Chặt 6.700 cây: Ai "chứng nhận" rằng người dân đồng tình?

Hoàng Đan |

Đó là một trong số 21 câu hỏi báo chí nêu ra xoay quanh vấn đề chặt cây xanh mà... không được lãnh đạo TP Hà Nội và các Sở, ngành liên quan trả lời trực tiếp tại cuộc họp báo ngày 20/3.

Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ trả lời chung, sau đó đã yêu cầu các đơn vị chức năng của thành phố có câu trả lời cụ thể với các câu hỏi, ý kiến này.

Một cây lớn bị chặt hạ nhưng gốc và thân cây không hề có dấu hiệu mục rỗng Ảnh: NLĐO)

Một cây lớn bị chặt hạ nhưng gốc và thân cây không hề có dấu hiệu mục ruỗng Ảnh: NLĐO)

Cụ thể, các câu hỏi được phóng viên gửi đến lãnh đạo thành phố như sau:

1.Thành phố có đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động cảnh quan đô thị trước khi quyết định chặt hạ?

2. Việc dừng này như thế nào, bao lâu, có tiếp tục chặt hạ, bao nhiêu cây?

3. Thành phố có nghiên cứu về ảnh hưởng của việc chặt cây đối với dư luận?

4. Số lượng cây đã chặt là bao nhiêu? Kinh phí chi cho việc này?

5. Có ai chịu trách nhiệm về việc các cây đã bị chặt hạ? Có ai bị kiểm điểm sau vụ này hay không?

6. Ai là người thẩm định, quyết định những cây cần chặt. Tôi được biết việc thẩm định cây có sâu mọt không rất khó. Ngay TP.HCM quyết định đầu tư 2 tỷ khoan thăm dò thì cũng rất khó khăn. Vậy ai quyết định việc này?

7. Việc rà soát cây để thay thế được tiến hành lúc nào, trong bao lâu, có mời nhà khoa học, chuyên gia tham gia hay không?

8. Phố Nguyễn Chí Thanh được đánh giá là con đường đẹp nhất Việt Nam nhưng tại sao ồ ạt chặt cây, có phải có doanh nghiệp lớn xây dựng công trình trên phố này tham gia xã hội hóa vào đề án, nên họ chủ động chặt đồng loạt theo ý họ?

9. Đề nghị cho biết đề án chặt cây hoàn toàn do đơn vị thuộc TP thực hiện hay đằng sau có doanh nghiệp tham gia?

10.. Những doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đóng góp như thế nào cho TP, được TP ưu ái những gì?

11. Những cây chặt xong được tập kết tại đâu, bán hay chưa, việc bán đấu giá hay sử dụng gỗ thành phẩm như thế nào?

12. Những cây được lựa chọn trồng mới được mua từ đâu, giá tiền bao nhiêu, mua của doanh nghiệp nào?

13. Số lượng gỗ xà cừ cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi chặt cách đây sáu tháng được sử dụng như thế nào?

14. Có ý kiến cho rằng cây vàng tâm được chọn trồng thay thế không có tán rộng, không mang lại bóng râm, liệu có nên chọn loại cây này?

15. Có ý kiến chuyên gia nói cây tần bì TP định chọn thay thế trên một số tuyến phố là cây độc. TP nói gì về chuyện này?

16. Đề nghị cá nhân Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết ông cảm nhận ra sao khi ông đi qua khu vực những cây đã bị chặt giữa trời nắng nóng?

17. Ông Nguyễn Quốc Hùng là người ký quyết định cho phép chặt cây, ông có nhận khuyết điểm hay không khi ký quyết định đó?

18. Trong văn bản TP nói “hầu hết người dân khu vực có cây bị chặt đồng thuận”. Cơ sở nào để nhận định như trên, có nghiên cứu hay điều tra xã hội học gì không? Nếu có, đề nghị công khai con số.

19. Bình quân cây xanh đầu người ở Hà Nội là bao nhiêu? Việc chặt 6.700 cây có tính mật độ?

20. Quyết định dừng chặt cây là do dư luận xã hội hay là lí do nào? Việc rà soát sẽ tiến hành trong bao lâu, giải trình khi nào có?

21. Những cây trồng thời Pháp thuộc thì liệu quy hoạch đã sai rồi không?

Phải trả lời trước ngày 25/3

Trước đó, trong sáng nay, UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản giao Giám đốc Sở Xây dựng phải có văn bản trả lời các câu hỏi của báo chí quanh vấn đề cải tạo, thay thế cây xanh trước ngày 25-3.

Còn trong ngày 20/3, Thành ủy Hà Nội cũng có công văn số 932-CV/TU yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo tạm dừng việc triển khai thực hiện thay thế cây xanh để lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân.

Khẩn trương chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tất cả các khâu, các tiêu chí cũng như biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện trong việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị thời gian qua.

Kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp; khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đảm bảo việc cải tạo, thay thế cây xanh theo đúng quy định, hạn chế đến mức thấp nhất việc loại bỏ, thay thế các cây đã trồng.

Ban Tuyên giáo Thành uỷ chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố thông tin kịp thời về việc này; tiếp tục tuyên truyền, giải thích những chủ trương của Thành phố.

CEO TeamworkPR
Ông Trần Chiến Bình
Việc từ chối trả lời 21 câu hỏi của báo chí cho thấy buổi họp báo là vội vàng chưa được chuẩn bị tốt nhất và lãnh đạo Hà Nội chưa có đầy đủ những số liệu và thông tin cần thiết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại