Thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, sáng nay 15-5, tàu của Cảnh sát biển tiếp tục tiến vào khu vực nơi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để thực hiện nhiệm vụ chấp pháp.
Thông tin mới nhất từ Hoàng Sa gửi về cho biết, lúc 8g30 sáng nay, khi tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003 vào cách giàn khoan 7,5 hải lý thì đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc 3411 theo sát, ngăn cản.
Tàu hải cảnh Trung Quốc 3411 tăng tốc cắt mũi tàu Cảnh sát biển Việt Nam mang số 2016 rồi tăng tốc, tiến thẳng về tàu 8003.
Cùng lúc đó, 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 2112, 3111 tăng tốc bám sát tàu 8003 với tốc độ 9-13 hải lý/giờ.
Tàu 3411 của Trung Quốc kè theo tàu của Cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: PV Tuổi trẻ (gửi về từ điểm nóng Hoàng Sa)
Đến 9g, tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 2112 bất ngờ tăng tốc, bám sát tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003 với vận tốc 13-15 hải lý/giờ.
Có lúc, tàu Trung Quốc 2112 lao thẳng vào hướng tàu 8003 và chỉ cách có 180m!
Đồng thời, lúc này tàu hải cảnh Trung Quốc 3411 tăng tốc bám sát, cùng với tàu 2112, đã áp sát mạn trái và mạn phải tàu 8003 của Cảnh sát biển Việt Nam.
Nhiều ngày nay, tàu hải cảnh Trung Quốc 3411 luôn bám sát, cản trở tàu 8003 của Cảnh sát biển Việt Nam.
Khi biên đội tàu Việt Nam tiến vào hỗ trợ tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003 thì hai tàu hải cảnh Trung Quốc 2112 và 3411 giảm tốc độ, đổi hướng quay gần khu vực giàn khoan.
Máy bay tuần thám Trung Quốc uy hiếp tàu Cảnh sát biển Việt Nam
Trước đó, ngày 14/5/2014, theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tính đến 14h50’ ngày 14/5/2014, số lượng các tàu quân sự Trung Quốc tại thực địa gồm tàu quân sự (2 hộ vệ tên lửa, 2 tàu vận tải đổ bộ mang các số hiệu 998, 999 trang bị 1 bệ/8 ống phóng tên lửa đối không, 01 bệ pháo 76mm, 02 bệ/04 khẩu pháo 30mm) và các lực lượng bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 cơ bản như ngày 13/5. Đặc biệt, tại hiện trường, số lượng tàu cá vỏ sắt Trung Quốc tăng từ 15 chiếc lên 40 chiếc.
Trong khi liên tục cơ động tiếp cận từ phía Tây- Tây Bắc giàn khoan để tiến hành tuyên truyền khẳng định chủ quyền, yêu cầu giàn khoan 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam, các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam đã bị các tàu Hải cảnh Trung Quốc bám sát, ngăn cản, chủ động đâm va (4 tàu Hải cảnh số hiệu 45014, 3411, 46102, 2112 tiếp cận cách tàu CSB 8003 gần nhất 100 mét; tàu Hải cảnh 46102 chủ động đâm thẳng chính diện vào mạn phải tàu CSB 2016. Do tàu CSB 2016 chủ động dừng và lùi máy kịp thời, nên tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã lao qua trước mũi tàu của ta khoảng cách 5 mét).
Từ 8h55’ – 9h05’, máy bay tuần thám (số hiệu 8321) bay 2 vòng trên đội hình biên đội tàu CSB 8003 và tàu CSB 4033 với độ cao khoảng 300-350 m uy hiếp các tàu Cảnh sát biển của Việt Nam.
Trong khi đó, tính đến 12h30’, các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc thường xuyên theo sát, ngăn cản, xua đuổi việc đánh bắt hải sản của các tàu cá Việt Nam ở khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương 981. Tuy nhiên, các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam thường xuyên bám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn cho các tàu cá của ta.
Cùng ngày, theo thông tin từ Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết phía Trung Quốc đã sử dụng các tàu gây va chạm và phun nước vào các tàu kiểm ngư của Việt Nam tại khu vực xung quanh giàn khoan.
Cụ thể: Tàu Hải cảnh mang số hiệu 46014 của Trung Quốc đã ném các vật cứng sang tàu Kiểm ngư mang số hiệu KN-764 của Việt Nam; tàu cá vỏ sắt 98008 của Trung Quốc chủ động đâm vào đuôi tàu Kiểm ngư KN797 của Việt Nam; tàu Hải cảnh 35101 của Trung Quốc phun nước vào các tàu Kiểm ngư mang số hiệu KN 761 và KN 765 của Việt Nam.
Trong vòng vây của tàu hộ vệ tên lửa
Trưa ngày 14/5, hai vệt xám lù lù xuất hiện trên biển tiến từ đuôi tàu CSB 8003. Từ vị trí đuôi tàu tổ quan sát thông báo tàu 998 và 999 của Trung Quốc đang tiến gần. Hai tàu này, được phía Trung Quốc tăng cường khép đuôi vòng bảo vệ trong ngày 14/5. Lập tức hai tàu này tiến gần tàu Cảnh sát biển Việt Nam khoảng 2 hải lý.
Theo quan sát của phóng viên, trên hai con tàu này đều có sân đỗ và chở theo máy bay trực thăng. Trong khi đó, ở vị trí khoảng 4,5 hải lý đôi tàu tấn công nhanh, hộ vệ tên lửa của Trung Quốc cũng thường xuyên theo kèm, uy hiếp tàu CSB 8003.
Theo chỉ huy tàu CSB Việt Nam 8003, các tàu hộ vệ tên lửa này những ngày trước làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài giàn khoan nhưng trong ngày 14/5 đã cơ động để đe dọa các tàu chấp pháp Việt Nam khi chúng ta tiến sâu vào vị trí giàn khoan.
Tàu Hải cảnh 44103 Trung Quốc chồm lên đâm thẳng mạn trái đuôi tàu CSB Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển Việt nam
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Trung tá Lương Cao Khải - Phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng 1 Cảnh sát biển Việt Nam, cho hay: Trung Quốc vẫn duy trì các lớp tàu dày đặc bảo vệ giàn khoan trái phép. Hiện, vị trí giàn khoan không thay đổi. Trung Quốc đang tăng cường theo dõi các tàu chấp pháp Việt Nam làm việc trên vùng biển chủ quyền. Lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn luôn vững vàng thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, luôn kiềm chế, không để mắc mưu của tàu Trung Quốc.
Thống kê của các biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam khi tiếp cận các vị trí giàn khoan cho thấy, phía Trung Quốc đã huy động ít nhất 21 tàu hải giám và hải cảnh, 15 tàu hàng, 15 tàu cá giả dạng, 3 đầu kéo, 1 máy bay tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép.
Theo phóng viên báo Tiền Phong, trong ngày 14/5, sau hai lần cơ động tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc, biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã tiến sâu vào gần giàn khoan hơn so với ngày trước. Đặc biệt, tàu CSB 4032 và 4033 có lúc tiến sát, cách giàn khoan từ 5 – 6 hải lý.
Cận cảnh tàu Hải cảnh Trung Quốc chặn tàu Việt Nam.