Chị ve chai sẽ hưởng trọn 5 triệu yen nhặt được?

Ái Nhân |

Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết thời hạn một năm “neo giữ” hơn 5 triệu yen nhưng chưa có ai lên tiếng là chủ nhân số tiền này. Nhiều người mong muốn số tiền trên sẽ được giao cho bà ve chai - người nhặt được - hưởng trọn.

Liên quan đến vụ người mua phế liệu phát hiện 5 triệu yen trong thùng loa cũ, ngày 7-3, Đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng Công an quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết hồ sơ vụ việc được chuyển cho TAND quận Tân Bình xử lý.

Chưa xác định được chủ sở hữu

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 21-3-2014, hai vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người thu mua ve chai, phế liệu ở đường Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình), mở thùng loa cũ trong đống phế liệu thì phát hiện một cục tiền yen Nhật.

Nhiều người biết tin đã đến xin “chia” khiến an ninh trật tự khu vực và an toàn của vợ chồng chị Hồng bị đe dọa.

Trước tình thế đó, vợ chồng chị Hồng đã giao số tiền phát hiện cho Công an quận Tân Bình giữ.

Những ngày đầu công an quận mới tiếp nhận số tiền trên, có hàng chục trường hợp đến xin nhận là chủ sở hữu số tiền.

Tuy nhiên, không ai chứng minh được mình là chủ sở hữu hợp pháp của số tiền này.

Tổng cộng số tiền là 5.240.000 yen Nhật, tính theo tỉ giá hiện tại tương đương hơn 900 triệu đồng. Khi tiếp nhận, Công an quận Tân Bình đã gửi số tiền trên vào kho bạc.

Ngày 28-4-2014, Công an quận Tân Bình ra thông báo tìm chủ sở hữu, được đăng tải công khai trên báo Pháp Luật TP.HCM và một số phương tiện truyền thông khác.

Theo quy định, hết hạn một năm kể từ ngày thông báo, nếu không có ai được xác định là chủ sở hữu thì số tiền này sẽ được định đoạt theo pháp luật.

“Tuy nhiên, đến nay khi đã gần hết thời hạn một năm mà vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu hợp pháp của số tiền nói trên” - một cán bộ Công an quận Tân Bình cho biết.

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng bên xe mua ve chai thường nhật. Ảnh: ÁI NHÂN

Hai luồng quan điểm

Vụ việc này trước đây Pháp Luật TP.HCM từng phân tích, mổ xẻ vấn đề pháp lý. Theo đó, có hai luồng quan điểm trong việc xác lập quyền sở hữu đối với số tiền này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng trường hợp này cần áp dụng Điều 239 BLDS về xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu.

Cụ thể, số tiền nói trên được coi là vật không xác định được chủ sở hữu theo khoản 2 điều luật này.

Theo đó, sau một năm kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì số tiền này thuộc sở hữu của người phát hiện. Tức là khi đó chị Hồng sẽ hưởng trọn số tiền này.

Quan điểm thứ hai cho rằng trường hợp này phải áp dụng Điều 241 BLDS về xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên.

Khi đó sau hạn một năm kể từ ngày thông báo công khai, nếu không xác định được ai là chủ sở hữu thì số tiền này (do hơn 10 tháng lương tối thiểu nên) được phân chia như sau:

Chị Hồng sẽ được 10 tháng lương tối thiểu cộng với 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu, tính ra trên 50% số tiền yen nói trên. Phần còn lại sẽ thuộc về Nhà nước.

Tuy nhiên, đa số thiên về quan điểm thứ nhất, tức chị Hồng được hưởng trọn số tiền trên là hợp lý, hợp tình.

Thủ tục nhận lại tiền ra sao?

Luật sư Trần Minh San (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng khẳng định vợ chồng chị Hồng hưởng toàn bộ số tiền trên là hợp lý, hợp tình.

Về mặt thủ tục, luật sư San cho biết hết thời hạn thông báo tìm chủ sở hữu (mà không xác định được ai là chủ sở hữu), chị Hồng sẽ đến cơ quan điều tra Công an quận Tân Bình (vì cơ quan này là cơ quan tiếp nhận, tạm giữ số tiền) để nhận kết quả (không) xác định (được) chủ sở hữu.

Khi đó công an phải giao lại toàn bộ số tiền tạm giữ cho chị Hồng.

Nếu vụ việc đã được công an chuyển cho TAND quận xử lý thì chị Hồng đề nghị tòa xác nhận về việc không có người tranh chấp số tiền trên.

Từ đó Công an quận Tân Bình sẽ giao lại toàn bộ số tiền cho chị Hồng.

Sẽ dành trọn để nuôi con ăn học

Trao đổi với PV chiều tối 10-3, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng cho biết đang chờ mong đến ngày được nhận số tiền “từ trên trời rơi xuống” mà Công an quận Tân Bình đang tạm giữ giúp.

Chị kể từ ngày thông tin về việc hai vợ chồng chị nhặt được tiền thì họ hàng, người thân ai cũng hỏi thăm, chúc mừng cho vợ chồng chị.

Chị bảo khi nào cơ quan chức năng mời chị lên thì chị sẽ gọi chồng vào để cùng đi nhận.

Bây giờ mới đầu năm, hàng hóa mua bán còn chậm nên chồng chị ở quê (Quảng Ngãi) chăm sóc cho hai cháu.

“Nếu nhận được toàn bộ số tiền, chị có dự định mua đất, xây nhà ở TP.HCM để ở không?”. “Tui sẽ gửi ngân hàng để dành cho hai con ăn học” - chị Hồng cười hiền.

Chị kể hai vợ chồng chị đều nghèo, ước mong lớn nhất của cả hai là hai con được ăn học nên người. “Tui chỉ nghĩ đơn giản có số tiền đó thì gia đình tui bớt khổ, con tui có cơ hội ăn học nên người”.

Chị Hồng hưởng trọn là hợp lý, hợp tình

Theo tôi, áp dụng Điều 239 BLDS là hợp lý, hợp tình.

Bởi lẽ việc chiếm hữu theo các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, vật bị chôn giấu... được coi là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu.

Tùy thuộc tình trạng phát hiện mà có cách áp dụng pháp luật để xác lập sở hữu khác nhau.

Khoản 1 Điều 239 BLDS quy định: “Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó.

Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước”.

Như vậy, để khẳng định tài sản là vật vô chủ thì phải xác định được việc từ bỏ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu.

Trong đó, thái độ chủ quan của chủ sở hữu đối với việc từ bỏ tài sản phải là cố ý.

Nếu chủ sở hữu bỏ lại tài sản một cách vô ý thì tài sản được xác định là vật do người khác đánh rơi, bỏ quên.

Việc xác lập quyền sở hữu cho người nhặt được tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 241 BLDS.

Với vật vô chủ do cố ý từ bỏ thì quyền sở hữu của người phát hiện được xác lập ngay, ngoại trừ bất động sản hoặc tài sản không có người thừa kế thuộc Nhà nước sở hữu.

Trong trường hợp không biết ai là chủ sở hữu và không có căn cứ để xác định việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu thì tài sản được coi là “vật không xác định được chủ sở hữu”.

Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 239 BLDS, tức chị Hồng hưởng trọn.

Vợ chồng người mua ve chai là người đã phát hiện ra số tiền trong cái loa, là tài sản mà họ mua tại nhà của mình.

Đương nhiên người bán loa chỉ định đoạt về quyền sở hữu với cái loa chứ không định đoạt số tiền ẩn chứa trong đó.

Trong khi Điều 241 BLDS quy định “người nào nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên…”.

Vật bị đánh rơi, bỏ quên phải là vật do chủ sở hữu vô ý từ bỏ, vật đó đã ra ngoài kiểm soát, chiếm hữu trái với ý chí của chủ sở hữu.

Thêm nữa, vật bỏ quên, đánh rơi được người nhặt được tại vị trí nhất định như tại nhà, trên xe buýt, chợ, nơi công cộng…

Có thể số tiền trên là vật bỏ quên (cất giấu trong loa rồi quên). Tuy nhiên, cách bỏ quên không hẳn giống như quy định tại Điều 241.

Hơn nữa, người mua ve chai cũng không nhặt được số tiền trên.

Như thế, trường hợp này người mua ve chai phát hiện ra tài sản mà không biết ai là chủ sở hữu và cũng không có căn cứ xác định được chủ sở hữu là ai thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 239 BLDS là phù hợp.

Bởi lẽ Điều 239 là quy định chung, còn Điều 240 (xác lập quyền sở hữu với vật bị chôn giấu, chìm đắm được tìm thấy), Điều 241 (xác lập quyền sở hữu với vật đánh rơi, bỏ quên) là quy định riêng.

Nếu quy định riêng không thỏa mãn các điều kiện khi áp dụng thì quay về áp dụng quy định chung.

Tóm lại theo tôi, trường hợp này áp dụng khoản 2 Điều 239 BLDS để xác lập quyền sở hữu toàn bộ 5.240.000 yen cho chị Hồng là hoàn toàn hợp lý, hợp tình.

TS LÊ MINH HÙNG, Trưởng bộ môn Luật dân sự - ĐH Luật TP.HCM

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại