1 triệu/lượt xe xuất bến, Giám đốc bến Nước Ngầm nói gì?

Hà Khê |

"Nếu xe nào chấp nhận rời các bến khác để vào bến Nước Ngầm, tôi sẽ miễn phí tiền bến một năm, còn năm sau chỉ thu bằng bến Mỹ Đình", Giám đốc bến xe Nước Ngầm khẳng định.

Thực hư con số 1 triệu đồng/lượt ở bến xe Nước Ngầm

Như chúng tôi đã đưa tin, khi trả lời phỏng vấn của PV Báo điện tử Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội có đề cập đến chuyện mất cân bằng giữa các bến xe trong phạm vi nội thành.

Sở dĩ có chuyện bến thì đông, bến vắng là do nhiều yếu tố, trong đó có vị trí địa lý và đặc biệt là do có bến xe xã hội hóa thu tiền xe xuất bến quá lớn.

Vị Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội viện dẫn trường hợp bến xe Nước Ngầm (một trong hai bến xe xã hội hóa ở Hà Nội - PV) thu tới 1 triệu/lượt xe xuất bến.

“Các nhà xe than với tôi rằng, nếu xuất bến Mỹ Đình chỉ mất 250 nghìn tiền phí các loại thì với bến Nước Ngầm mất 1 triệu đồng”, ông Linh nói.

Cũng theo ông Linh, nhiều nhà xe chia sẻ rằng, mỗi lần xuất bến ở bến Mỹ Đình, chi phí các loại, kể cả "tiêu cực phí" như bảo vệ 10 nghìn, phát thanh 5 - 10 nghìn, kiểm soát 10 - 20 nghìn cũng không quá 250 nghìn đồng.

Trong khi đó, nếu ở bến Nước Ngầm, xuất bến mỗi lần mất cả triệu bạc.

Để làm rõ thực hư con số "khủng" này ở một bến xe xã hội hóa, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe khách Nước Ngầm.

Nói về điều này, ông Lập tỏ ra khá bức xúc về con số 1 triệu/1 lượt xuất bến ở bến Nước Ngầm và khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó.

"Nếu chúng tôi thu con số khủng, gấp 4 lần bến Mỹ Đình như thế thì lẽ nào lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội biết mà lại bỏ qua?", vị này đặt câu hỏi.


Ông Lập khẳng định, sẵn sàng miễn phí 1 năm cho nhà xe nào chuyển từ các bến khác về bến Nước Ngầm.

Ông Lập khẳng định, sẵn sàng miễn phí 1 năm cho nhà xe nào chuyển từ các bến khác về bến Nước Ngầm.

Lý giải cho việc lốt xe ở bến Nước Ngầm luôn trong tình trạng sử dụng chưa tới 50% công suất, ông Lập cho hay bởi nhiều lý do khách quan chứ không phải vì mức thu như thông tin được phản ánh.

Trong đó, phải kể đến việc bến xe này sinh sau đẻ muộn nên sẽ chịu nhiều thiệt thòi, khó thay đổi thói quen đi lại của người dân.

"Họ đang đi quen bến Giáp Bát, bến Mỹ Đình thì giờ thay đổi thói quen của hành khách đâu phải dễ", Giám đốc bến xe Nước Ngầm phân tích.

Khi nói về điều này, ông Lập cũng cho rằng, ông Nguyễn Hoàng Linh đã có những điều chuyển, tác động bất lợi cho bến Nước Ngầm.

Cụ thể, đó là việc bến Nước Ngầm mặc dù hoạt động chưa tới 50% công suất, nhưng ông Linh cho rằng đã quá tải và "nhấc" nhiều nhà xe chạy tuyến Nghệ An - Nước Ngầm, Hà Tĩnh - Nước Ngầm sang bến Mỹ Đình.

Có hay không việc các nhà xe né tránh bến Nước Ngầm vì phí quá cao, ông Lập khẳng định không có chuyện đó vì thu đúng theo quy định hiện hành.

Vị này đưa ra một bản hợp đồng được ký kết giữa một doanh nghiệp vận tải ở Hà Tĩnh với bến Nước Ngầm để minh chứng cho điều này.

Hợp đồng ghi rõ, mỗi lần xuất bến Nước Ngầm chạy về Kỳ Lâm (Kỳ Anh - Hà Tĩnh), tổng các loại tiền phí mà nhà xe phải nộp là 304.000 đồng.

"Nếu nói chúng tôi thu cao gấp 4 lần Mỹ Đình, vậy bây giờ tôi sẵn sàng mời các nhà xe rời bến Mỹ Đình để về bến Nước Ngầm, nếu doanh nghiệp nào chịu về, tôi đảm bảo sẽ miễn 100% phí trong năm đầu tiên.

Từ năm thứ 2, chúng tôi thu bằng với giá bến Mỹ Đình", ông Lập quả quyết.

Mặc dù vậy, vị này cũng thừa nhận, dù được ưu đãi như thế thì các nhà xe cũng sẽ không bỏ bến Mỹ Đình để về Nước Ngầm.

Bởi ở đó có nhiều lợi thế, nhà xe chỉ cần chạy qua nội đô là có thể vợt được vài khách, trong khi đó một khách đi từ Mỹ Đình về Nghệ An đã đủ bù lại số tiền nhà xe nộp lúc xuất bến.

"Tôi cũng nghe nói đến tiêu cực"

Đó là khẳng định của ông Lập khi nói về câu chuyện chấp thuận tuyến như hiện nay.

Theo ông Lập, trong báo cáo của Sở GTVT Hà Nội gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng (kết luận của buổi làm việc giữa các bên sáng 20/10 vừa qua) nói rằng, không có tiêu cực trong việc chấp thuận tuyến ở bến xe Mỹ Đình là không chính xác.

"Kết luận như thế này khiến người dân mất lòng tin và bản thân những người mất tiền mua lốt họ cũng cười cho. Theo tôi, không nên khẳng định là không có tiêu cực mà nên nói rằng có tiêu cực nhưng chưa tìm ra chứng cứ", ông Nguyễn Văn Lập nói.


Ông Lập cho biết, ông cũng từng nghe đến con số tiêu cực trong việc chạy lốt.

Ông Lập cho biết, ông cũng từng nghe đến con số tiêu cực trong việc chạy lốt.

"Bản thân tôi cũng được nghe nhiều lần về chuyện tiêu cực này. Con số tôi nghe được không chỉ là 500 - 600 triệu mà lên tới cả tỷ đồng, mà nghe nhiều người nói chứ không phải một người. Bộ trưởng Thăng cũng nghe nói như vậy", ông Lập nói thêm.

Cạnh tranh lợi ích giữa bến xe xã hội hóa và bến xe nhà nước, ông Lập thừa nhận rằng, những bến xe xã hội hóa như Nước Ngầm, Lương Yên không thể cạnh tranh được.

Bởi những bến này sinh sau đẻ muộn, hành khách lẫn nhà xe họ đã quen với những bến như Giáp Bát, Mỹ Đình rồi.

"Chúng tôi ở trạng thái lép vế, nên phải làm tốt còn không hành khách quay lưng và cơ quan quản lý cũng sẵn sàng xóa bỏ ngay", ông Lập nói.

Nói về câu chuyện cạnh tranh, cuộc chiến lợi ích nhóm như ông Linh đề cập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm ngậm ngùi: "Chúng tôi biết thân phận của mình như thế, đâu dám cạnh tranh, chiến đấu với ai?".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại