Đâu phải chuyện riêng của Hà Nội!
Trong kỳ họp của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội mới đây, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy "mách" rằng, để trúng tuyển công chức trên địa bàn thành phố phải mất không dưới 100 triệu. Ông có bất ngờ với con số đó?
Thông tin như thế thì bình thường mà! Có gì lạ đâu! Mà việc đó cũng chẳng riêng của Hà Nội. Ai cũng biết, có điều có ai dám nói thẳng ra không mà thôi. Nhưng đỗ công chức mà chỉ mất có một trăm triệu thôi á?
Ông ngạc nhiên vì... rẻ quá?
So với nhiều vị trí trong cơ quan Nhà nước thì con số đó rẻ mà, thấm tháp gì. Tôi tưởng phải mất cả tỷ bạc ấy chứ.
Đó là thông tin ông nghe kể hay đã được kiểm chứng?
Thực ra, ngày tôi còn đương chức thì không nghe chuyện mất nhiều tiền như thế đâu. Gần đây nghe người ta nói, trong đó có cả những người quen biết của tôi nên tôi tin chuyện đó là có cơ sở.
Có tiền, chưa chắc đã đỗ
Nhưng thưa ông, bao lâu nay người ta vẫn kêu lương công chức không đủ sống. Việc bỏ ra không dưới 100 triệu đồng để nhận lương hơn 2 triệu đồng/tháng phải chăng là một sự đầu tư... dại dột?
Nói dại dột thì không hẳn đâu, mà đó là một sự đầu tư dũng cảm đấy. Có thể họ đã tính toán cả rồi. Rõ ràng họ bỏ tiền thì phải như thế nào thì họ mới đầu tư chứ?
Có những vị trí, tôi biết rằng chỉ cần một năm thôi là đã đủ, thậm chí thừa sức hoàn vốn. Đất màu mỡ thế bảo sao họ không "chạy"!
Ông bảo 100 triệu để đỗ công chức là "rẻ". Nhưng không phải ai cũng có ngần ấy tiền để "chạy"?
Đó là một thực tế. Nhưng dù muốn hay không thì nó vẫn đang diễn ra.
Có ý kiến cho rằng, việc "chạy" vào công chức như thế đang khiến cho "con vua thì lại làm vua"?
Đúng vậy. Nhưng sự đời là, nhiều khi anh có tiền thì anh cũng không đỗ được đâu.
Ý ông là...
Giả dụ bố mẹ bạn có tiền, bạn muốn vào làm trong cơ quan Nhà nước thì cũng khó đấy, nếu bạn không quen biết người này người kia.
Thế nên thi thoảng chúng ta vẫn nghe người ta than thở "trượt vì "chạy" không đúng cửa" đấy thôi.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương.
Ông Dực đáng biểu dương, nhưng...
Ông vừa nói, việc "chạy" như thế ai cũng biết nhưng không ai nói ra. Theo ông thì vì sao?
Những người mà "chạy" thành công thì tội gì họ nói! Vì nói ra chẳng khác nào "vạch áo cho người xem lưng", rồi thì bị kỷ luật chết à?
Còn những người dám nói lại là những người mất tiền "chạy" nhưng không được, họ ấm ức nên mới phải nói thôi.
Vậy còn phát biểu của ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, ông nhận xét thế nào?
Tôi cho rằng, một người có trách nhiệm mà nói được như thế là tốt lắm rồi. Cần phải biểu dương ông ấy! Thế nhưng, ông ấy lại chưa chỉ ra được ai là người chạy, nguyên nhân của nó. Đấy mới là vấn đề mấu chốt.
Vậy theo ông, nguyên nhân của việc "chạy" vào công chức ấy là do đâu?
Hiện nay, chúng ta chưa làm rõ biên chế trong mỗi cơ quan, đơn vị là bao nhiêu người. Thế nên người ta cứ tuyển ào ào.
Thứ hai, điều kiện để thi không rõ ràng. Anh muốn làm thanh tra thì phải có điều kiện gì? Làm sếp thì cần điều kiện gì? Ta đã quy chuẩn hóa đâu?
Thêm nữa, việc thi cử cũng không dân chủ, không công khai và không minh bạch. Nhiều cơ quan, đơn vị thi tuyển nhưng lại không thông báo rộng rãi, chỉ "người nhà" biết với nhau. Đấy, tất cả những cái đó là "đất" để người ta phải mất tiền mà "chạy".
Nhưng thưa ông, ta có Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ, rồi thì có các Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra đấy thôi?
Có đấy nhưng họ "làm" đến đâu mới là vấn đề. Thế nên cứ bảo tinh giản bộ máy Nhà nước nhưng rồi nó cứ phình to ra. Rồi thì mất tiền để mua chức quyền. Dư luận, báo chí cũng kêu ca, nói nhiều rồi mà có thay đổi gì đâu?
Theo ông thì những người có trách nhiệm có biết điều đó?
Cả xã hội biết rồi, sao các ông ấy lại không biết được chứ!
Tại sao biết rồi mà vẫn để có lỗ hổng như thế?
Vì cơ chế trách nhiệm của ta không rõ ràng. Đã thấy ai chịu trách nhiệm khi để tình trạng mất tiền mới đỗ công chức đâu? Tổng kết cuối năm, đơn vị nào cũng báo cáo "hoàn thành tốt nhiệm vụ", đều khen nhau cả.
Không làm được thì phải thẳng tay loại
Phải mất không dưới 100 triệu để đỗ công chức. Theo ông thì liệu có trường hợp người giỏi nhưng vì không đủ tiền nên không đỗ?
Cũng có thể. Nhưng tôi tin, những người giỏi thì dù không trở thành công chức họ vẫn có thể sống tốt.
Ý ông là chỉ những người kém năng lực mới phải mất tiền "chạy"?
Đương nhiên, nhưng cũng không hoàn toàn 100% người mất tiền "chạy" đều kém như nhau.
Và hệ quả là?
Bộ máy Nhà nước không có hiệu quả. 10 người trong bộ máy thì chỉ 2 - 3 người là làm được việc thôi, còn lại thì làng nhàng.
Theo ông, khi Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy đã chỉ ra thực trạng ấy thì chúng ta có quyền tin vào một sự thay đổi?
Đó là một tiếng trống thức tỉnh không chỉ cho Hà Nội mà cho cả Trung ương, cho cả nước. Thế nhưng, chỉ ra thực trạng ấy mới chỉ là bước đầu. Vấn đề tiếp theo, quan trọng hơn cả là phải đưa ra biện pháp giải quyết.
Theo ông thì giải quyết nó bằng cách nào?
Phải tổ chức thi dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác chấm thi phải có nhiều khâu. Trách nhiệm cần phải rõ ràng. Còn với những người đã vào công chức rồi mà không làm được thì phải thẳng tay loại. Cũng khó đấy, nhưng phải quyết tâm làm, tất cả cùng làm sẽ dần hạn chế được thực trạng đáng buồn này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Tôi làm công tác tổ chức 55 năm và nhận thấy rằng, có ba thứ mà chẳng có ai tự giác nhận. Ấy là phản bội Đảng, bỏ tiền ra chạy chức chạy quyền và quan hệ nam nữ.
Riêng với việc bỏ tiền chạy chức chạy quyền nó cũng giống như đi buôn ấy. Người ta bỏ tiền ra mua được vị trí đó thì cũng phải tính toán xem bao lâu nữa sẽ thu hồi lại vốn? Xong rồi lại phải nghĩ bỏ tiền ra để đầu tư tiếp vào vị trí nào?
Cứ thế chạy hết chức nọ đến chức kia, đua nhau chạy. Đồng tiền chọc thủng mọi chân lý, giá trị cuộc sống là thế!".