> Kỳ 1: Vụ án 18 phu vàng rúng động Quảng Nam: Tìm lại nhân chứng
> Kỳ 2: Bí mật mỏ vàng huyện Giằng và sự tàn độc của nhóm cướp cạn
LTS: Để thay đổi những tập tục lạc hậu của một số đồng bào dân tộc thiểu số, là hành trình đầy nỗ lực và gian khó, của các cấp chính quyền.
Kể lại câu chuyện rúng động ở Quảng Nam mấy chục năm về trước, để thấy ngày hôm nay, những vùng sâu, xa đã có những bước tiến dài như thế nào cả về vật chất lẫn tinh thần.
Lên đường "săn máu"
Được sự chấp thuận của ông A Lung Tría, ngay trong đêm đó, những chiến binh thiện nghệ nhất của làng ông đã vội vã lên đường.
Nhiều người trong số họ có mang theo súng. Người làng ông ngày ấy nhà nào cũng có vài khẩu súng. Toàn súng quân sự, thứ mà chiến tranh để lại.
Thêm nữa, tham gia vào cuộc truy lùng trên có cả xã đội trưởng, dân quân, những người thời kỳ ấy được trang bị súng đạn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tría bảo, ông không trực tiếp tham gia săn cuộc săn lùng những kẻ gây ra cái chết của con trai ông. Khi ấy, bởi cũng đã có tuổi lại thêm nỗi đau mất con nên người làng đã không để ông đi.
Ông Kriêng Hiền nhớ lại chuyện đi bắt các phu vàng để trả thù.
Theo chân Kriêng Diệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Kriêng Hiền, sinh năm 1957, một “chiến binh” tham gia vụ săn lùng rồi thảm sát 18 phu vàng năm ấy.
Kriêng Hiền là anh họ của Trưởng Công an xã Kriêng Diệu. Hôm chúng tôi đến, ông Hiền đang chuẩn bị gỗ để làm nhà.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hiền bảo, cũng bởi vụ “đòi nợ đầu” kinh hãi đó mà ông vướng vào vòng lao lý, tù tội. Bởi ở tù nên cảnh nhà đã khó lại càng thêm khó, mãi mà chưa làm được mái nhà cho tử tế.
Nhà cũ xập xệ, cứ mưa lớn là nước lại sầm sập tràn vào. Thương vợ con nên nhiều năm qua ông đã vào rừng kiếm gỗ những mong dựng một ngôi nhà tử tế, vững chãi hơn cho vợ con bớt khổ.
Nhắc lại chuyện xưa, như nhiều người khác, ông Hiền không khỏi rùng mình sợ hãi. A Lung Nờ chạc tuổi ông, như nhiều người khác, ông cũng rất nể trọng người bạn cùng làng này.
Nghe tin Nờ bị người ta giết hại, ông cũng rụng rời chân tay như thể nhà mình vừa mất đi báu vật.
Ngày đó, ông Hiền là dân quân ở thôn. Nghe tin dữ, ông cuống cuồng chạy ra nhà Gươl rồi theo đoàn người đi tìm thi thể thầy Nờ. Đưa xác thầy Nờ về làng xong xuôi, ông Hiền về nhà chực kiếm cái gì lót dạ. Thế nhưng, vừa bưng bát thì ông Za Hát Tal, thôn đội trưởng tìm đến.
Ông Tal bảo: “Người ta sát hại thầy giáo Nờ là chọc giận thần linh rồi. Không đi bắt những kẻ đã làm điều ác thì thần linh không để làng mình yên đâu! Đi ngay đi, lũ làng đang chờ đấy”.
Ông Hiền kể khi ông còn đang lưỡng lự thì ông Tal lại bảo: “Người làng đã quyết định thế rồi, anh là dân quân mà không chịu đi thì không được đâu!”.
Người Cơ Tu bao đời nay nhất nhất nghe theo quyết định của làng nên nghe thôn đội trưởng nói vậy, ông Hiền vào nhà lấy súng rồi tất tả lên đường.
Ông Hiền nhớ khẩu súng mà ông được thôn giao cho sử dụng khi đó là khẩu AR15. Khoác súng trên vai, ông theo thôn đội trưởng đến nhà Gươl, nơi mọi người đã tề tựu đông đủ. Thấy ông đến, chẳng ai nói thêm câu nào nữa, mọi người vội vã đi.
Bỗng dưng bị bắt
Theo ông Kriêng Hiền, khi đó mọi người đã dự đoán đám cướp trên sẽ theo sông Bung để tháo chạy về xuôi.
Bởi thế, hơn 20 người mang theo rất nhiều súng, dao rựa đã men theo bờ sông ấy mà cắt đường tìm xuống. Như những bóng ma, họ thoăn thoắt luồn bóng đêm, rẽ rừng mà đi.
Khi mặt trời vừa tỏ thì toán người trên đến ngã ba sông, còn gọi là ngã ba Vương (xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang). Tại đây, họ thấy một đám phu vàng đang túm tụm ngồi ăn sáng.
Nghĩ đây chính là những kẻ đã sát hại thầy giáo Nờ và đả thương những thanh niên của làng nên toán người săn lùng từ từ áp sát.
Ở huyện Giằng thuở trước có nhiều con suối có vàng.
Ông Hiền kể, đoàn của ông tiến lại gần thì những phu vàng kia vẫn không hề hay biết. Bởi thế, khi thôn đội trưởng giương súng dõng dạc hô: “Tất cả đứng im, giơ tay lên!” thì toán phu vàng ấy đã giật mình bật dậy.
“Họ toàn những người trẻ, trên dưới hai mươi thôi, thấy chúng tôi nhiều có súng nên họ cũng sợ lắm, không dám chống cự đâu!”, ông Hiền nhớ lại. Theo ông Hiền, khi đó, thôn đội trưởng đã bảo: “Có người nói các anh là fulro, chúng tôi đến bắt các anh để đưa về xã”.
Nghe thôn đội trưởng nói vậy, nghĩ mình chỉ bị hàm oan, khi về xã sẽ biết rõ trắng đen nên đám phu vàng nhất nhất nghe theo.
Trước những họng súng đen ngòm và những khuôn mặt đằng đằng sát khí, họ khúm lúm thu lượm hành lý để về theo những chiến binh người Cơ Tu không biết từ đâu mà đến.
Theo chủ ý đã tính toán từ trước, thôn đội trưởng ra lệnh cho các chiến binh trói ngược khửu tay những phu vàng ấy rồi lùa họ vào rừng.
Cứ chỗ nào rừng rậm, chưa có dấu chân người thì những chiến binh người Cơ Tu lùa đám phu vàng vào. Làm vậy để những phu vàng không biết là mình bị dẫn giải đi đâu, nếu có liều mình chạy trốn cũng không thấy đường về.
Vòng vèo vượt rừng đến trưa thì đám phu vàng được cho nghỉ. Dừng chân, họ được cởi trói để nấu cơm ăn. Nghĩ mình chẳng có tội tình gì, lại thêm những họng súng đen ngòm lúc nào cũng lăm lăm chĩa về phía mình nên chẳng phu vàng nào có ý định chạy trốn.
Cơm nước xong xuôi, họ lại được trói lại và tiếp tục vượt rừng. Mặt trời khuất núi những phu vàng được đưa đến một cánh rừng hoang rậm. Như khi trưa, họ lại được cởi trói và để nấu cơm. Buổi tối, những người Cơ Tu canh phòng họ nghiêm ngặt hơn.
Khi cơm nước xong, họ lại bị trói lại và bị lùa co cụm vào nhau. Vòng trong vòng ngoài, ngó đâu cũng những khuôn mặt sắc lạnh. Đêm đó, đám phu vàng không ai dám ngủ dù không ai nghĩ thần chết đang đứng ngay phía sau mình.
Ông Hiền kể, sáng hôm sau, ông cùng mọi người lại tiếp tục lùa đám phu vàng ấy đi.
Lần này, cũng vẫn theo đường rừng, ông cùng mọi người giương súng dẫn đám phu vàng về khe Gấu nhỏ, nơi thầy giáo Nờ bị sát hại. Tới đây, đám phu vàng 19 người được đưa lên đỉnh một quả đồi có những lùm cây lúp xúp.
Tận thấy cảnh tượng hãi hùng
Nhắc tới thời khắc kinh hoàng đó, ông A Lung Tría kể, tuy không theo lũ làng đi truy lùng những phu vàng trên nhưng ở nhà, ông vẫn như ngồi trên đống lửa. Ông thấy chân tay bứt dứt, bụng dạ cồn cào, ra đứng vào trông.
Khi hay tin lũ làng đã bắt được đám người được cho là đã giết con mình thì những bứt dứt, khó chịu trên lại hóa thành cục lửa, cháy hừng hực trong ngực. Theo người dẫn đường, ông mang theo súng băng rừng chạy đến quả đồi nơi mà các phu vàng sẽ được giải đến.
Ông Tría kể, việc hành quyết các phu vàng trên đã được lũ làng quyết định và bàn bạc kỹ lưỡng ngay từ khi bắt được “tù binh”. Bởi thế họ mới cho người về báo cho ông biết tin đó.
Nếu không quyết, nếu thả toán phu vàng ấy đi thì họ sẽ không cho người về báo. Họ sợ ông thêm phần đau đớn bởi tận thấy những kẻ đã sát hại con mình mà không thể trả thù.
Người duy nhất may mắn sống sót sau vụ thảm sát trên đã kể với chúng tôi rằng khi bị dẫn giải lên quả đồi này thì ông ta đã thoáng có chút nghi ngờ. Theo suy luận của phu vàng này thì chẳng có lý do gì mà họ lại dẫn mình đi lòng vòng đến vậy.
Phu vàng này bảo, sở dĩ ông ta thoát chết là bởi kinh nghiệm đi rừng dày dặn của mình. Theo đó, khi luồn rừng, để tránh vắt, ông thường chọn vị trí đi đầu tiên hoặc sau cùng.
Khi có tiếng động, hơi người, những con vắt đang ngủ yên dưới cỏ bật dậy thì chúng cũng chỉ kịp bâu vào những người đi ở phía sau. Người đi cuối cùng cũng không bị sao cả bởi chúng đã kịp bám vào những người đi trước đó.
Ông Tría kể, khi ông tới quả đồi trên thì cũng vừa lúc những phu vàng được dẫn giải tới. Họ xếp thành hàng dọc, ông đếm được cả thảy 19 người.
Tới nơi, bằng thổ ngữ, ông Tría được biết đây chính là địa điểm ông có thể vấy máu những kẻ được cho đã dã man sát hại con mình.
Nhớ lại vụ thảm án năm xưa ông Kriêng Hiềnđã vô cùng đau đớn.
Khi tất thảy mọi người đã vào vị trí, đã sẵn sàng súng trên tay thì có tiếng ai đó hỏi: “Ai bắn trước?”. Lúc đó, sự căm phẫn làm mờ lý trí, ông Tría đã bảo: “Tôi, tôi bắn trước”.
Vừa nói dứt lời, ông nổ súng. Những người ở cạnh đó cũng lạnh lùng siết cò từ phía sau những phu vàng tội nghiệp.
Những tiếng súng nổ chát chúa rền lên, những phu vàng đang tuổi thanh xuân lần lượt đổ gục xuống. Họ chết mà không hiểu vì sao mình phải chết.
Người may mắn sống sót kể, bởi trước đó đã ông ta đã có những dự cảm chẳng lành nên khi được lệnh dừng chân lại bất ngờ nghe những tiếng súng xé tai ông đã vùng lên rồi cố sức bình sinh phi thân vào lùm cây trước mặt.
Vọt qua lùm cây, ông lăn lông lốc như trái bóng xuống chân đồi.
Khói súng mù mịt, lại thêm người trước người sau nhốn nháo nên chẳng ai biết được được biến mất của ông. Như con rắn, ông cố thu mình luồn vào những bụi cây rậm rạp.
Khi sang tới quả đồi đối diện, quay đầu nhìn lại nơi các “cộng sự” của mình bị bắn, ông đã thấy một cảnh hãi hùng.
Sau khi hành quyết những phu vàng kia xong, những phu vàng bạn ông đã bị dựng dậy và bị cắt đầu. Nhân chứng này kể, khi thấy chừng 4-5 người bị cắt đầu thì hồn xiêu phách lạc, ông không dám nhìn nữa.
Sau này ông được biết, những người bị cắt đầu là những người để râu. Theo đó, người Cơ Tu cho rằng, những người khi còn sống mà có râu thì khi chết sẽ là con ma ác. Cắt đầu để "con ma ác" không thể về trả thù hay làm hại dân làng được nữa.
(Còn nữa)