8 thủy đài “khổng lồ” sắp được định đoạt số phận
TP.HCM hiện có hàng chục thủy đài bỏ hoang, trong đó có 8 thủy đài “khổng lồ” hình nấm do Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) quản lý.
Theo Sawaco, đây là những thủy đài được xây dựng từ năm 1965 tới 1969, dung tích từ 1.200 - 8.500m3, cao 30m, xây dựng nhưng không được sử dụng do không đạt chuẩn.
Thủy đài ở đường Tô Ký, Q.12 là thủy đài đáng ngại nhất về sự an toàn hiện nay.
Tuy nhiên, Sawaco cho biết, những thủy đài cổ nói trên bị hư hại không nặng (chủ yếu là bị ẩm thấp, tróc vôi, đóng rêu, rỉ nước).
Do đó, mới đây, đơn vị này đã có đề xuất với UBND TP.HCM, chuyển đổi 7/8 thủy đài hình nấm thành bể chứa nước dự trữ hoặc trạm bơm tăng áp cấp nước trung gian; còn lại một thủy đài được giữ làm di tích cho ngành cấp nước.
Với thủy đài được giữ lại, Sawaco sẽ thực hiện các biện án trùng tu nhằm đảm bảo an toàn.
Các thủy đài do đơn vị này quản lý rải rác ở nhiều nơi, gồm: Ngã tư Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành (Q.4), góc Lê Đại Hành - Ba Tháng Hai (Q.11), gần Trung tâm Văn hóa Q.5, hẻm 198 Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), đường Ba Tháng Hai (Q.10), Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh), Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận) và một thủy đài khác ở đường Phạm Phú Thứ (Q.6).
Cuộc sống nguy hiểm dưới thủy đài xuống cấp
Ngoài các thủy đài nói trên, thủy đài ở đường Tô Ký (Q.12) được đánh giá là thủy đài tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất cho người dân sinh sống xung quanh.
Bên dưới chân thủy đài này là một tiệm sửa xe và một vựa ve chai. Ghi nhận của PV, nhiều mảng bê tông cùng với cát, đá của thủy đài đã bị bong ra, hiện rõ lõi sắt bên trong.
Thủy đài này cao ngang một tòa nhà 5 tầng.
Bà Phạm Thị Hải, chủ vựa ve chai dưới chân thủy đài, chia sẻ: “Nhìn thủy đài cao to sừng sững đã sợ, sống ở ngay bên dưới càng sợ hơn.
Những hôm mưa gió, nhiều mảnh vụn từ thủy đài rơi xuống mái nhà, nguy hiểm lắm. Với lại trời mưa lớn sẽ có nước theo ống xả xuống mái nhà ầm ầm”.
“Ai cũng khuyên gia đình tôi chuyển sang chỗ khác sống. Tôi cũng muốn lắm chứ nhưng vì điều kiện chưa cho phép nên bây giờ chỉ biết sống tạm bợ như vậy”, bà Hải nói.
Vòng ra sau vựa ve chai của bà Hải là một ngôi nhà 3 tầng. Khi lên tới sân thượng, nhìn xuống có thể thấy rõ những mái tôn chắp vá dưới chân thủy đài, và sỏi đá nằm vương vãi ngay trên tấm đan của thủy đài.
Chủ ngôi nhà 3 tầng này cho biết: “Bây giờ thì không sao chứ nếu có mưa to, gió lớn thì các nhà bên dưới sẽ lãnh đủ, từ vữa bê tông rơi rớt cho tới nước mưa xôi xả”.
Nói xong, người đàn ông này chỉ vào miếng xốp lớn để trên mái tôn của vựa ve chai. Ông chia sẻ thêm: “Trời mưa nước trữ lại trên bể rồi chạy theo ống nước xuống mái nhà.
Vậy nên họ phải đặt miếng xốp đó để bớt ồn”. Cũng theo người này, vào mùa nắng cây lá trên đỉnh thủy đài sẽ cháy khô, nhưng mùa mưa thì sẽ rợp một màu xanh.
Đánh giá độ nguy hiểm của thủy đài, người này cho biết: “Sống ở đây hơn 30 năm, tôi chưa thấy sự cố nào lớn xảy ra nhưng tôi nghĩ chỉ cần 2 trụ đỡ bị gãy là thủy đài sẽ nghiêng, đổ lúc nào không hay”.
Theo người dân khu vực này, cách đây khoảng 10 năm, đã có người tới tháo dở một phần thủy đài (như cầu thang, cột chống sét,…) nhưng từ đó tới nay chưa thấy ai tới kiểm tra lại.
“Bây giờ có sấm sét thì sợ lắm, cứ đùng đùng. Tính ra để như ngày xưa còn an toàn hơn nhiều”, một người dân nói.
Bê tông bong tróc, hiện rõ sỏi và lõi sắt.
Bàn ghế ngồi được người dân đặt trên sân thượng ngay kế bên thủy đài, rất nguy hiểm.
Những vị trí bị hư hại chủ yếu là ở chỗ nối với đà ngang.
Vụn bê tông vương vãi trên tấm đan của thủy đài.
Mùa nắng, cây lá mọc trên đỉnh thùy đài bị cháy khô.
Bên dưới thủy đài là những ngôi nhà tạm bợ, mái tôn.
Thủy đài ở đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp cũng đã xuống cấp trầm trọng.