Người đó là A Lăng Bút, 82 tuổi, ở làng A Rung, H.Tây Giang. Ông là người anh hùng duy nhất trong lực lượng vũ trang mà không còn đôi mắt. Thế nhưng ông đã “nhìn thấy mọi điều” bằng một trực cảm diệu kỳ rồi thành huyền thoại với tất cả những ai từng vượt Trường Sơn qua dốc Cổng Trời để về mặt trận Quảng Nam trong những năm chống Mỹ.
Ông A Lăng Bút trên đường Hồ Chí Minh - Ảnh: Trần Đăng
Người ta làm được mình cũng làm được
Ông Bút bị mù bẩm sinh nhưng những cánh rừng dọc sông Tà Làng này, không một nơi nào mà ông không đặt chân đến. Những con chồn, con cheo vùng này khó mà thoát khỏi những chiếc bẫy của ông.
Cuộc sống của người Cơ Tu nơi đây cũng lặng lẽ như bao bản làng tựa lưng vào dãy Trường Sơn đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Cho đến một ngày của mùa hè năm 1965, A Lăng Bút nghe tiếng những bước chân cùng giọng nói lạ xuất hiện trong làng.
Người ta giải thích cho ông, đó là những cán bộ quân giải phóng về vận động người dân đi gùi hàng ra trận. A Lăng Bút cũng giơ tay xin đi, quên luôn cả thân phận mù lòa của mình.
Ông A Lăng Bhe, người cùng làng thuật lại: “Bộ đội nghe có người xung phong đi gùi hàng thì rất vui nhưng khi nhìn thấy anh Bút không còn đôi mắt, họ rất ái ngại, rồi can: Không được đâu! Phải có con mắt thì mới thấy đường đi. Gùi hàng xa lắm, vất vả lắm”.
Bút đâu có chịu thua! Ông nói với bộ đội rằng, người khác gùi được thì ông cũng gùi được. Cứ cho ông đi thử một chuyến xem sao. Thấy Bút quá nhiệt tình, thôi thì cũng cho thử sức một lần để ông biết sợ.
“Chuyến đầu tiên, tui theo mọi người gùi đạn từ bên Lào về. Tưởng khó khăn như bộ đội “dọa”, hóa ra cũng dễ thôi mà. Người ta đi được thì mình cũng đi được thôi”, ông Bút kể lại.
Chuyến hàng đầu tiên trót lọt vừa khích lệ A Lăng Bút nhưng cũng vừa để những cán bộ quân giải phóng “nghiệm thu” luôn khả năng đi rừng đặc biệt của ông.
Thế rồi, những chuyến hàng ra trận cứ lần lượt theo chân Bút. Những địa danh xa lạ cùng con đường mòn huyền thoại đã dần trở nên thân thuộc với ông.
“Tôi đi chừng 15 chuyến hàng cùng với mọi người là có thể thuộc đường và tự đi một mình được. Cái khó nhất không phải là cõng trên vai 50-70 kg hàng và tự dò đường mà sợ hơn cả là nếu có trận bom B52 nào đó đánh trúng đường mòn, lối đi quen thuộc trong đầu mình bị xóa”, ông Bút nói.
Và rồi, giữa năm 1969, một trận bom như thế đã thử thách bộ nhớ của ông. A Lăng Bút có cảm giác như cả một cánh rừng đã đè lên người ông khi ấy.
Lối mòn quen thuộc đã bị bom xóa mất. Mắt không nhìn thấy gì, không còn xác định được hướng nữa, nắm chắc cái chết vì đói và khát. Ông chờ nghe một tiếng người. Thế rồi, có tiếng người đã vẳng gọi tên ông. Mừng rơi nước mắt.
Sau cái lần chết hụt ấy, người nhà khuyên Bút không nên gùi hàng nữa, nhưng những chuyến hàng ra trận có một sức hút kỳ lạ với ông.
Cho đến một ngày, cả cánh rừng bên dốc Cổng Trời rùng rùng chuyển động. Người ta nói với ông đó là những chiếc xe tăng của quân giải phóng đang tiến về đồng bằng. Đôi vai ông chính thức được “giải phóng” từ đó, sau 10 năm cõng đạn ở Trường Sơn.
Dẫn thủy nhập đồng bằng vỏ lon sữa
Năm 2001, con đường Trường Sơn thi công xuyên qua nhà ông Bút. Không đợi xóm làng đến giúp, một mình ông tự tháo dỡ ngôi nhà sàn cũ phía bên kia đường rồi chuyển sang sát bờ sông Tà Làng dựng lại.
Ròng rã cả tháng trời, ngôi nhà “mới cứng” được dựng lên trước sự ngỡ ngàng của dân làng. Nhìn những nuộc lạt mà ông cột buột, chẳng ai dám nghĩ đó là do một người mù thực hiện.
Sau ngày giải phóng, những ký gạo mà bộ đội “ưu tiên” cho đồng bào tham gia cõng đạn đã hết, gia đình ông Bút với 5 miệng ăn gồm 2 bà vợ và 2 đứa con cũng bắt đầu khốn khó. Điệp khúc quen thuộc “củ sắn - rau rừng” cứ lặp lại quanh năm vì ba sào ruộng của ông chỉ gieo được trong mùa mưa, còn mùa khô thì chỉ biết ngửa cổ kêu trời.
Ông nghe nói dưới miền xuôi, người ta có thể gieo sạ lúa ngay cả trong mùa khô hạn nhờ việc dẫn thủy nhập đồng. Con suối Đàn bên nhà vẫn róc rách hằng đêm giữa mùa nắng nóng cứ thôi thúc ông Bút phải chinh phục nó.
Thế rồi, một buổi sáng mùa khô năm 1995, ông bắt cậu con trai 16 tuổi của mình đóng cọc giăng dây từ chỗ con nước này về đến đám ruộng nhà mình. Sau đó, với một cây cuốc cùn, hai vỏ lon sữa sót lại từ thời chiến tranh, cứ nhích từng centimet một, 3 tháng ròng rã như thế, công trình “dẫn thủy nhập đồng” của ông đã hoàn thành.
Mùa khô năm 1996, 3 sào ruộng của A Lăng Bút lúa xanh ngăn ngắt như thách thức với cái nắng thiêu đốt của trời. Một vụ mùa bội thu, góp phần xua đi cái đói, nhưng công trình thủy lợi ấy đâu chỉ cứu mình gia đình ông Bút. Dân vùng này xem đó như một “ví dụ” trực quan để làm theo.
Tôi hỏi ông Bút: “Bác có còn giữ hai vỏ lon sữa bò ấy không, cho cháu xem nào?”. Ông lọ mọ đi về phía cuối góc nhà, thay vì lấy ra hai vỏ lon sữa như tôi chờ đợi, ông Bút lấy ra hai cây đàn.
Ông nói về hai cây đàn - những loại nhạc cụ của người Cơ Tu thay cho lời đính chính về hai vỏ lon sữa: “Đây là cây Abel, còn đây là cây Tầm Bre. Chỉ có “nó” là còn thôi, hai vỏ lon sữa sét gỉ rồi”.
Nói đoạn, ông đưa tay lên cần đàn. Chợt vang lên một thứ âm thanh da diết. Tiếng đàn như gợi cả một ký ức khổ nghèo nơi ông. Ông đã ký gửi vào đó những chuyến hàng ra trận, gửi cả những mùa lúa chín vàng giữa ngày khô hạn, gửi cả những đợi chờ của dân làng A Rung sau 37 năm ông mới được công nhận là người anh hùng.