Lợi dụng tín nhiệm để… lừa đảo
Nội dung đơn tố cáo của các hộ dân ở xã Nga Yên (Nga Sơn, Thanh Hóa) cho biết, trong vòng 3 năm (2011 – 2013), lợi dụng tín nhiệm của người dân địa phương và sự ủy nhiệm của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nga Sơn trong việc thu lãi đối với các hộ vay vốn thuộc diện chính sách (vay vốn sinh viên, vay vốn hộ nghèo), bà Trần Thị Thảo (sinh năm 1970), đại biểu HĐND xã Nga Yên (Nga Sơn, Thanh Hóa) đã lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các hộ dân dưới hình thức vay nợ rồi bỏ trốn khỏi địa phương.
Thủ đoạn của Thảo là khi các hộ dân thuộc diện chính sách vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nga Sơn, Thảo tìm cách tiếp cận để “mồi chài”, hứa sẽ “trả lãi cao hơn tiền lãi ngân hàng” để được vay lại số tiền trên từ những hộ dân này. Vì nhẹ dạ cả tin, rất nhiều hộ dân thuộc diện chính sách ở xã Nga Yên, Nga Sơn đã đồng ý cho Thảo vay nợ.
Qua tìm hiểu được biết, chỉ tính riêng từ cuối năm 2011 để cuối 2012, số hộ dân thuộc diện vay vốn ngân hàng chính sách mà Thảo vay nợ đã lên đến hơn 30 hộ. Cùng với việc vay nợ của các hộ dân thuộc diện được vay vốn của Ngân hàng chính sách, Thảo tiếp tục mở rộng phạm vi “nạn nhân” của mình bằng cách vay nợ các hộ dân khác trong địa bàn xã với danh nghĩa “cần huy động vốn để đầu tư làm ăn”. Khi vay nợ, Thảo không quên hứa hẹn với các chủ nợ sẽ trả cả gốc và lãi đúng kì hạn.
Tuy nhiên, khi đến kì hạn trả nợ, thì “con nợ” Trần Thị Thảo bỗng dưng biệt tăm. Đến lúc này, nhiều người dân mới “tá hỏa” khi biết mình đã mắc lừa và “con nợ” đã “cao chạy xã bay” khỏi địa phương từ khi nào mà không ai biết.
Ông Mai Khải Dinh (sinh năm 1964, trú tại xóm 6, xã Nga Yên), một trong những “chủ nợ” nặng ký của Thảo không giấu được bức xúc, nói: “Gia đình tôi làm nghề buôn bán nên vốn thường xuyên phải quay vòng. Chỗ tôi và chị Thảo cũng là chỗ quen biết, lại là người làng người nước với nhau nên khi chị Thảo hỏi vay 500 triệu đồng để đầu tư tôi đã đồng ý cho vay.
Cuối năm 2012, chị Thảo trả cho tôi được 300 triệu đồng, còn nợ lại 200 triệu đồng thì cứ khất lần không trả, dù đã quá hạn rất lâu rồi. Bẵng đi mấy tháng, tôi không thấy Thảo có mặt ở nhà, nên sinh nghi, khi đến nhà Thảo thì mới biết Thảo đã bỏ đi khỏi địa phương từ khi nào rồi”.
Cũng theo ông Dinh, khi phát hiện Thảo bỏ trốn khỏi địa phương, ông đã đem cả giường chiếu đến trước nhà Thảo để ngủ, đợi con nợ về để đòi nợ.
Thấy tôi đem giường chiếu đến nằm trước cửa nhà Thảo để chờ đòi nợ, những chủ nợ khác mới tìm đến nhà Thảo để đòi nợ theo. Lúc này thì mọi người trong xã mới ngỡ ngàng khi phát hiện ra “nạn nhân” của Thảo không chỉ một vài hộ dân mà lên đến cả mấy chục hộ dân, hầu hết những ai từng vay vốn từ Ngân hàng chính sách huyện Nga Sơn đều trở thành “nạn nhân” từ trò lừa đảo của Thảo”, ông Dinh cho biết.
Lừa cả người cao tuổi và thương binh
Thực tế, đa số những nạn nhân bị Trần Thị Thảo lừa là những hộ dân thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vay vốn cho con là sinh viên ăn họ,… Khi đến kì hạn trả nợ ngân hàng, những hộ dân này lâm vào cảnh “bước đường cùng” vì không biết xoay sở ở đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng, khi mà “con nợ” – người cầm tiền đã bặt vô âm tín.
Chị Lê Thị Sáu (sinh năm 1968, trú tại Xóm 6, xã Nga Yên) tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã nên được vay vốn ưu tiên từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nga Sơn với số tiền là 17 triệu đồng.
Cô Thảo khi đó đến nhà tôi bảo: “Chị vay vốn ngân hàng nhưng chắc chưa cần lắm nên cho em vay lại đi, em đang cần vốn để đầu tư. Lãi để em trả cho. Mấy tháng em trả lại cho chị”.
Vì là chỗ người làng người nước, lại thấy Thảo là chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm, thành viên HĐND xã, cũng có uy tín nên tôi đã đồng ý cho vay lại và có giấy viết tay.
Ai ngờ từ đó đến nay cô ấy không những không trả gốc mà lãi ngân hàng cũng không trả. Đến tháng 4/3013 thì tôi mới được mọi người bảo cho biết là cô ấy đã bỏ quê đi trốn nợ rồi. Giờ một mình tôi đang phải nuôi hai con ăn học, biết xoay sở thế nào đây”.
Dù không trực tiếp cho Thảo vay nợ nhưng bà Trương Thị Cảnh (sinh năm 1965, trú tại Xóm 6, xã Nga Yên) vẫn không thoát khỏi “chiêu trò” lừa đảo của Trần Thị Thảo. Bà Cảnh cho biết: “Gia đình tôi có vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nga Sơn cho con tôi (là sinh viên) ăn học. Tháng 10/2012 thì mới đến kì hạn trả nợ cho ngân hàng nhưng tháng 9/2012, tôi dành dụm đủ số tiền nên đã trả trước. Khi đó, chị Thảo có đến nhà tôi thu lãi tháng, nghe tôi nói sẽ trả trước, chị Thảo bảo: “Thế thì chị để em trả giúp cho, đằng nào cũng trả, đi đâu mà thiệt, chị cũng đỡ mất công”.
“Tôi tin tưởng nên đã đưa cho Thảo 16 triệu đồng cùng với tiền lãi là 5 triệu 830 nghìn đồng để Thảo trả giúp. Nhưng Thảo đã không hề trả mà đã chiếm đoạt luôn số tiền này của tôi. Đến nay thì bỏ trốn”, bà Cảnh bức xúc nói.
Ông Mai Văn Sót (sinh năm 1942, trú tại xã Nga Yên, Nga Sơn), thương binh trong kháng chiến chống Mỹ thì bày tỏ nỗi thất vọng: “Tôi tin tưởng cô Thảo nên khi cô ấy hỏi vay tiền tôi đã đồng ý cho vay. Số tiền 30 triệu đồng mà cô ấy vay tôi giờ mới trả được 3,5 triệu đồng, số còn lại tôi hỏi thì cô ấy tìm cách khất lần, giờ thì bỏ trốn.
Tôi là thương binh, đâu làm lụng được gì, đó là số vốn mà tôi dành dụm từ tiền lương trợ cấp thương binh mà có, để đề phòng tuổi già nhỡ có chẳng may gần đất xa trời, vậy mà…”.
Còn cụ Nguyễn Văn Vượng (69 tuổi, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi Xóm 6, xã Nga Yên) cho biết: “Không chỉ vay nợ người dân rồi tìm cách “xù”, chị Thảo còn vay nợ tiền quỹ của các Hội, đoàn thể khác nhưng đến nay, khi đã quá hạn nhưng vẫn không trả. Hiện Thảo còn vay nợ của Hội người cao tuổi chúng tôi 17,5 triệu đồng nhưng cũng không trả lãi”.
Chỉ tính riêng tại xã Nga Yên (Nga Sơn), trong vòng 3 năm (2011 – 2013), Trần Thị Thảo đã vay nợ trên 30 hộ dân với số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng. Tất cả các “phi vụ” trên, Thảo đều sử dụng thủ đoạn là “vay ké”, “vay nhờ”, “vay nóng”, hứa sẽ “trả lãi cao” rồi sau đó thì “xù nợ”, bỏ trốn.
PV tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc trên.