Chị Tống Thị Xa Huế, sinh năm 1977, trú tại phường Nam Sơn (thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) cho biết: “Con trai khi mới sinh đã bị mắc bệnh bại não nên phải điều trị tại bệnh viện. Ban đầu tôi cho con trai tôi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Tam Điệp, sau đó thì chuyển đến Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình.
Sau một thời gian điều trị, tôi nhận thấy bệnh tình của con trai tôi không được cải thiện vì Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình không đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị… để điều trị.
Ngoài ra, qua tìm hiểu tôi được biết, trẻ em dưới sáu tuổi thì được khám chữa bệnh miễn phí nên tôi đã đề nghị với các bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình cho con trai tôi chuyển lên Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương (Viện B, cơ sở tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa)”.
Tuy nhiên, theo chị Huế thì dù bác sĩ vẫn viết giấy chuyển viện cho trường hợp con trai chị nhưng khi đóng dấu Bảo hiểm y tế thì cán bộ phụ trách bên bảo hiểm y tế (BHYT) của Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình đã gạch bỏ và không cho con chị được chuyển viện.
“Tôi có hỏi nguyên nhân tại sao không cho con tôi chuyển viện thì cô ấy (cán bộ phụ trách bảo hiểm y tế của Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình – PV) trả lời rằng do Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Trung ương không có đăng ký với Bảo hiểm.
Tuy nhiên, khi tôi đưa con trai tôi xuống Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Trung ương để điều trị, hỏi về vấn đề trên thì các sĩ ở đây lại cho biết: “Làm gì có chuyện đó. Đây là bệnh viện Trung ương sao lại có chuyện không đăng ký bảo hiểm. Vì họ không muốn cho chuyển nên người ta nói thế thôi”.
Tôi thực sự rất bất ngờ. Nói thực, là một người dân thấp cổ bé họng như tôi đây gặp trường hợp như vậy cũng chỉ biết khóc vì thương con chứ biết kêu ai, ở đâu bây giờ?”, chị Huế bức xúc nói.
Được biết, không chỉ riêng trường hợp chị Huế mà nhiều bệnh nhân cũng bị rơi vào hoàn cảnh trên. Dù biết rõ bệnh viện tuyến dưới không đủ điều kiện để chữa trị bệnh, song khi đề nghị được cho chuyển tuyến thì bệnh viện tuyến dưới tìm đủ mọi lý do để “giữ chân” bệnh nhân ở lại. Và trong nhiều trường hợp, chỉ đến khi người bệnh lâm vào tình thế nguy kịch thì bệnh viện tuyến dưới mới vội vàng… gọi xe cấp cứu cho chuyển tuyến!
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân thuộc diện khám – chữa bệnh theo chế độ BHYT, may mắn hơn được chuyển lên tuyến trên thì cũng bị đẩy vào thế “một cổ đôi tròng”. Không chỉ bị các bệnh viện tuyến dưới tìm cách “giữ chân” mà ngay cả khi chuyển tuyến, bệnh nhân cũng bị những bệnh viện tuyến trên tiếp tục gây khó dễ khi thanh toán bảo hiểm với hàng loạt các “lý do” như: bệnh viện gặp khó khăn về kinh phí, nguồn quỹ bảo hiểm cấp cho có hạn, bệnh chưa đủ “nặng” để được hưởng tiền bảo hiểm…
Dự thảo Luật BHYT mới không hợp lý
Theo Luật BHYT hiện hành, bệnh nhân có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng nơi quy định (là cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo đăng ký trong thẻ), mức thanh toán là 100%, 95%, 80% tùy đối tượng. Còn khi khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến (trừ trường hợp cấp cứu), người có thẻ BHYT chỉ được quỹ BHYT thanh toán mức 70% chi phí đối với bệnh viện hạng III và chưa xếp hạng; 50% đối với bệnh viện hạng II; 30% đối với bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt.
Tuy nhiên, mới đây, theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được Bộ Y tế xây dựng, mức BHYT chi trả cho người khám chữa bệnh trái tuyến đang được đề xuất thay đổi theo hướng giảm khoảng 10% so với hiện nay. Cụ thể, dự thảo có 2 phương án được đưa ra: Phương án 1: Nếu điều trị nội trú, người bệnh sẽ được chi trả các mức 60%, 40% và 20% tùy theo xếp hạng bệnh viện. Nếu khám ngoại trú thì người bệnh chỉ được chi trả ở các mức 30%, 20% và 10%; Phương án 2: Quỹ BHYT chỉ thanh toán một phần đối với trường hợp điều trị nội trú, tỉ lệ tương ứng như phương án 1, còn khám chữa bệnh ngoại trú trái tuyến sẽ không chi trả.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng mức đóng và “thắt” quyền lợi của bệnh nhân BHYT thời điểm hiện nay là bất hợp lý. Điều này gây khó khăn cho người bệnh thuộc diện đóng BHYT trong quá trình khám – chữa bệnh và chuyển tuyến.
Sau khi tìm hiểu sự việc, PV đã liên lạc với phía Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình để có được câu trả lời rõ ràng hơn. Nhưng phản ứng cũng như cách "trả lời" của đại diện bệnh viện khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn.
Kỳ sau: Cách trả lời lạ của Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình