"3 ngày lại phải thay một bình oxy, không có nó là em chết…”

Mạnh Mường |

Anh Phạm Bá Ánh hiện tại đang bị suy tim giai đoạn cuối, nỗi lòng của anh vẫn nặng mang đó là đứa con trai đang bị bệnh và cha mẹ già không ai chăm lo.

Người mẹ quá nửa đời không vui

Theo lời kêu cứu từ cộng đồng về một hoàn cảnh thương tâm, tôi đến căn nhà số 47, ngõ 362/2 đường Giải Phóng (Hà Nội) để tìm gặp nhân vật của mình.

Ngách vào ngôi nhà rất hẹp nên phải để xe máy tít bên ngoài. Bước vào căn nhà tối tăm, cầu thang lên nhà càng lúc càng nhỏ hẹp lại, áng chừng chỉ vừa một người đi.

Trong căn nhà rộng chừng hơn 20m2 chia làm hai, anh Phạm Bá Ánh (SN 1981) nằm thở khó nhọc ở gian trong. Kề bên anh luôn là chiếc bình oxy, ống thở và hàng tá thuốc.

Bà Trần Thị Hiền (SN 1935) - mẹ anh Ánh lúc nào cũng túc trực bên con trai. Kể từ khi biết tin con mình bị bệnh, ông bà gần như suy sụp hẳn.

Bao năm nay, nỗi bất hạnh của cuộc đời luôn đeo đẳng như thể muốn nhấn chìm bà xuống. Kể từ khi sinh ra đến bây giờ, chưa một ngày nào bà cảm thấy nhẹ nhõm.

Trong căn nhà chật hẹp, từng tiếng thở dài của bà cụ nghe rõ mồn một. Câu chuyện của tôi với bà cụ và anh con trai đau ốm bắt đầu từ một li nước lọc.

Lấy xong li nước cho khách, cũng không hỏi tôi đến từ đâu, là ai, tôi hiểu rằng, điều đó không còn quan trọng nữa.

“Anh biết nhà, biết một nơi như thế này có những người khổ như chúng tôi đã là một cái duyên rồi…”, bà Hiền nói.

Nói về cái duyên, có lẽ cuộc đời bà là minh chứng cho những cơ duyên trong đó có cả những cái nợ đời nữa.

Không nhớ rõ từ năm nào, chỉ nhớ khi đó quê bà bị đánh bom, bà chạy đi di tản cùng bà con, rồi bị lạc mất cha mẹ, người thân. Những ngày sau đó, bà lang thang ở các con phố Hà Nội rồi được người ta nhận nuôi.

Từ bé, không có vất vả nào bà không trải qua. Lớn lên, bà đi làm công nhân ngành đường sắt, nhưng cũng chẳng ở chỗ nào cố định, trải từ Bắc chí Nam, nơi nào có đường tàu thống nhất bà đều đặt chân.

Rồi số phận run rủi cho bà gặp ông Phạm Bá Đính (SN 1935) khi hai người cùng làm công nhân đường sắt ở Quảng Bình. Đây chính là người chồng của bà bây giờ, là chỗ dựa tinh thần cho bà từ những năm tháng chiến tranh đến nay.

Ông bà kết hôn năm 1965, sau đó lần lượt sinh được bốn người con. Năm 1979 được Nhà nước cấp đất theo tiêu chuẩn công nhân ngành đường sắt, nhưng mãi đến năm 1994 ông bà mới vay mượn, xây tạm ngôi nhà để có chỗ chui ra chui vào.

Cứ bảo là xây tạm nhưng kể từ đó đến nay, ngôi nhà cũng chẳng thể nào sửa sang thêm được gì. Hiện tại, cả 9 người sống trong căn nhà rộng 23m2 ở số 47, ngõ 362/2 đường Giải Phóng (Hà Nội).

Nói về những người con của mình, bà cụ Hiền như nghẹn giọng và chững lại, ánh mắt giấu đi tiếng thở dài từ bên trong. Bà chép miệng: “Thương cho 3 cô con dâu, nhà này cái số con dâu đi nuôi con trai”.

Rồi bà nói thêm: “Tôi có con mà giờ cũng như đã không có gì anh ạ, đứa thì chết sớm, đứa nghiện rượu, đứa nghiện ma túy, đứa thì bệnh hiểm nghèo…”.

Người con trai đầu tên Phạm Bá Vinh ( SN 1972) thần kinh không bình thường, dễ bị kích động nên hầu như dựa hết vào vợ. Sống ở Hà Nội không có nghề nghiệp, vợ anh lại bồng bế con cái về quê làm ruộng.

Người con trai thứ hai là Phạm Bá Quang (SN 1975) trước kia rất chăm chỉ làm ăn, nhưng nghiệt ngã thay, mấy năm gần đây không hiểu nguyên do gì mà nghiện ngập, không dứt ra được cũng lại dựa vào vợ.

Bà cụ Hiền không hề che giấu sự xấu hổ về hai người con bị nghiện rượu, nghiện thuốc nhưng đâu đó có sự ngậm ngùi chua cay cố giấu vào trong.

Niềm hy vọng cuối cùng cũng tan biến

Người con gái đầu của ông Đính, bà Hiền đã mất khi vừa chào đời không lâu, chỉ còn 3 người con trai, những tưởng sẽ là chỗ dựa vững chắc cho ông bà. Nhưng rồi cả hai người con trai lớn coi như đã “bỏ đi”.

Mọi hy vọng hướng về anh con trai út là Phạm Bá Ánh. Một thanh niên hiền lành, tử tế, chăm chỉ, từ bé đến lớn luôn là niềm hy vọng của cả gia đình.

Năm 2010, Ánh xin làm công nhân giao hàng cho một công ty mỹ phẩm. Sau khi lấy vợ, hai vợ chồng cùng nhau chăm chỉ làm ăn, dành dụm nên cũng để được đồng ra đồng vào.

Thế nhưng, chẳng ai ngờ tất cả cứ tàn lụi ngay trước mắt. Cách đây hai năm, thấy cơ thể có biểu hiện suy nhược bất thường, anh đến viện đi khám thì được biết mình bị suy tim cấp độ 4.

Trong 3 quyển hồ sơ bệnh án là những tập đơn thuốc như thế này
Trong 3 quyển hồ sơ bệnh án là những tập đơn thuốc như thế này

 

Giờ anh cũng chủ yếu sinh hoạt tại chỗ. Vừa rồi, anh liều đứng lên đi đại tiện mà choáng váng lại ngã trầy xước hết chân tay vẫn để lại vết
Giờ anh cũng chủ yếu sinh hoạt tại chỗ. Vừa rồi, anh liều đứng lên đi đại tiện mà choáng váng lại ngã trầy xước hết chân tay vẫn để lại vết

Thời điểm biết mình bị bệnh nặng cũng là lúc đứa con lớn vừa lên 5 của anh có dấu hiệu bị bệnh bạch cầu và tăng động, giảm trí nhớ còn vợ anh lúc đó chuẩn bị sinh thêm bé thứ 2.

Sinh con chưa được bao lâu, dù vẫn đang trong thời gian thai sản nhưng vợ anh Ánh - chị Phùng Thị Phượng (SN 1981) vẫn phải gượng dậy đi làm để nuôi sống gia đình.

Nhưng khoản thu nhập từ công việc làm công nhân của chị cũng chỉ được 4 triệu đồng/tháng, mỗi lần lĩnh lương, quay đi quay lại đã lại hết nhẵn.

Cháu Phạm Phùng Gia Huy (áo đỏ) được bệnh viện Nhi TƯ chẩn đoán là tăng động giảm trí nhớ đang được điều trị phục hồi chức năng
Cháu Phạm Phùng Gia Huy (áo đỏ) được bệnh viện Nhi TƯ chẩn đoán là tăng động giảm trí nhớ đang được điều trị phục hồi chức năng

“Riêng thằng cu lớn Phạm Phùng Gia Huy (SN 2008) thì hàng tháng đều đều 8 buổi đi điều trị phục hồi chức năng, mỗi buổi 350.000đ, rồi học phí hàng tháng cho cả hai đứa.

Mấy mẹ con nó về sống với ông bà ngoại, nhưng nhà ngoại cũng khó khăn lắm. Vì bây giờ ông ngoại đang bị tai biến, một mình bà ngoại phải nuôi một cháu nữa do bố mẹ cháu mất sớm", bà Hiền nói.

Hiện tại, khoản lương hưu còm cõi của hai vợ chồng ông Đính, bà Hiền chỉ vừa đủ trang trải những chị phí vặt vãnh hàng ngày.

Hầu như giờ đây, mỗi lần đi chợ mà phải hôm rau, cá, thịt rẻ là ông Đính lại mua đồ cho cả nhà ăn nguyên một tuần nhằm tằn tiện, có thêm tiền cho con trai mua thuốc.

“Em thì mỗi một tháng ít nhất hai lần đi viện, cấp cứu. Mỗi lần cũng phải trên dưới một triệu đồng. Lên viện giờ không truyền được thuốc nữa, bác sĩ cho về thở oxy", anh Ánh cho hay.

Nói rồi, anh chỉ tay vào cái bình oxy và sợi dây đăng loằng ngoằng trên mũi: “Giờ em sống nhờ cả vào thứ này, trung bình 3 ngày lại phải thay một bình oxy, không có nó là em chết…”.

Người dân xung quanh cũng thương và quý anh Ánh lắm, nhưng cũng chẳng biết làm cách nào, cho cái ăn thì giờ anh cũng chẳng ăn gì nhiều, cho tiền thì có ai cho mãi được!

Là người bán hàng gần trong ngõ, cô Vũ Thị Thanh chia sẻ: “Nhà ấy quá khổ, ở đây ai cũng thương mà chả biết làm sao.

Tôi bán hàng ở đây, nhiều khi Ánh ra ăn, tôi không lấy tiền nhưng rồi Ánh nhất quyết trả cho bằng được, không còn cách nào tôi đành lấy một nửa tiền cho cháu nó vui, mình mà có điều kiện chắc chắn giúp nó”.

 

Hoàn cảnh gia đình anh Phạm Bá Ánh

Giờ đây, khi chỉ còn ngồi, nằm, ở một chỗ, anh không dám ước mong có phép nhiệm màu, mà chỉ hướng đến vợ con và cha mẹ già.

“Gặp hoàn cảnh nào thì đành chấp nhận vậy thôi. Mong ước thì nhiều lắm, như em thì chịu rồi, chỉ mong sao con em vượt qua được gia đoạn khó khăn, trở về bình thường như đứa trẻ khác là may rồi”, anh tâm sự.

Bà cụ Hiền tiễn chúng tôi ra tận đầu ngõ, mắt vẫn đăm đăm hướng theo...
Bà cụ Hiền tiễn chúng tôi ra tận đầu ngõ, mắt vẫn đăm đăm hướng theo...

 Ai cũng biết rằng, nếu muốn kéo dài sự sống cho anh Phạm Bá Ánh thì cần bỏ một khoản chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Nhưng lo được khoản chi phí đó đối với anh và gia đình bây giờ gần như là điều không tưởng.

Vẫn mong, thực sự có điều kỳ diệu đến với anh Ánh và rất mong, có những tấm lòng hảo tâm trên khắp cả nước đến chia sẻ cùng khó khăn của gia đình anh...

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21, tòa nhà Hapulico Center Building, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Hoặc đến thăm và chia sẻ với anh Phạm Bá Ánh tại địa chỉ: Số 47 ngõ 362/2 Giải Phóng, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại