Đó là gia cảnh bần cùng khốn khó của cụ Trần Thị Năm ở thôn 12, xã Cổ Đạm- Nghi Xuân – Hà Tĩnh.
Con mất khả năng lao động, chồng đau ốm
Bà Năm đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe ngày một yếu hơn, nhưng lại đang ngày đêm chăm lo cho đứa con trai tàn tật tên là Phan Xuân Thia (SN 1977).
Anh Thia trong một lần lao động ở gần nhà vào năm 2004, bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn hy hữu đó đã để lại di chứng tàn tật, anh bị mất khả năng lao động hoàn toàn.
Trong gian nhà chật chội dột mưa ấy, người mẹ còng lưng tuổi xế chiều vẫn đang thấp thỏm thức khuya dậy sớm lo từng bữa cơm, bát cháo nhạt qua ngày cho đứa con trai éo le của mình và người chồng bệnh tật.
Ông Phan Xuân Phương, bố anh Thia cũng đau ốm, suốt ngày nằm trên giường bệnh mà đắng lòng vì không biết tương lai của đứa con trai mình sẽ về đâu.
Người chồng bệnh tật của bà cụ Năm
Nằm trên giường, vừa thở từng nhịp khó nhọc, ông Phương nghẹn lòng: “Thương bà ấy mà bố con tôi đành bất lực.
Tôi thèm bữa cháo có thịt lắm vì lâu rồi mùi vị thịt như thế nào tôi cũng không còn nhớ nữa.
Tôi ốm nằm hai năm nay, nước mắt tôi cứ chảy ngược vào trong vừa thương con trai dị tật không có khả năng lao động được, vừa thương bà ấy rồi lại thấy day dứt cho chính bản thân mình”.
Ông Phương nói xong lại ho sụt sùi và thấy có cái gì đó ứ nghẹn ở cổ, rồi ông ôm bụng vì cơn đau thận lại xuất hiện.
Đi chợ bán rau cũng chẳng đủ tiền thuốc cho chồng, con
Bên bếp lửa hiu hắt làn khói của ngày đông lạnh giá, bà cụ Năm gạt nước mắt nói: “Số tôi khổ rồi, giờ thằng Thia lại ra nông nỗi này, nó không lao động được gì.
Mỗi ngày, tiền thuốc chữa bệnh cho thằng Thia và bố nó hết tổng 60.000 đồng đó. Nhưng may mà năm nay tôi được hưởng chế độ người cao tuổi. Nên số tiền trợ cấp dành dụm vào tiền thuốc cho hai bố con hết.
Đi bán rau thì hôm được hôm không, số tiền bán được cũng mươi hai chục ngàn, nhưng cũng chẳng dám tiêu vì phải dành dụm gom mua thuốc chữa bệnh”.
Bà Năm có dáng người gầy guộc, mái tóc bà đã bạc trắng, làn da ngăm đen vì cháy nắng, đôi môi bà khô lại theo năm tháng.
Khuôn mặt bà nhăn nheo và ẩn hiện nỗi buồn về số phận cực nhọc của mình ở khóe mắt.
Lúc chúng tôi đến, bà cụ lưng còn đang gượng sức mình lấy hơi để thổi lửa lên cho kịp chín nồi cơm trưa của chồng và con.
Ánh lửa bừng sáng như nhen nhóm niềm tin hi vọng về cuộc đời xế chiều của bà. Khi nồi cơm trưa đã nấu chín, bà lại chống gậy ra sân gọi anh Thia vào ăn cơm.
Ngó ra sân, nhìn khuôn mặt anh Thia đờ đẫn, tay chân run rẩy mà miệng bà cứ lắp bắp: “ợ... ợ, con… con… vào…vào… đây… ”.
Gọi con vào chỗ mâm cơm ngồi, bà cụ Năm lại tất tả đưa bát cháo trắng lên đút cho chồng đang nằm trên giường. Rồi mới tớt lượt mình ngồi vào mâm cơm cùng con trai.
Bữa trưa cơm trắng nhão với chút mắm tôm và vài con cá mà hai mẹ con bà vẫn nhường nhau dành bữa sau, vì nếu ăn hết thì ngày mai cũng chẳng có gì mà ăn.
“Bữa cơm có con cá nhỏ để ăn và mắm tôm là thịnh soạn lắm rồi đó, nhiều bữa chỉ có cơm với muối trắng rang lên chấm cùng đĩa rau luộc cho qua bữa nên chúng tôi quen rồi, chỉ mong có tiền chữa bệnh cho Thia và ông Phương.
Tôi yếu rồi tôi chết đi cũng được, chỉ thương hai bố con thằng Thia mà không biết làm gì”, dứt lời, bà cụ đưa bàn tay già nua gạt giọt nước mắt trên khuôn mặt nhăn nheo.
Bữa cơm trắng nhão với mắm tôm của bà cụ Năm và cậu con trai mất khả năng lao động
Nhìn mâm cơm đặt trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ ấy có lẽ ai cũng chạnh lòng.
Chị Mai, hàng xóm bà cụ Năm kể: “Tội họ lắm, một bà cụ già mà lại nuôi hai người đàn ông.
Bà ấy luôn dậy sớm cặm cụi nấu cơm, giặt giũ quần áo cho chồng con, rồi ra vườn nhặt rau đi chợ bán. Nhiều hôm rau không bán được, bà lại mang về đến từng nhà bên nhờ mua giúp.
Chiều, bà cụ lại chống gậy ra đồng làm đất để chuẩn bị cho vụ mùa tới. Tuổi bà cao, sức bà yếu rồi. Tôi cùng mấy chị em hàng xóm thỉnh thoảng đi gặt, cấy giúp bà. Vì vợ chồng bà cụ chẳng có ai giúp, họ hàng đều ở xa cả mà họ cũng bần cùng lắm!”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thái Tứ, Chủ tịch xã Cổ Đạm cho hay, gia đình bà cụ Năm thuộc diện khó khăn nhất của xã trong thời gian dài.
Chồng thì đau ốm nằm liệt giường, được người con trai thì bị tàn tật hàng ngày chỉ biết đi chăn bò giúp hàng xóm, không có khả năng làm việc nặng được.
Mọi vấn đề sinh hoạt của chồng và con đều do bà Năm lo lắng.
"Thương lắm, các dịp lễ Tết thì chính quyền địa phương cũng thăm hỏi động viên, nhưng giờ cám cảnh quá mong các nhà hảo tâm giúp đỡ họ. Vì dân ở đây cũng nghèo lắm”, ông nói.
Bà cụ còm cõi bên bếp tranh nghèo
Điều mong mỏi duy nhất của bà là có tiền chữa bệnh cho chồng và con...
Một người mẹ ngoài 80 tuổi già yếu chỉ mong được an nhàn trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại trên cuộc đời này. Người chồng đau ốm mong muốn đỡ đần vợ cùng nuôi đứa con tàn tật.
Bà cụ ấy lúc nào cũng mong mỏi có tiền chữa bệnh cho chồng, cho con, rồi thi thoảng có bữa cơm ngon cho cả 3 người...
Chia tay bà Năm ra về, trời lại lất phất những hạt mưa phùn, lạnh hơn. Hình ảnh dáng lưng còng tập tễnh chống gậy của người mẹ già vất vả và người con trai cứ co quắp đôi tay cố vẫy vẫy chào tạm biệt khách với khuôn mặt đôn hậu cứ ám ảnh chúng tôi mãi.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.