Chàng trai 19 tuổi đan bút bán để tự đóng tiền chạy thận cho mình

Phạm An |

"Lúc còn đi học, em ước mơ mình trở thành thầy giáo. Bây giờ em chỉ mơ ước mình bán được thật nhiều bút để có tiền lọc thận cho chính mình", Mạnh chia sẻ.

Tháng 8/2013, khi Huỳnh Tấn Mạnh (SN 1996, ngụ xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đang bước vào lớp 12, háo hức mua tập sách để chuẩn bị đi học thì em liên tục sốt suốt một tuần, chân trái sưng to, mệt mỏi.

Mạnh được mẹ dẫn đi khám tại các bệnh viện tỉnh Long An rồi lên TP. HCM rồi được chuẩn đoán bị suy thận mãn tính. Để có thể tiếp tục sống, Mạnh phải chạy thận nhân tạo trong một thời gian dài.

Bao nhiêu mơ ước, hy vọng về một tương lai của chàng trai mới lớn chẳng mấy chốc đã tiêu tan. Mạnh ngỡ như mọi thứ đã dồn em vào đường cùng khi số lần lọc máu tăng đều theo từng ngày.

Thay vì đi học, Mạnh đến bệnh viện nhiều hơn, sức khỏe yếu đi trông thấy, nhìn em ai cũng xót xa. Từ một cậu con trai cao trên 1,6 mét, do ảnh hưởng của những lần lọc thận, lưng em còng xuống, hai cánh tay nổi đầy u thịt, chằng chịt sẹo.

Thế nhưng từ đôi bàn tay đó, Mạnh đã tự mình vươn lên, tự kiếm tiền để chi trả viện phí, cũng là niềm vui mà Mạnh có được.

Khi chờ đợi đến lượt mình vào lọc thận, Mạnh tranh thủ đan những cây bút mà khách đặt, nhờ vào công việc này em có thể kiếm tiền để phụ mẹ chi trả viện phí của mình.
Khi chờ đợi đến lượt mình vào lọc thận, Mạnh tranh thủ đan những cây bút mà khách đặt, nhờ vào công việc này em có thể kiếm tiền để phụ mẹ chi trả viện phí của mình.

Cô Phạm Thị Thu Vân (SN 1970, mẹ của Mạnh) bồi hồi: “Khi nghe bác sĩ nói bệnh của Mạnh, tôi tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc.

Thường ngày con trai tôi đã ít nói, nay lại càng im lặng hơn, tôi cố động viên nhưng lúc nào nó cũng mặc cảm nghĩ mình là gánh nặng của gia đình. Con càng như thế, tôi càng thấy đau xiết, nhưng lúc nào cũng hy vọng rồi Mạnh sẽ vượt qua”.

Nghe mẹ nói vậy, Mạnh cũng chỉ biết nhìn vào những cây bút em cố gắng đan để kịp giao cho khách. Nói về đan bút, Mạnh vui hơn hẳn, vì nhờ công việc này bây giờ Mạnh có thể phụ giúp gia đình và kiếm tiền lọc thận cho chính mình.

Mạnh chia sẻ: “Nhà có hai anh em, em gái em đang học lớp 7, nó thấy em ngồi nhà hoài nên khi đi học, cái gì vui, lạ cũng mua về tặng em.

Mấy tháng trước em được em gái tặng chiếc bút bi có quấn chỉ xung quanh, tạo thành hoa văn đẹp lắm. Hiếu kỳ, em mở đoạn chỉ đó ra để học cách đan, không ngờ nhờ cây bút ấy mà em có công việc phụ giúp gia đình”.

Ban đầu Mạnh chỉ đan bút với mục đích tặng cho các em mình trong dịp Tết, nhưng không ngờ hiện tại đó như là công việc cứu cánh của em.
Ban đầu Mạnh chỉ đan bút với mục đích tặng cho các em mình trong dịp Tết, nhưng không ngờ hiện tại đó như là công việc cứu cánh của em.

Sau đó Mạnh tìm mua chỉ, bút viết và tập đan, nhìn thì dễ, thế nhưng khi bắt tay vào làm thì không biết bao nhiêu lần Mạnh thất bại, kéo chỉ phồng hết cả tay, người mệt mỏi vì phải ngồi lâu nhưng Mạnh quyết phải làm cho bằng được.

Hoàn thành cây bút đầu tiên, Mạnh nghĩ ngay đến việc làm thêm những cây bút khác để tặng cho các em họ, Mạnh chưa một lần dám nghĩ đến việc bán sản phẩm vì… xấu quá.

Thế nhưng khi các em của mình mang bút đi học, bạn bè chúng thấy thích thú thì đặt Mạnh làm. Ban đầu Mạnh cũng làm tặng, nhưng số lượng lên nhiều nên em bán để lấy tiền mua chỉ, mua bút làm những cây tiếp theo.

Những cây bút được làm từ bàn tay đầy khéo léo của Mạnh, với giá 12.000 đồng, Mạnh kiếm được vài ngàn phụ mẹ.
Những cây bút được làm từ bàn tay đầy khéo léo của Mạnh, với giá 12.000 đồng, Mạnh kiếm được vài ngàn phụ mẹ.

Mạnh cho biết, đan bút vừa khó vừa mất nhiều thời gian, để đan một cây bút thì người đan phải căng ngang 7 sợi chỉ làm nền, sau đó dùng nhiều sợi chỉ khác đan hoa văn.

Để hoàn thành một cây bút, tùy theo chữ, hoa văn sẽ mất khoảng 20 đến 30 phút, hơn 3 mét chỉ nền, 1,2 mét chỉ hoa văn. Vì sức khỏe yếu nên Mạnh chỉ có thể đan khoảng 15 cây mỗi ngày, mỗi cây em lời vài ngàn thì để dành đến bệnh viện lọc thận.

Trước kia, Mạnh chỉ lọc 2 ngày một tuần, nhưng do bệnh tiến triển nhanh nên hiện tại từ 12h30 đến 16h30 thứ 2, 4, 6 trong tuần em phải đến khoa lọc thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5, TPHCM) để được lọc máu.

Chi phí được tính theo tháng, mỗi tháng trên 3 triệu đồng, cộng thêm tiền đi lại của hai mẹ con Mạnh, thì gia đình gần đi vào bế tắc.

Mỗi lần đi lọc thận, Mạnh và mẹ phải nấu cơm nhà, tự mang nước theo để tiết kiệm chi phí. Song song đó, Mạnh mang theo chỉ và ngồi đan bút đợi đến lượt mình.

Nhìn thấy chàng trai nhỏ thó, cứ ngồi quấn chỉ vào cây bút bi, mọi người hỏi thăm mới biết em đang kiếm tiền để lọc thận cho mình.

Thế nên người nhà bệnh nhân xung quanh, những người biết đến Mạnh đặt bút ủng hộ cho em. Từ đó, Mạnh xem đan bút bi gần giống như một nghề cứu cánh cho gia đình em lúc này.

Mạnh vui vẻ cho biết: “Mọi người thương em lắm, biết em đan bút, các cô, các bác đến mua ủng hộ. Mỗi cây bút em bán 12.000 đồng, nhưng có người trả cho em đến 15.000 đồng, nhờ thế em có tiền để lọc thận mỗi tháng.

Lúc còn đi học em mơ ước mình trở thành một thầy giáo, bây giờ em chỉ ước mơ mình bán được thật nhiều bút”.

Lọc thận xong, cũng là lúc em đi giao cho khách hàng, biết em mệt mỏi vì bệnh nên mọi người cũng chỉ hẹn ở các điểm trong Bệnh viện Chợ Rẫy để lấy bút.
Lọc thận xong, cũng là lúc em đi giao cho khách hàng, biết em mệt mỏi vì bệnh nên mọi người cũng chỉ hẹn ở các điểm trong Bệnh viện Chợ Rẫy để lấy bút.

Hiện tại, gia đình Mạnh rất khó khăn, ba của em làm thợ hồ, mẹ thì đi làm ruộng thuê, làm xong ruộng lại tranh thủ trở về, ai kêu gì thì làm nấy, thu nhập của cả nhà cũng chỉ hơn 100.000 đồng.

Thời gian gần đây, cả nhà lại thêm khó khăn khi em gái của Mạnh thường xuyên ngất xỉu, đi khám thì biết tim yếu, cứ làm mệt hay sợ hãi là ngất đi.

Hiểu được sự mệt mỏi, đau khổ, dằn vặt của một kẻ mang bệnh trong người, Mạnh đang cố gắng từng ngày bán thật nhiều bút, để có tiền đưa em mình đi khám lại và điều trị nếu bệnh nặng hơn.

Mạnh không muốn em gái mình phải như em, cuộc sống gắn liền với bệnh viện, không dám nghĩ về tương lai.

Một bệnh nhân suy thận thì cuộc sống luôn gắn bó với bệnh viện, chi phí tốn kém đang bào mòi sức lực cũng như cơ thể Mạnh.

Nhìn bạn bè cấp ba giờ đã trở thành sinh viên các trường đại học, sợ cha mẹ buồn phiền nên em chỉ dám khóc khi đêm xuống.

Kèm theo những mặc cảm, tự ti là một sự phấn đấu mãnh liệt cho chính mình và gia đình. Ai cũng sẽ tin Mạnh có thể vượt qua bệnh tật để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.

Hạnh phúc là sự sẻ chia, cho đi cũng là nhận lại, mong mọi người chung tay giúp đỡ Mạnh vài cây viết, hoặc ủng hộ Mạnh qua số tài khoản 0631003711713, ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bến Lức, chủ tài khoản Phan Thị Kim (người nhà Mạnh).

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại