Theo đó, học sinh THPT Nguyễn Đức Cảnh tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt… trên Facebook.
Ngoài ra, học sinh phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt; Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai; Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó…
Trao đổi với phóng viên về việc này, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh – thầy Vũ Trọng Lâm cho biết, đó là hoạt động của đoàn thanh niên chứ không phải văn bản do ông ký, ban hành.
“Đó cũng không phải là chỉ đạo từ Sở Giáo dục tỉnh Thái Bình mà xuất phát từ thực tiễn, đoàn thanh niên của trường đưa ra.
Tôi thấy nội dung văn bản rất ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu. Khi đưa vấn đề này ra tôi thấy rất tốt, không có gì đáng ngại”, thầy Lâm nói.
“Không vi phạm quyền riêng tư”
Nói về lý do đưa ra những lưu ý này, thầy Lâm chia sẻ, trên mạng hiện có rất nhiều thông tin sai lệch, tiêu cực…khiến học sinh dễ vi phạm, nhất là khi sử dụng Facebook.
Lường trước được điều đó, nhà trường đã răn đe, rào đón, cảnh báo sớm để các em không vi phạm bởi khi có sự cố xảy ra, người chịu thiệt thòi trước tiên là các em, sau đó người ta sẽ trách móc gia đình, nhà trường sao không giáo dục, dạy bảo các em cho tốt.
Về phản ứng của học sinh trong trường khi nhận “những điều lưu ý” trên, thầy Lâm cho hay: “Tôi nghĩ chắc chắn các em cũng phải suy nghĩ.
Những điều chúng tôi đưa ra như không nói tục chửi bậy, không nói xấu người khác… là điều mà bất cứ ai cũng nên làm chứ không chỉ riêng học sinh trường THPT Nguyễn Đức Cảnh.
Không thể để các em mượn sân chơi – Facebook rồi viết bừa ra, thích viết gì thì viết. Sự răn đe này sẽ giúp học sinh cân nhắc trước khi viết ra điều gì đó trên mạng”.
Khẳng định việc này không vi phạm quyền riêng tư của các em, thầy Lâm cho rằng đó là những điều các em không nên làm trong cuộc sống hàng ngày cũng như trên mạng.
Những hành vi nhà trường răn đe các em đều đúng, không có gì vi phạm cả.
“Chúng tôi không cấm, chỉ lưu ý chấn chỉnh hành vi sao cho hợp lý thôi. Chúng tôi thường nhắc nhở học sinh trong các giờ giảng dạy về kĩ năng sống hay trong giờ chào cờ”, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Đức Cảnh khẳng định.
Tuy nhiên, khi được hỏi có nên biến những lưu ý trên thành quy định hay không, thầy Lâm nêu quan điểm:
“Facebook theo tôi hiểu chỉ là một hoạt động trong nhiều hoạt động khác của con người. Bộ Giáo dục Đào tạo không thể “đẻ” ra các nội quy, quy định về chuyện này hay việc sử dụng điện thoại ra sao…
Bộ chỉ có thể đưa ra các quy định nói chung học sinh cần thực hiện còn cụ thể ra sao còn tùy từng vùng miền. Khi về Sở, trường, lớp… các thầy cô sẽ quy định chi tiết hơn một chút để học sinh thực hiện tốt hơn”.
Chưa có học sinh nào vi phạm do sử dụng Facebook
Trong khi đó, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Thái Bình – ông Đặng Phương Bắc cho hay, dù chưa có văn bản nào quy định về việc sử dụng Facebook, nhưng ông rất ủng hộ chủ trương này.
“Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh là trường rất có uy tín ở tỉnh. Thành tích của nhà trường chỉ xếp sau trường chuyên. Rất nhiều phụ huynh muốn con em họ được theo học ở ngôi trường đó.
Tôi nghĩ nếu trường có đưa ra văn bản như vậy cũng là để tăng cường công tác quản lý học sinh, để các em rèn luyện cho tốt.
Nói cách khác, tôi thấy định hướng các em như vậy là điều tốt”, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Thái Bình nói.
Thế nhưng, theo ông Bắc, nhà trường nên thông qua phụ huynh giải thích cho các em học sinh hiểu những điều các em còn đang băn khoăn để các em hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc làm này.
Ông Bắc khẳng định, hiện ở Thái Bình chưa có trường hợp nào học sinh vi phạm do các nguyên nhân liên quan tới Facebook.
Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho hay thầy rất ủng hộ việc làm này.
“Việc nhà trường hướng dẫn, cảnh báo cho học sinh có ý thức văn hóa là tốt và nên làm thế. Ở một số khu vực công cộng, người ta vẫn đưa ra những nội quy kiểu như vậy.
Có ai mở Facebook của học sinh ra để kiểm tra đâu mà nói là vi phạm quyền riêng tư?!”, thầy Tùng Lâm nhấn mạnh.