Hoại tử, teo còng tay vì rắn cắn
TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một trường hợp bệnh nhân ở làng nuôi rắn nọ sau khi bị rắn cắn không đi viện cấp cứu mà đi chữa thầy lang.
Khi vào viện các vết hoại tử khiến tay đã co quắp lại. Các bác sĩ tại đây đã cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch và chuyển bệnh nhân xuống viện Bỏng quốc gia để làm phẫu thuật ghép da nhưng bệnh nhân đó không xuống viện điều trị lại về quê đắp thuốc.
Một thời gian sau, tay bị rắn cắn co lại như cành cây khô.
Hay như một trường hợp khác bệnh nhân nữ 18 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội bị rắn cắn gần mắt.
Sau khi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai xong, bệnh nhân lại về nhà đi đắp thuốc thầy lang nên vùng mắt sưng tấy phù nề. Bệnh nhân tin rằng nhờ thuốc của thầy làng mới chữa được rắn độc.
TS Sơn khẳng định giai đoạn ngộ độc cấp tính đã được các bác sĩ điều trị ổn định, bệnh nhân không cần đi chữa thầy lang nhưng gia đình vẫn cho em đi chữa thầy lang để vùng mắt bị sưng tấy, hoại tử thêm.
“Nếu sang thẳng Viện Bỏng quốc gia vá da thì sẽ tốt hơn rất nhiều” – vị bác sĩ này nhấn mạnh.
Một bệnh nhân ở Thái Nguyên vốn là thợ bắt rắn nhưng do chủ quan dùng tay bắt rắn nên khi bị rắn cắn anh ta đã chặt ngón tay của mình.
Lúc thấy con rắn đã ăn con chuột, anh ta nghĩ nọc độc đã giảm nên lại để ngón tay vừa chặt vào phần đứt lìa. Nọc độc vẫn đi từ phần ngón tay chặt vào cánh tay và ngấm vào cơ thể.
Lúc nhập viện, bệnh nhân đã bị liệt cơ, liệt hô hấp và điều trị mất cả tháng trời mới tạm ổn định.
Trước đây nạn nhân chủ yếu bị cắn vào chân, nhưng nay do chủ quan, người bị rắn cắn là người nuôi và bắt bằng tay, trên 80% nạn nhân bị rắn cắn vào tay.
Con thầy lang chết vì rắn cắn
TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ nhiều trường hợp bị rắn cắn, trong đó chủ yếu là bị rắn cắn khi chăm sóc rắn như tắm, bắt ve, cho rắn ăn.
Tại miền Bắc có hai nơi nuôi rắn nổi tiếng là Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội và Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Bệnh nhân của trung tâm đến từ các khu nuôi rắn này rất nhiều. Có những bệnh nhân bị rắn cắn đến lần thứ hai, lần thứ ba.
Gần đây, bệnh nhân bị rắn cắn đã được đưa vào viện sớm hơn vì người dân ý thức được sự nguy hiểm của rắn cắn.
Mấy năm trước, tình trạng bệnh nhân vào viện sau khi bị rắn cắn ở giai đoạn muộn rất nhiều do không biết sơ cứu ban đầu.
Ngoài các trường hợp tử vong vì chủ quan, không được sơ cứu trước khi đưa lên tuyến trên, còn không ít bệnh nhân bị rắn độc cắn cũng phải chết tức tưởi khi đi chữa trị tại các “thầy lang”.
Có những bệnh nhân cố tình chữa thầy lang và khi đến viện đã muộn, hoại tử chân tay.
Theo TS Sơn, “khi bị rắn độc cắn, bệnh nhân không nên đến chữa trị tại các “thầy lang” vườn. Các bài thuốc đông y đều không có tác dụng trị nọc độc của rắn".
Nhiều năm gắn bó với Trung tâm Chống độc, TS Sơn cho biết ngay cả con các “thầy lang” có tiếng như Lang Long, Lang Trấu ở hai làng Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội), Lệ Mật (Long Biên, Hà Nội) còn chết vì rắn hổ chúa cắn.
Một người ở Phụng Thượng thì chết trên đường đến bệnh viện, một người thì khi đưa đến chùa Bộc bị tắc đường nên cũng tử vong trên đường đi cấp cứu…”
"Trường hợp ông lang Vấn, vốn là người trị rắn cắn nức tiếng vùng Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị rắn hổ chúa cắn cũng phải mổ cổ để cấp cứu.
Bởi khi ông Vấn đến không vào Trung tâm, mà lại ngồi ngoài, nếu khỏi thì về, nên khi vào thì nọc độc đã làm tắc khí quản phải mổ cổ mới chữa được…”,TS Sơn cho biết.
Theo phương pháp chữa rắn cắn trong dân gian, người dân khi bị rắn cắn thường lấy cây cỏ xung quanh khu vực bị rắn cắn, giã ra lấy nước uống, ăn bã cây.
Hoặc lấy trứng gà đục một lỗ cho vào chỗ có rắn cắn, có người còn lấy phao câu gà dí vào chỗ bị rắn độc cắn để hút độc…
TS Sơn cho rằng: "Không nên mất thời gian làm việc đó vì nó không có tác dụng gì”.
TS Sơn cho biết có đồ dùng chuyên dụng cho bắt rắn nhưng người ta vẫn không dùng mà chỉ thích dùng tay. Dụng cụ bắt rắn này rất đơn giản mà an toàn.
TS Sơn là người đầu tiên mua một cây dụng cụ bắt rắn từ Mỹ về. Ở Việt Nam cũng có dụng cụ này nhưng không thợ rắn nào dùng.