Hai lần giật mình và một lần hồi hộp
Ngày 11/1, UBND TP Hà Nội công bố kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng công chức, viên chức các quận, huyện của thành phố năm 2011 và 2012.
Kết luận là chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và cán bộ nhận tiền để "chạy" vào công chức, viên chức, kể cả trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Người dân có 2 lần giật mình và 1 lần hồi hộp. Giật mình lần thứ nhất khi nghe thông tin từ kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố về hé lộ việc "chạy vào công chức mất không dưới 100 triệu đồng", sau đó họ hồi hộp xem ai dám cả gan lấy "không dưới 100 triệu đồng" để giúp chạy vào công chức và sau cùng người ta giật mình lần nữa, khi có kết luận chắc nịch là chưa phát hiện ra việc chạy tiền vào công chức.
Nhưng đây là kết luận chính thức rồi, sao lại phải giật mình ạ?
Đúng vậy. Kết luận này có khác với "kết luận" không chính thức "qua dư luận" và "nghe nói". Điều đó cho thấy nhiều người phải thận trọng hơn nữa trong phát biểu, nêu ý kiến trước công chúng, tránh làm cho dân chúng hết giật mình lại đến hồi hộp.
Ông có thấy vui vì Hà Nội không có tiêu cực?
Tôi thấy buồn. Tôi buồn vì không phải không phát hiện được ai vi phạm trong việc chạy công chức, mà buồn vì hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước không cao như mong muốn. Hơn 10 năm nay thực hiện cải cách hành chính nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn, nhiều thập kỷ đã nhìn nhận tham nhũng là vấn nạn.
Ý ông là dù có kết luận không tìm ra sai phạm thì vẫn "có gì đó" chưa thỏa mãn, vui mừng?
Ở Hà Nội, sau kiểm tra, không phải là trong sạch hoàn toàn. Dư luận là vậy, nhưng để "vạch mặt, đặt tên" rất khó khăn. Không dễ gì mà biết ai đã chạy, đưa tiền cho ai, đưa tiền vào lúc nào. Chắc khó có ai có đủ dũng khí để thực hiện "chạy vào công chức" rồi ghi âm, ghi hình nộp cho nhà chức trách tố cáo tiêu cực, tố cáo tham nhũng.
TS Ngô Thành Can nói về kết quả thanh tra "chạy" công chức Hà Nội.
Đừng lấy lá che mắt thiên hạ
Có người cũng bảo: Đừng lấy chiếc lá che mắt thiên hạ như thế. Thực tế nó lù lù ra thế mà lại bảo là không có. Chứng tỏ là năng lực có vấn đề, trách nhiệm có vấn đề, đạo đức có vấn đề... Ông nghĩ thế nào về điều này?
Đây là câu hỏi khó, quá khó, quá tế nhị. Quả thật là đừng lá che mắt thiên hạ. Xin thưa ngay rằng, thiên hạ biết cả rồi, vấn đề chỉ là chứng cứ mà thôi.
Nhưng ít nhiều xét ở góc độ văn bản giấy tờ, bằng chứng thì họ đã "che" được?
Các văn bản đều nói có một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất, suy đồi đạo đức, tham nhũng. Nhưng không thể làm "ngay và luôn", triệt tận gốc được. Từ nhận thức được vấn đề đến nhận biết được nó để xử lý là một quãng dài, còn từ biết đến xử lý triệt để là quãng xa nữa.
Theo ông thì vì sao người ta lại chưa tìm ra tiêu cực? Phải chăng người chạy đã kịp xóa hết mọi dấu vết?
Cải cách hành chính phải được thực hiện lâu dài, từng bước, tùy điều kiện của từng quốc gia. Ngay cả chuyện cái phong bì - vấn đề nhức nhối của một ngành, khó chấm dứt được nạn phong bì, nên cán bộ lãnh đạo ngành phải kêu gọi: Hãy chụp ảnh, ghi âm, lấy bằng chứng về việc lấy phong bì gửi cho chúng tôi. Tôi nghĩ cần có thời gian.
Nhưng theo quan điểm của ông, có "xóa" được dấu vết không?
Dấu vết ư! Làm sao mà xóa được. "Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" cơ mà. Cổ nhân có câu: Đã làm việc xấu thì thế nào người ta cũng biết, muốn người ta không biết thì đừng có làm. Ta chưa xử triệt để được tham nhũng, chạy chức chạy quyền là do cách làm còn nửa vời, chưa triệt để. Người vi phạm không sợ đến mức phải dừng lại không dám làm nữa.
Nhưng rõ ràng là tìm ra bằng chứng thì cực khó?
Đúng thế. Chẳng ai biết, ngoài 2 người, chẳng ai hay, ngoài 2 người. Không ai tố cáo ai, thì ai biết? Nó mà dễ phát hiện thì người "chạy" bị bắt hết rồi còn đâu.
Kiểu gì cũng bị lộ thôi!
Theo ông, số người tin vào kết quả thanh tra đó có nhiều không?
Tôi nghĩ không nhiều lắm!
Phải chăng, trong việc này thì thanh tra có vấn đề?
Việc thanh tra, kiểm tra có thể khẳng định là không có vấn đề gì. Vì thanh tra kiểm tra đã có quy trình rồi, phải có chứng cớ, có minh chứng thì mới khẳng định, mới kết luận được.
Vậy vấn đề nằm ở đâu ạ?
Nói lên sự thật, nhiều người dám nói, nhưng để làm cho sự thật đó là "sự thật chính thức" thì không phải ai cũng làm được, nhất là những thứ liên quan đến quyền chức, đến cán bộ lãnh đạo.
Là người tiếp xúc nhiều với công việc tuyển dụng, chấm thi, ông có thể chia sẻ về những "chiêu trò" tinh vi mà người ta thường sử dụng?
Người ta thường nói vui, các thầy là nhiều trò lắm. Nhưng thật ra, thì các "trò" mới nhiều "trò". Không có giáo án nào cho phần này chị phóng viên ạ. Thực tế muôn hình vạn trạng, biến đổi khôn lường. Nhưng đã làm sai thì kiểu gì cũng bị lộ thôi! Kính thưa các đồng chí đã bị và kính thưa các đồng chí còn chưa bị lộ.
Liệu có giải pháp nào trị tận gốc chạy công chức, ngăn chặn tiêu cực, chọn được người giỏi?
Có. Phải kết hợp thực hiện một số cách như có quy trình tuyển dụng sử dụng rõ ràng, hệ thống thăng tiến và đãi ngộ tốt, kỷ luật nghiêm... để người ta không thể, không muốn, không dám và không thèm làm.
Theo ông thì "bản báo cáo đẹp" này sẽ kéo dài đến bao giờ? Có các yếu tố nào thì sẽ có sự thay đổi?
Tôi không dám làm cho các nhà tiên tri mất nghề (cười), nhưng thực tế cho thấy chống tham nhũng, chống tiêu cực là một quá trình lâu dài và nó phụ thuộc vào sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp. Để tạo ra sự thay đổi lớn vẫn là vấn đề con người. Trước hết là vấn đề trách nhiệm và đạo đức cá nhân.
Xin cảm ơn ông!
Báo cáo của các đoàn kiểm tra, Hà Nội cho biết công tác tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục các quận, huyện, thị xã năm 2012 đã bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.
Tính đến ngày 4/1/2013, Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và nhận tiền để chạy vào công chức, viên chức, kể cả các trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa.
Bí thư huyện Ứng Hòa cho biết, trước khi kiểm tra, qua rà soát đã phát hiện 12 cán bộ có "tác động" trong việc thi công chức và đã có những hình thức xử lý, kỷ luật phù hợp.