Chế tài xử phạt đang theo khói... lên trời!

Đúng một tuần sau khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực, theo khảo sát của PV, tại hầu hết các điểm cấm, hạn chế hút thuốc, tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra tràn lan và hiện vẫn chưa có trường hợp nào bị xử phạt.

Không chỉ có người dân, mà người có chức trách cũng “phì phèo” tại nơi cấm.

Khói thuốc vẫn nghi ngút nơi công cộng

Không khó để bắt gặp những cảnh tượng người dân hồn nhiên thả khói thuốc giữa nơi công cộng, khi mà Luật PCTHTL có hiệu lực từ ngày 1.5. Giới hạn cấm hút thuốc lá trong nhà và trong phạm vi khuôn viên như cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, hay cấm hút thuốc trong nhà như nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, học viện... tuy đã có hiệu lực nhưng vẫn ngập trong khói thuốc. 

Đó là chưa kể đến các nhà hàng, công viên vốn ít nằm trong sự kiểm soát của cơ quan chức năng thì những quy định của luật hầu như chưa được chạm tới.

Có mặt tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư sáng ngày 7.5, không khó để bắt gặp những cảnh tượng người dân vẫn vô tư hút thuốc. Khuôn viên, thậm chí là tại các dãy nhà, phòng khám vẫn có người hút thuốc.

Trong lúc chờ vợ vào khám, anh Nguyễn Văn H (trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) đã kịp rít vài hơi thuốc trước sự chứng kiến của nhiều bệnh nhân và người thân họ. Khi được hỏi, anh H cũng chỉ biết lờ mờ về quy định mới. “Có luật cấm vậy à. Mấy hôm nay cũng nghe đám bạn cơ quan bàn tán, nhưng thực hư thế nào thì mình chưa tìm hiểu” - anh H cho hay.


	Người dân vẫn vô tư hút thuốc nơi công cộng.

Người dân vẫn vô tư hút thuốc nơi công cộng.

Tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, ngay từ ngoài cổng của BV, xe đẩy bán hàng rong và thuốc lá vây quanh cổng.

Lẫn trong đám đông của những người chờ khám là mùi thuốc lá nồng nặc. Mặc dù, tại BV nhiều băngrôn và bảng có ghi cấm hút thuốc, nhưng cũng không mấy tác dụng. Theo lời của một bảo vệ, nhiều người khi hút thuốc bị mời ra ngoài nhưng vẫn cố tình cãi lại rất hồn nhiên: “Mấy anh có quyền gì mà cấm tôi”.

Tại BV Ung bướu, một bệnh nhân bị ung thư phổi cho biết: “Biết nhưng thèm quá hút một điếu cho đỡ đau. Có hơi thuốc vào dễ chịu...”.

Ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy, việc răn đe những người hút thuốc lá được kèm theo mức phạt 50.000 - 100.000 đồng nhưng “mặc kệ nó”, nhiều người vẫn hút. TS-BS Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc BV - khi trả lời với báo chí, cho rằng: Rất khó để dẹp được tình trạng hút thuốc lá trong BV nếu luật không quy rõ trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan. 

Trước mắt để hạn chế nạn hút thuốc lá trong khuôn viên của BV, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để giám sát, xử lý những trường hợp cố tình.

Theo quy định của luật, người kinh doanh thuốc lá không được bán thuốc cho người dưới 18 tuổi, tuy nhiên trên các tuyến phố thủ đô đều bắt gặp những học sinh choai choai phì phèo thả khói.

Bên cạnh đó, mặc dù từ ngày 1.5, việc in hình cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo thông tư liên tịch của Bộ Công Thương - Bộ Y tế được triển khai, nhưng ghi nhận trên thị trường thuốc lá vẫn không có gì thay đổi.

Dân “nhờn” luật, hay nhà chức trách quên

Tại nhà làm việc của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thanh Xuân (Hà Nội), sau gần một tuần, kể từ khi PV góp ý về việc cần đặt biển cấm hút thuốc trong tòa nhà và nhân viên cũng hứa sẽ thực hiện, thế nhưng đến nay, toàn bộ nhà làm việc vẫn “trắng” biển cấm. 

Tương tự, nhà làm việc của Ban Chỉ huy quân sự phường Thanh Xuân Trung cũng không hề có biển báo cấm hút thuốc tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, dư luận băn khoăn, ai là người xử và giám sát việc thực hiện xử, trong khi lực lượng thanh tra y tế vừa ít vừa mỏng. Với người bị phạt, có điều kiện nào để họ phải chấp hành việc nộp phạt... 

Đó là chưa kể, việc bắt quả tang đối tượng hút thuốc không phải là việc dễ thực hiện... vì thời gian diễn ra hành vi vi phạm ngắn, số lượng vi phạm lại đông, nên việc xử phạt khó có thể tiến hành đầy đủ, kịp thời.

Đây cũng là lý do khiến cơ quan chức năng chỉ xử phạt được hơn 10 người kể từ ngày 1.1.2010, khi quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng tại Quyết định 1315 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

Theo PGS-TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc BV Bạch Mai - không phải khi luật có hiệu lực, là mọi thứ được thực thi ngay, mà từ lâu, BV đã có nhiều biện pháp tuyên truyền về PCTHTL.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết: Việc vi phạm các quy định về cấm hút thuốc lá nơi công cộng diễn ra nhiều, trên một địa bàn rộng, trong khi lực lượng có thẩm quyền xử phạt lại rất mỏng. 

Việc xử phạt là cần thiết và mang tính chất răn đe, khi nó hiệu ứng đến đám đông, nhưng công tác tuyên truyền cần được coi là quan trọng nhất.

Luật thì đã có hiệu lực, nhưng còn quá nhiều vấn đề còn lúng túng, các quy định đưa ra thiếu tính khả thi. Ngay cả với cơ quan đề luật, những bế tắc trong việc triển khai vẫn còn là điều khó gỡ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại