Cách tính lương hưu mới sẽ “tránh sốc” cho người nghỉ hưu sau

Đã có 2 phương án tính lương được các đại biểu đề xuất về việc tính lương hưu.

Tại Hội nghị đại biểu chuyên trách về dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 10-9, đa số các tại biểu đều đồng ý với ý kiến việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội phải dựa trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng, thu đúng, thu đủ, nguyên tắc có chia sẻ và bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.

2 phương án tính lương hưu

Về việc tính lương hưu, đã có 2 phương án tính lương được các đại biểu đề xuất là:

Phương án 1: điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Phương án 2: tán thành với ý kiến của Chính phủ, theo đó, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa 75%.

Cho ý kiến về 2 phương án này, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), cho biết, theo Điều 56 của Dự thảo Luật quy định, từ ngày 1-1-2018 trở đi, mức lương hưu hàng tháng của lao động nữ là 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 2%, mức tối đa là 75%. Quy định này sẽ gây bất lợi cho lao động nữ.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi phân tích: “Giả sử tôi tham gia 25 năm bảo hiểm xã hội. Nếu năm 2017 tôi nghỉ hưu thì tôi được 75% lương, còn nếu 2018 tôi nghỉ thì chỉ còn được 65%. Làm sao lại cắt đột ngột như thế người lao động có chấp nhận được không? Như vậy có đảm bảo quyền lợi hay không hay chỉ vì không vỡ quỹ mà ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tôi đề nghị cần xem lại khoản này”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại đồng ý với phương án 1 và nêu ý kiến, cả 2 phương án được các đại biểu đưa ra đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng - hưởng bảo hiểm xã hội. Trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cũng cần chú ý để đảm bảo bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này.

Đồng thời, để tạo điều kiện giúp lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi của chính sách cần có lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể như sau: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm).

Kéo dài lộ trình

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Đặng Thị Kim Chi, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho ý kiến, xem xét về lâu dài quy định của Dự thảo Luật lại có điểm hợp lý, bởi nam sẽ nghỉ hưu muộn hơn 5 năm tức là 35 năm mới có được 75%, nữ thì 30 năm là được 75%. Như vậy đích cuối cùng của nó là hợp lý. Nhưng trước mắt những người nghỉ ở giai đoạn ấy mà chúng ta làm đột ngột như thế này là không hợp lý. Chính vì vậy tôi đề nghị chúng ta xem xét tính toán lại chỗ này, kéo giãn mức và tỉ lệ hưởng tăng lên một chút để bảo đảm không bị giảm đột ngột.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lại tán thành lộ trình như trong dự thảo luật quy định vì đã "tránh sốc" cho người nghỉ hưu sau. Ông cho rằng, trong cả một quá trình đóng bảo hiểm, số lương mà người lao động nhận được sẽ không ổn định mà sẽ có sự tăng dần theo thời gian vì vậy nếu chia đều quá trình lao động thì sẽ gây khó cho người lao động bởi như vậy đồng lương sau khi về hưu sẽ không đủ sống. Còn nếu tính theo dự thảo luật, theo đúng tinh thần đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu là rất đúng.

Thậm chí, ngay chính các đại biểu Quốc hội cũng còn nhiều người có nhận thức lệch về lương hưu khi nghĩ rằng ai nghỉ sớm sẽ có lợi hơn, ai nghỉ muộn là thiệt. Do đó, việc lùi lộ trình như dự thảo luật sẽ đảm bảo tránh thiệt cho người nghỉ hưu sau này cũng như tránh tình trạng đóng bảo hiểm nhưng chưa được cân đối nguồn hưu trí.

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho nhóm này tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đầy đủ 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tại nạn lao động và bệnh nghề nghiệp), dựa trên mức tiền lương cơ bản và Nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 10% mức đóng, các điều lệ cụ thể sẽ do Chính phủ quy định, đảm bảo khả năng của ngân sách trong từng thời kì.

Về quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhiều đại biểu cho rằng điều này là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ bảo hiểm xã hội.

Góp ý kiến vào Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội phải trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng; thu đúng, thu đủ, nguyên tắc có chia sẻ và bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, đối với các nội dung được góp ý kiến tại hội nghị, cơ quan soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, hoàn thiện các Dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại