Cấm ngực lép lái xe: Người khuyết tật vẫn bức xúc dù dự thảo đã bị bác bỏ

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - “Số phận đã lấy đi của rất nhiều người khuyết tật quyền tự tham gia giao thông. Những người có khả năng tự tham gia giao thông sẽ đi bằng xe từ ba bánh trở lên với những thiết kế riêng và là xe phân khối lớn. Dự thảo đưa ra sẽ càng hạn chế quyền tham gia giao thông của người khuyết tật”, anh Vũ Anh Tú, Trưởng ban vận động hội người khuyết tật phường Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) cho biết.

Trước đó, năm 2008, những điều khoản không cho phép người có ngực lép lái xe đã từng đưa ra và đã bị người dân phản đối và sau đó Bộ Tư pháp “tuýt còi”.

Bị mắc chứng teo cơ toàn thân, chưa một lần được trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng khi dự thảo Thông tư Liên tịch Bộ Y tế - Bộ GTVT ngày 7/8/2013 quy định Giấy phép lái xe chỉ được cấp cho người có cân nặng trên 40kg, vòng ngực từ 72cm trở lên, lực bóp tay thuận (tay phanh phải) tối thiểu 26kg, lực bóp tay còn lại là 24kg…được đưa ra, anh Tú rất bức xúc.

Anh Tú đã tham gia viết báo chỉ với hai ngón tay và cái đầu còn cử động được; từng đi rất nhiều nơi trong và ngoài nước để tham gia tham vấn đồng cảnh cho người khuyết tật; và theo suốt hành trình đi tìm “niềm tin” cho những người yếu thế trong xã hội bằng các chương trình từ thiện, các dự án hỗ trợ... 

Với anh Tú, dự thảo thể hiện sự phân biệt đối xử, là điều không đáng có trong các văn bản pháp quy. Bởi lẽ, người điều khiển phương tiện họ phải chọn cho mình phương tiện phù hợp với sức khỏe, khả năng thì mới dám tham gia giao thông.

Anh Vũ Anh Tú, Trưởng ban vận động hội người khuyết tật phường Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội)
Anh Vũ Anh Tú, Trưởng ban vận động hội người khuyết tật phường Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội)

Bàn sâu hơn về quyền bình đẳng tham gia giao thông của người khuyết tật, anh Tú đưa ra phân tích: Người khuyết đa số không đi được xe hai bánh. Với những người tự điểu khiển phương tiện giao thông, họ đi bằng xe ba bánh, xe mô tô với những thiết kế riêng. 

Nếu dự thảo được xây dựng vẫn với những quy định như trước thì vô tình tương lai người khuyết tật sẽ bị hạn chế trong việc đi các xe được thiết kế dành riêng cho họ, thu hẹp quyền tham gia giao thông của họ. 

Mà bài toán về giao thông công cộng vẫn đang vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp với người khuyết tật nói riêng và toàn xã hội nói chung. Điều này cũng đồng nghĩa, các nhà sản xuất, thiết kế cũng không có cơ hội phát minh ra những sáng kiến về xe dành cho người khuyết tật Việt Nam.

Khi được hỏi về một số Nghị định, Thông tư ra rồi lại hủy và có những nội dung được áp dụng thì gây bức xúc trong dư luận, anh Tú chia sẻ: 

"Ở Việt Nam, xét về mặt chính sách thì soạn thảo ra một văn bản, quy định là rất công phu và có tính khoa học cao. Nhưng việc công bố mang tính chất vội vàng, tốn nhiều giấy mực của các cơ quan truyền thông và khiến dư luận bức xúc trong lúc chúng ta đang nâng cao tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí."

Chia sẻ về việc bác bỏ dự thảo “ngực lép”, anh Tú đặt ra câu hỏi: Đây có phải là “bày trò” khi dự thảo được đưa ra dư luận sau đó lại bác bỏ?

Cũng liên quan tới Dự thảo này, chúng tôi đã liên hệ với dịch giả Nguyễn Bích Lan - người dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của chàng trai không tay không chân Nick Vujicic - thì nhận được ý kiến của chị: “Không rồi lại có, có rồi lại không. Tôi cảm thấy chưa nghiêm túc nên tôi không muốn có ý kiến”.

Là những người khuyết tật nhưng họ đã chiến thắng số phận bằng nghị lực sống, niềm tin của chính bản thân mình, không chỉ anh Vũ Anh Tú, dịch giả Nguyễn Bích Lan mà rất nhiều người yếu thế khác trong xã hội luôn mong muốn: Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nên tạo ra chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế có thể tham gia giao thông hơn là việc hạn chế quyền tham gia giao thông của họ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại