi giờ đây không ít những lời than phiền về sự xuống cấp trong nghiệp trồng người, cả về đạo đức cũng như lòng yêu nghề.
“Qua sông thì phải lụy đò”, còn ở đây, những cô giáo mang trọng trách “chở đò” lại đang phải lụy… túi nilon để qua được suối. Mà đâu chỉ “lụy”, họ đang đặt cược cả sinh mệnh để mang được con chữ khó nhọc vào thôn bản xa xôi.
Nhớ lại, hồi tháng 5 năm 2010, chúng ta cũng từng sửng sốt khi báo chí đăng tải hình ảnh những người dân ở một làng không tên tại Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vượt sông Pô Kô bằng cách… đu dây.
Khi ấy, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, việc người dân “đu dây” qua sông Pô Kô là sáng tạo “không ngờ tới”. Bộ trưởng cũng nhận khuyết điểm ở khía cạnh không phát hiện được sự việc, do địa phương thì không đề cập, còn sau này khi ông hỏi, tỉnh cũng không nắm được.
Kiểu “sáng tạo” đó giờ dường như càng vượt xa ngoài tưởng tượng, từ đu dây đã chuyển sang ngồi trong túi nilon. Không rõ, nếu được chất vấn, câu trả lời của các lãnh đạo liệu có đi xa hơn 4 năm trước?
2. Trong khi chờ đợi những hành động thực tiễn của các ngành, các cấp, thì rất nhiều người hảo tâm đã lựa chọn kêu gọi và đóng góp để có quỹ xây cầu cho bản Sam Lang. Nỗi bàng hoàng, xót xa đã nhanh chóng biến thành nghĩa cử.
Người viết chợt nhớ đến một bài báo cũng dịp tháng 3 năm ngoái, về nghĩa cử rất đẹp của một người đàn ông đã bỏ số tiền định dành xây nhà để… xây cầu cho dân làng qua lại. Người đàn ông tên Lê Tất Dũng ấy chẳng phải đại gia, tài sản vung vinh, thừa tiền sắm siêu xe, siêu giường thì xây cầu chơi.
Suốt 20 năm quần quật của ông đã góp hết vào cây cầu. Gia tài còn lại chỉ là căn chòi lợp tôn, tứ bề dột nát, cùng chiếc tivi nội địa và bộ đồ nghề sửa xe máy.
Có những người “rút ruột” từ những cây cầu để sống vương giả cho đời mình, đời con cháu mình. Nhưng cũng có những con người – dù hiếm hoi - lại tự “rút ruột” chính mình để xây cầu cho người khác.
Những tấm lòng như ông Dũng hay bao người hảo tâm đang cùng chung tay đóng góp dựng cầu thật đáng trân quý. Đó là sự tương thân, tương ái, giúp đỡ những đồng bào thiệt thòi, khó khăn mà thời nào đất nước cũng cần.
Đó là đạo lý, tình cảm của “người trong một nước” với nhau. Song, trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất để lo cho những người dân như ở Sam Lang vẫn phải thuộc về Nhà nước, mà đại diện là các nhà lãnh đạo và chính quyền các cấp.
Bởi được sống an toàn là quyền của người dân nơi đây, họ không thể phải phụ thuộc vào lòng hảo tâm, phải kêu gọi để được thực hiện quyền của mình. Trách nhiệm đảm bảo quyền đó thuộc về Nhà nước.
Chúng ta có thể nói rằng đất nước còn khó khăn nên chưa thể lo an sinh tốt nhất cho người dân, chưa thể xây cầu ở tất cả những nơi cheo leo hiểm trở để những “sáng kiến” túi nilon, dây đu… “hết đất” sống.
Nhưng cách giải thích đó liệu có đủ làm an lòng, khi mà người dân vẫn đang chứng kiến những vụ việc kiểu công trình ngàn tỷ phơi sương, vài trăm tỷ đắp chiếu, vali cho 1 lần hối lộ chứa cả nửa triệu đô-la, v.v…
Năm 2010, theo tính toán, để xây một cây cầu cho người dân qua sông Pô Kô tốn khoảng 1,5 tỷ đồng. Đối với những người dân bình thường, chắc hẳn không nhiều người được “chạm” đến tiền tỷ để hình dung nó nhiều ít ra sao. Nhưng ai cũng có thể nhẩm tính, chỉ một công trình phơi sương, chỉ số tiền trong một vụ tham nhũng… đủ xây bao nhiêu cây cầu như thế.
Vậy mà ở đâu đó tiền vẫn “phơi” sương hoặc âm thầm chảy vào những cái túi không đáy. Còn ở đâu đó, như bản Sam Lang này, sinh mệnh con người lại “phơi” dưới trời, bập bềnh cùng nước lũ, chỉ vì thiếu một cây cầu kiên cố…