Chữa bệnh bằng giẫm đạp: “Hoang đường, cùng quẫn!”

Gia Bảo |

Nhiều chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam đã lên tiếng về việc chữa bệnh bằng cách giẫm đạp lên chỗ đau, tẩm quất, xoa bóp... của bà Phạm Thị Phú (Sông Công - Thái Nguyên).

Những ngày qua, cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều hình thức chữa bệnh bằng cách giẫm đạp lên chỗ đau của bà Phạm Thị Phú, ở phố Cò, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Đặc biệt, theo thông tin được lan truyền, bà Phú có biệt tài chữa khỏi 100% các ca ung thư, chữa bệnh không mất tiền và không bắt bệnh nhân phải uống bất cứ loại thuốc nào.

Đáng nói, bà Phú không được đào tạo về y khoa, không có bất cứ chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp về y khoa cũng như chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Câu chuyện giẫm đạp chữa bệnh của bà Phú đã được phản ánh từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều người tiếp tục bức xúc về cách chữa bệnh kỳ quái của người đàn bà mang danh “Cô Phú Bồ Tát” này.

“Đó là chuyện hoang đường”

Trao đổi với phóng viên về việc này, GS.TS.NGND Trương Việt Dũng – Chủ nhiệm Khoa Y Dược của ĐHQGHN, Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế nói:

“Đó là chuyện hoang đường. Xưa nay Bộ Y tế cũng gặp khá nhiều trường hợp như thế, nào là giường chữa bệnh, vườn chữa bệnh, nào là các phù phép này khác.

Trong miền Nam vừa qua cũng có người phun nước để khám chữa bệnh. Những việc này này là hoang đường. Không thể chấp nhận được!”.

Ông Dũng cho hay, từ xưa tới nay, trên y văn các nguồn thông tin chính thống về khoa học, y học hiện đại chưa ghi nhận trường hợp người nào có khả năng đặc biệt chữa bệnh ung thư và không thể nào có.

“Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cũng đã tham gia rất nhiều vụ như thế này. Ban đầu ồn ào, sau đó rồi cũng tắt vì thực tế chứng minh không phải như thế!”, ông Dũng khẳng định.

Lý giải nguyên nhân bệnh nhân kéo đến nhà bà Phú ầm ầm, ông Dũng cho rằng, tâm lý của người bệnh bao giờ cũng là mắc bệnh thì vái tứ phương.

Hơn nữa, có những bệnh y học hiện đại không giải quyết được, họ hết niềm tin vào cái nọ thì tin vào cái kia. Hoặc người bệnh không có khả năng chi trả cho các dịch vụ y học hiện đại tốn kém, nên họ tìm đến phương thức chữa bệnh như vậy.

Nhiều người khi tìm đến những nơi như vậy là để xem may ra có được gì không, miễn không mất gì là được.

“Thực ra, người bị bệnh chưa chắc đã tin, nhưng người nhà của họ mong muốn người thân của mình khi ốm phải được đi chữa trị kiểu gì đó chứ chẳng lẽ chờ chết nên người ta cứ đổ dồn đi để chữa.

Nói chung, chữa bệnh theo kiểu gọi là cổ truyền nhưng không chính thống, không khoa học hoàn toàn khác với y học cổ truyền.

Có thể nói, đa số bệnh nhân tìm đến đều là những người rất nghèo, rất khổ.

Số khác có thể có tiền, có học thức, nhưng do cùng quẫn quá đành phải đi tìm và thử một vận may. Thật đáng thương cho những người đến những chỗ như thế vì hi vọng rồi sẽ thất vọng, cuối cùng tiền mất tật mang”, ông Dũng nêu quan điểm.

“Tẩm quất sao chữa được ung thư vú?”

Ông Dũng lấy dẫn chứng trước đây ở Philippines, có một ông chữa ung thư bằng cách không cần mổ mà cho tay vào làm “ảo thuật” lấy ra 1 cục trong người bệnh nhân. Cuối cùng bệnh nhân vẫn chết.

“Phương pháp ấy thật kinh khủng với cả bệnh nhân và gia đình họ. Tôi thấy những cách chữa bệnh cổ truyền không chính thống, không có khoa học khác với y học cổ truyền. Y học cổ truyền không có các dạng chữa bệnh như thế”, ông Dũng bình luận.

Theo ông Dũng, nước nào giờ cũng có quá nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y.

Vấn đề là hệ thống y tế xử lý như thế nào, hỗ trợ cho các bệnh nhân này đến đâu, hướng họ tới các cơ sở y tế một cách khoa học nhất, để họ đỡ thiệt thòi, còn vấn đề về tâm linh, tâm lý, không ai cấm cả.

“Ở Mỹ, người ta đầu tư cho y tế khoảng 1800 USD/người/năm còn ở Việt Nam chúng ta chỉ đầu tư khoảng 10 - 15 USD/người/năm. Đầu tư thế thì sao mà thỏa đáng được?”, ông Dũng nêu quan điểm.

Cũng theo ông Dũng, các cơ quan chức năn nên vào cuộc, chấm dứt tình trạng này.

Cứ theo đúng luật khám chữa bệnh mà xử lý. Bộ Y tế không bao giờ cho phép những người không có học hành mà lại chữa bệnh nan y.

Kể cả làm tẩm quất, xoa bóp cũng phải biết là bệnh gì thì được tẩm quất, bệnh gì không được, có những bệnh cấm tẩm quất. Tẩm quất sao chữa được ung thư vú? Bậy bạ!”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội cho biết: “Đã bị ung thư thì phải theo các phương pháp điều trị chính thống, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, điều trị bằng thuốc.

Việc sử dụng phương pháp nào tùy thuộc vào loại bệnh ung thư, giai đoạn bệnh và từng trường hợp cụ thể.

Cho đến nay, có thể khẳng định một điều, một số thuốc lá, thuốc Nam, thuốc Bắc hay các phương pháp như giẫm đạp, chữa bằng từ trường… không có bằng chứng mang lại hiệu quả chữa ung thư”.

Lý giải cho việc người ta tìm đến những nơi như bà Phú, ông Thuấn cho rằng, do hiệu ứng đám đông hoặc do cách thức tuyên truyền của họ.

“Kiến thức về phòng chữa bệnh nói chung và ung thư nói riêng của người Việt chưa thực sự cao. Đâu đó vẫn còn nhiều sự mê tín, suy nghĩ mông muội nên dẫn tới tình trạng như vậy!

Người nước ngoài nhiều khi người ta coi bệnh ung thư là căn bệnh hết sức bình thường vì họ có kĩ năng tốt trong việc phát hiện bệnh sớm nên có thể chữa.

Còn ở Việt Nam, ý thức của người dân về phòng chống ung thư chưa cao. Trên 70% bệnh nhân đi khám và điều trị ung thư ở giai đoạn muộn. Chính điều đó đã một phần gây tâm lý hoang mang cho người bệnh”, ông Thuấn nói thêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại