Chiến thuật "đánh lừa thế giới" của TQ được tiến hành thế nào?

Hoàng Đan |

Theo ông Trục, TQ đang cố tình có những động thái đánh lạc hướng dư luận đang theo dõi, phê phán các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của nước này ở Biển Đông.

Chiến thuật giăng bẫy của Trung Quốc

Ngày 31/5, trong ngày bế mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore, đại diện Trung Quốc lại gây bức xúc và thất vọng khi tuyên bố vô lý rằng, hoạt động xây đảo nhân tạo trên Biển Đông “nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”.

Bất chấp phản ứng dữ dội của quốc tế với các đảo nhân tạo phi pháp, khi nhắc đến căng thẳng trên Biển Đông, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tỉnh bơ nói: “Tình hình Nam Hải ổn định, không có vấn đề gì về tự do hàng hải”.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho hay, trước khi đối thoại Shangri-La diễn ra, ông cũng đã đoán trước được nội dung mà đoàn Trung Quốc sẽ phát biểu, cho dù trưởng đoàn của họ là ai.

Vì vậy, theo ông Trục, ông chẳng có gì để bình luận thêm. Bởi vì, những gì cần nói thì tôi cũng như nhiều người đã nói.

Chỉ có điều, ông thật sự ngạc nhiên về khẩu khí, phong cách không bình thường mà một vị tướng, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nghe nói là một chuyên gia có hạng về Luật Biển quốc tế đã thể hiện tại đây.

"Chứng kiến điều này, khiến người ta có thể nghĩ đến một “phương án tác chiến” đã được Trung Quốc bài binh bố trận, hợp đồng tác chiến, lúc cương, lúc nhu của một chiến dịch “xâm lược mềm” đang trong giai đoạn “kiến tạo” những yếu tố bất ngờ.

Mục đích là nhằm đánh lạc hướng đối phương, chuẩn bị cho những “mũi tiến công” mới sau khi đã hoàn thành xây đắp xong các công trình quân sự trên thực thể địa lý ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam…", ông Trục nhìn nhận.

Vị Đô đốc Tôn tại Hội nghị Shangri - La đã biện minh một cách ngang ngược: “Trung Quốc xây công trình trên một số đảo và bãi đá trong vùng biển chủ quyền của chúng tôi”.

Ông ta còn giải thích rất nhiệt tình rằng, Trung Quốc dùng các đảo nhân tạo để “thực hiện các nghĩa vụ quốc tế như tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn thảm họa, nghiên cứu khoa học hàng hải, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, chế biến hải sản...".

Trước những lời biện minh ngang ngược của Đô đốc Tôn, ông Trục khẳng định, sẽ không quá lời khi nói rằng, nội dung của những tuyên bố đó là Trung Quốc đang cố tình sử dụng "chiến thuật đánh lừa cả thế giới" trên Biển Đông.

Bởi lẽ, việc đưa ra những tuyên bố đó nhằm che giấu bản chất đích thực của những công trình quân sự tấn công được Trung Quốc khẩn trương đầu tư cải tạo, xây cất trên các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngoài ra, những tuyên bố đó để Trung Quốc đối phó trước sự quan ngại và phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế.

Thêm vào đó, Trung Quốc cố tình đánh lạc hướng dư luận đang chăm chú theo dõi và phê phán những hoạt động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế và những cam kết, thỏa thuận chính trị song phương và đa phương của nước này.

"Những tuyên bố đó nhằm tiếp tục thực hiện chiến thuật “giành sự công nhận trên thực tế”, yêu sách của Trung Quốc thông qua các công trình  “dân sự”, “nhân đạo”, “kinh tế, kỹ thuật”…

Từ đó, nếu vì nhu cầu đảm bảo an toàn hàng hải, hàng không, vì những mục đích kinh tế, cứu hộ cứu nạn..., các cá nhân, tổ chức, các phương tiện… khi hoạt động ở khu vực này sẽ buộc phải sử dụng các công trình dịch vụ đó.

Điều này đồng nghĩa với việc coi như đã mặc nhiên thừa nhận yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc.

Việc xây dựng các công trình này cũng là sự tính toán ngang ngược của Trung Quốc thực hiện chủ trương biến bãi cạn thành đảo có điều kiện “thích hợp cho con người sinh sống và có đời sống kinh tế riêng”.

Từ đó mà xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của quần đảo theo quy định của UNCLOS 1982", ông Trục nhấn mạnh.

Ông Trục cũng tái khẳng định, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép này nguy hiểm hơn rất nhiều so với giàn khoan Hải Dương 981 hồi năm ngoái.

Bởi, việc xây dựng này nhằm mục đích kiểm soát, không chế hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế qua Biển Đông.

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP.

Ông Trục cho hay: "Đây là mục tiêu trước mắt và là ưu tiên số 1 trong chiến lược “khống chế, độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc".

Cùng với đó, từ việc xây dựng phi pháp này, Trung Quốc sẽ triển khai kế hoạch khai thác dầu khí trong vùng thềm lục địa của các nước ven Biển Đông mà lâu nay họ đang thèm muốn "xí phần".

Đồng thời, Trung Quốc sẽ triển khai rầm rộ và mạnh mẽ các đoàn tàu đánh cá xa bờ và lâu ngày giữa Biển Đông, nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Mục đích của chúng là vừa vơ vét nguồn tài nguyên sinh vật, vừa hỗ trợ cho chiến dịch  lấn chiếm các thực thể trong quần đảo Trường Sa, thậm chí ở cả các đảo đã có người ở từ trước.

"Nguy hiểm hơn là qua đây, Trung Quốc sẽ tiếp tục giăng bẫy để thực hiện chủ trương “giành sự công nhận trên thực tế yêu sách chủ quyền của họ đối với các quần đảo và vùng biển nằm trong đường “lưỡi bò” ngang ngược đã bị cả thế giới lên án.

Một khi yêu sách đường “lưỡi bò” được mặc nhiên thừa nhận và nếu tình thế quốc tế chưa thuận lợi để họ giành quyền kiểm soát, khống chế Biển Đông, thì lúc đó họ sẽ đồng ý ký Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)…

Chắc chắn, họ sẽ tiếp tục triển khai một số hoạt động gây khiêu khích để thăm dò phản ứng của các quốc gia trong khu vực và quốc tế, nhất là Mỹ, Nhật, Ấn Độ,…trong việc tính toán cướp thời cơ sử dụng mọi biện pháp, kể cả dùng sức mạnh để độc chiếm Biển Đông.

Từ đó, có thể tái khẳng định, những hành động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc là rất nguy hiểm", ông Trục đánh giá.

Bàn cờ Biển Đông sẽ đi về đâu?

Đánh giá cao những động thái tích cực của Mỹ ở Biển Đông trong thời gian qua nhưng ông Trục cũng cho rằng, chúng ta cần phải hết sức thận trọng, linh hoạt trong ứng xử cho phù hợp.

Ông bày tỏ: "Không đứng về người này để chống lại người khác, không liên minh quân sự, không bè phái… không có nghĩa là không cần đến sự ủng hộ giúp đỡ của anh em, bạn bè, láng giềng gần xa “khi tối lửa tắt đèn”.

Muốn tranh thủ sự đồng tình ủng hộ tích cực đó, chúng ta cần phải thể hiện lập trường rõ ràng, đúng sai phải minh bạch, phải tạo lập, củng cố “niềm tin chiến lược” trong quan hệ khu vực, quốc tế.

Thực hiện điều này trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trong các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan…".

Nhận định về bàn cờ Biển Đông trong thời gian tới, ông Trục cho hay, những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông làm cho dư luận hết sức quan ngại.

Tuy nhiên, tình hình Biển Đông có xảy ra đụng độ hay không, chiến tranh nóng có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào diễn biến của tình hình quốc tế và phụ thuộc vào cán cân sức mạnh của các siêu cường đang đối kháng nhau tại một số địa bàn chiến lược quan trọng.

"Các quân cờ của ván bài quốc tế đang nằm trong tay của một số siêu cường cũ và mới… Nhân loại phải cảnh giác với những “cuộc chơi” đượm mùi thuốc súng đó…", ông Trục nhận định.

Theo ông Trục, hiện tại Việt Nam đang đứng trước tình huống sự toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích Quốc gia trên biển, đảo đang bị xâm phạm, chà đạp ngày càng nghiêm trọng.

Chúng ta cũng đang chứng kiến tình hình an ninh, hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển của khu vực và thế giới đang bị đe dọa.

"Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế  đang hướng về Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, mong chờ những đại biểu của nhân dân thể hiện lập trường, chủ trương đường lối rõ ràng, đúng đắn của mình.

Cả dân tộc Việt Nam đang sẵn sàng sát cánh cùng các đại biểu của mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền Quốc gia mà các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao xương máu để gìn giữ, lưu truyền", ông Trục nhấn mạnh thêm.

 
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Mục đích của các nhà lãnh đạo Trung Quốc bây giờ là hoàn thành mục tiêu cuối của giai đoạn 1921-2021 nhằm xây dựng nước này thành một xã hội khá giả. Mục tiêu thứ 2 mang tính chiến lược toàn cầu là “một vành đai, một con đường”, qua đó làm chủ con đường trên bộ là con đường vắt ngang lục địa Á Châu, con đường trên biển là con đường từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Từ đó thống lĩnh vùng lãnh thổ Châu Á. Bởi Trung Quốc nhận thức rằng, kẻ thống trị được lục địa Á Châu sẽ thống trị thế giới. Do vậy, Trung Quốc luôn tìm cách gây hấn với những nước làm ảnh hưởng con đường chinh phục giấc mơ của họ.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại