Lời toà soạn: Năm nay đã 97 tuổi và có mệt hơn so với mọi ngày nhưng Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho biết sẽ có mặt tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để dự Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự tiếc thương khôn nguôi người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nguyên TBT Đỗ Mười về những cảm xúc của ông khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (Ảnh: Tuấn Nam)
PV: Thưa ông, lúc này, khi Đại tướng đã ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của dân tộc Việt Nam, xin ông có thể chia sẻ đôi điều về hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ông?
Nguyên TBT Đỗ Mười: Đồng chí Võ Nguyên Giáp là một trong những người được Bác Hồ rất quan tâm và tin cậy. Đồng chí rất xứng đáng là người học trò xuất sắc của Bác Hồ.
Trong những ngày đầu Cách mạng, Bác đã giao cho đồng chí một trọng trách là xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đầu tiên là Đội tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Là một vị Đại tướng tài ba, thao lược, đồng chí đã có công lao to lớn xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi còn non trẻ và ngày càng trưởng thành, đã đánh bại nhiều kẻ thù hung bạo nhất thế giới, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Có thể nói tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gắn liền với sự nghiệp của Đảng, của Bác Hồ, luôn gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng – một thiên anh hùng ca bất hủ, một chiến công lừng lẫy của quân và dân ta làm chấn động địa cầu và nức lòng nhân dân trong nước và thế giới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng giàu lòng nhân ái, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội. Là một Phó Thủ tướng được Đảng phân công nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng chí ấy không nề hà, vẫn toàn tâm toàn ý với mọi công việc.
PV: Được biết, ông đã từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phong làm “ông tướng du kích vùng đồng bằng Bắc Bộ”. Xin ông có thể kể một chút về kỷ niệm đẹp đẽ này của ông với vị Đại tướng kiệt xuất của chúng ta?
Nguyên TBT Đỗ Mười: Trong kháng chiến chống Pháp, tôi là cấp dưới của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lúc bấy giờ đồng chí là Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi là Tư lệnh kiêm Chính uỷ liên khu 3 và Quân khu tả ngạn.
Khu tả ngạn cùng với khu hữu ngạn bao gồm toàn bộ sông Hồng, vùng châu thổ rộng lớn và đông dân, có vị trí chiến lược quan trọng hàng đầu với Thủ đô Hà Nội, có Thành phố Cảng Hải Phòng với đường giao thông huyết mạch đường 5 và những hậu cứ không quân, hải quân quan trọng nhất của quân đội viễn chinh Pháp trên chiến trường Bắc Bộ.
Từ cuối năm 1950, tình hình địa bàn tả ngạn sông Hồng còn rất khó khăn do địch chiếm hoàn toàn khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Chính vì vậy, tháng 5/1952, Trung ương Đảng ra nghị quyết thành lập khu tả ngạn sông Hồng trực thuộc Trung ương Đảng, Chính phủ và bộ Tổng Tư lệnh. Ban Bí thư và quân uỷ Trung ương bổ nhiệm tôi làm Bí thư Khu uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính kiêm Chính uỷ Bộ Tư lệnh khu.
Ngay từ đầu về nhận nhiệm vụ Bí thư khu uỷ tả ngạn, tôi bắt tay vào củng cố vùng giải phóng, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất nhằm đẩy mạnh cuộc chiến tranh du kích ở tả ngạn, vừa tích cực tăng cường công tác chỉ đạo đấu tranh sau lưng địch ở Đồng Bằng Bắc Bộ.
Khi ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thi hành chỉ thị của Trung ương Đảng và chỉ thị của đồng chí Võ Nguyên Giáp, tôi đã ra lệnh cho các địa phương và các đơn vị trong quân khu phải: “Căng địch ra, kéo lực lượng cơ động của địch về giam chân chúng lại, không cho chúng đưa nhiều lực lượng của tả ngạn đi các chiến trường khác đồng thời huy động người và lương thực phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ".
Sau đó, bộ đội Kiến An đã đánh sân bay Cát Bi, đốt cháy 59 máy bay địch, Trung đoàn 42 và Trung đoàn 50 cùng bộ đội địa phương các tỉnh trong khu liên tục tổng công kích đường 5 và tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng làm ngừng trệ việc vận chuyển binh sỹ và phương tiện chiến tranh của địch dài hàng tuần lễ.
Trước những tin chiến thắng của quân và dân khu tả ngạn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã có thư khen khu uỷ, quân và dân toàn khu đã phát huy được truyền thống chống ngoại xâm, nêu cao tinh thần quyết chiến và nghị lực sáng tạo, lập nên những chiến công và thành tích vẻ vang…
Trên địa bàn khu đã từng diễn ra những hoạt động mẫu mực về chống phá bình định, giữ vững cơ sở chính trị đánh thắng những chiến dịch càn quét quy mô lớn của địch, biết lợi dụng thời cơ, hợp đồng với bộ đội chủ lực phát động phong trào tấn công và nổi dậy, đưa hình thức kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy đến trình độ cao. Chính vì vậy, mà khi gặp tôi sau chiến thắng, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói hóm hỉnh: “Anh Mười – ông tướng du kích vùng đồng bằng Bắc Bộ”.
PV: Thưa ông, là người đã có nhiều năm cùng làm việc và tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cảm xúc của ông bây giờ như thế nào khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần?
Nguyên TBT Đỗ Mười (rưng rưng nước mắt): Sau hoà bình lập lại, tôi được Đảng phân công nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có 20 năm làm Phó Thủ tướng cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp. Hai chúng tôi đã có nhiều cơ hội làm việc và gặp gỡ lẫn nhau. Những ngày lễ, ngày Tết hoặc sinh nhật anh Văn, tôi vẫn đến thăm anh ấy với một tình cảm chân thành, sâu sắc.
Nay đồng chí đã về với Bác Hồ, tôi rất thương nhớ và luyến tiếc!
Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
-------
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng ngày từng giờ dõi theo mọi thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung sau đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:
(Danh sách này LIÊN TỤC CẬP NHẬT khi có thông tin mới)
Bạn đọc có những dòng cảm xúc, thơ, văn, kỷ niệm, hình ảnh... về Đại tướng muốn chia sẻ với nhân dân cả nước xin gửi về email: info@soha.vn. Trân trọng cảm ơn!