Đến với nơi cổng trời
Tân Lập là xã vùng cao của huyện Bắc Quang (Hà Giang), có tổng diện tích tự nhiên hơn 7.500 ha, nằm ở phía Bắc của huyện, cách trung tâm huyện gần 30 km. Xã có 5 dân tộc (Dao, Pà Thẻn, Mông, Tày, Kinh) cùng chung sống ở khắp 8 thôn bản với 430 hộ dân.
Tân Lập nằm ở nơi thượng nguồn của các mạch nước, suối nhỏ, chính vì vậy, vào mùa mưa thường xảy ra mưa đá, lũ quét gây ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi của nhân dân.
Địa hình đồi núi cao, dốc, đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn bản khá khó khăn nên việc đi lại của người dân còn nhiều hạn chế.
Người dân ở đây chủ yếu là người Dao (67%), người Pà Thẻn (22%) sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài diện tích ít ỏi của những thửa ruộng bậc thang dành cho trồng lúa, ở đây bà con còn trồng chè.
Những người phụ nữ Dao bên vườn chè Shan Tuyết đã trở thành đặc trưng cho hình ảnh sinh hoạt của người dân nơi đây
Hiện toàn xã có 645,9 ha chè, trong đó gần 100 ha chè cổ thụ, chủ yếu là chè Shan Tuyết. Theo quan sát của chúng tôi, khi men dọc theo con đường dẫn vào thôn Khá Thượng thì một số đồi chè đã bị “bỏ rơi”.
Được biết, nhiều năm gần đây, nguồn thu từ trồng chè không mang lại giá trị kinh tế cao nên một số hộ dân không còn thiết tha với việc chăm sóc.
Theo chân anh Lại Linh Cương, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học Tân Lập để thăm các điểm trường lẻ, chúng tôi men theo con đường nhỏ như một nét vẽ ôm sát các dãy núi tạo thành hình lòng chảo.
Mặt đường lởm chởm đá hộc, đá tảng chắn ngang, nhiều đoạn đường đất đỏ trơn trượt.
Anh Lại Linh Cương, hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Tân Lập đích thân dẫn đường cho chúng tôi
Từ trung tâm xã Tân Lập vào với các thôn bản thường có nhiều khe suối ngăn cách đường đi
Từ trung tâm xã vào điểm trường lẻ Khá Thượng chừng 8km, hầu như là đường mòn do người dân và trâu, bò, dê, ngựa đi nhiều thành lối.
Ở đây, vào mùa mưa, người dân Khá Thượng bị cách li bởi nước suối lớn, đường trơn, lầy lội…
Lối dê đi ăn cũng chính là đường đi vào Khá Thượng, Tân Lập
Dọc đường đi, cây cối rậm rạp, um tùm, các thác nước từ trên đỉnh núi chạy cắt ngang đường đi, thi thoảng người đi đường vẫn có thể gặp rắn, sóc chạy ngang đường.
Ấy vậy nhưng, đây lại chính là con đường mà người dân Khá Thượng và Khá Trung thường chở chè đi bán. Cũng chính con đường này là đường tới trường của các em nhỏ từ bao năm qua.
Thực sự không còn lời nào để nói về con đường 8km này. Để đi được từ trung tâm xã đến điểm trường lẻ Khá Thượng, chúng tôi phải mất gần một giờ đồng hồ.
Anh Cương nói, trong những năm tháng gắn bó với Tân Lập, khát khao lớn nhất đối với anh là có một con đường đàng hoàng hơn cho người dân.
“Con đường này dẫn đi hai thôn là Khá Thượng và Khá Trung, nhưng anh chỉ dẫn chú đi Khá Thượng thôi vì Khá Trung ở xa, cao hơn, nếu anh em ta vào đó thì một ngày chưa ra được”, anh Cương nói vậy khi cùng chúng tôi đứng ở ngã ba đường dẫn lên bản Khá Thượng.
Khá Thượng là thôn cách khá xa trung tâm, 100% người Dao sinh sống ở đây. Mặc dù rất chịu khó lao động nhưng vẫn có hộ dân thiếu ăn, đứt bữa. Cả thôn có 70 hộ thì có 20 hộ thuộc diện hộ nghèo, 21 hộ thuộc diện hộ cận nghèo.
Ngày chúng tôi đặt chân đến đây, người dân trong thôn hầu như đã đóng chặt cửa để đi làm nương. Đứng từ xa đã nghe vẳng tiếng các em học sinh Khá Thượng cất lên từ ngôi nhà gỗ đơn sơ nằm lọt thỏm, lẻ loi trên đỉnh núi.
Đây là điểm trường lẻ xa nhất còn có học sinh theo học (trước đó điểm trường Khá Trung là điểm xa nhất nhưng giờ đã không mở lớp nữa vì không đủ học sinh theo học). Lớp học có 13 học sinh do cô giáo Đặng Thị Phương phụ trách.
Điểm trường này khá nhỏ, không có điện, phòng học được làm từ ván gỗ và lợp mái tôn. Giữa các miếng gỗ ghép lại với nhau thường chừa lại một khe hở cho ánh sáng xung quanh lọt vào đủ sáng cho các em thấy chữ.
Cô giáo Đặng Thị Phương năm nay đã 44 tuổi, có 14 năm liên tục công tác tại trường PTDTBT Tiểu học Tân Lập.
Năm học 2015-2016 là năm thứ hai cô giáo Phương bám bản để dạy cho học sinh Khá Thượng.
Nói về người đồng nghiệp của mình, anh Cương tỏ rõ vẻ ái ngại, bởi cô giáo Phương có hoàn cảnh khá khó khăn, nhà chị cách xa trường đến 70km, cứ mỗi cuối tuần chị mới về thăm chồng, thăm con.
Trong khi chồng không có nghề nghiệp ổn định, cả gia đình chỉ trông chờ vào những đồng lương ít ỏi của chị.
Chia tay Khá Thượng để vội ra khỏi khu rừng trước khi trời tối, ánh mắt trong veo của 13 đứa trẻ và dáng người khắc khổ của chị Phương dần lùi xa.
Sương xuống đã ướt đẫm vai, trời đã nhá nhem chạng vạng, người thầy lại lụi cụi dẫn chúng tôi chui ra khỏi những thung lũng để ra con đường lớn về trung tâm xã.
Từ điểm lẻ Khá Thượng về đến trường bán trú khi các em học sinh đã gần đến giờ cơm. Có khách lạ, các em đứng xa xa với những ánh nhìn dò xét. Một lát sau màn thăm dò, là khoảng thời gian ngắn ngủi giữa chúng tôi và các em để giao lưu, chụp hình.
Các em học sinh bán trú của trong buổi chiều muộn tại trường PTDTBT Tiểu học Tân Lập
Được biết, mỗi học sinh theo học tại đây được hưởng trợ cấp 230.000đ/tháng theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Ngoài ra, hàng tháng phụ huynh có đóng góp thêm củi và gạo và nhà trường cử cán bộ nấu ăn giúp các em.
Năm học 2015-2016, nhà trường có 30 thầy cô giáo và nhân viên; có 17 lớp với 233 học sinh; Trường chính có 7 lớp với 128 học sinh; Điểm trường lẻ có 10 lớp với 105 học sinh, chủ yếu là lớp ghép với 2 trình độ tại 6 điểm trường của 6 thôn bản trong xã.
Nhà trường có 69 em thuộc diện hộ nghèo, trong đó có 25 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em ở từ thứ 2 đến chiều thứ 6 thì về gia đình. Nhiều em nhà ở xa trường hơn 10 km, 100% là người dân tộc thiểu số do vậy các em còn nhiều khó khăn.
Ước mơ sách và xi măng của ông hiệu trưởng
Ước mơ có sách và xi măng nghe có vẻ lạ tai đối với nhiều người, nhưng đó thực sự là ước mơ chung của người dân Tân Lập và anh Lại Linh Cương – Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Tân Lập.
25 năm công tác trong ngành giáo dục, đã đi không ít nơi, nhưng anh bảo, không thấy học sinh nơi nào vất vả như học sinh của mình. Con đường đến với cái chữ không xa, nhưng đường để đến trường, tìm đến với cái chữ thì lại gập ghềnh trắc trở lắm!
Nhưng có như thế, mới thấy được sự hy sinh, đóng góp của những người thầy cô nơi đây như anh Cương, chị Phương... thật sự lớn lao đến nhường nào. Tất cả họ đều tình nguyện xa gia đình để lo toan cho việc học của các em nhỏ.
Còn nhớ, khi chúng tôi hỏi mượn xe máy để đi vào tận bản thăm học sinh và người dân, anh Lại Linh Cương không ngần ngại mà xung phong làm người dẫn đường.
Anh ngồi chiếc xe Win đúng chất vùng cao, mỗi lần đi qua suối, qua một con dốc, một khúc cua mà chưa thấy chúng tôi thì anh lại vòng xe quay lại tìm. Hóa ra, anh sợ chúng tôi không quen đường hoặc không vững tay lái có thể rơi xuống vực.
Thi thoảng anh giáo bản này lại ngoái lại nói lời động viên: “Đấy, đường nó thế này đấy, chú muốn đi thế nào thì đi. Chú hỏi anh đường có khó đi không, anh không biết trả lời chú thế nào.
Nếu nói dễ thì là dễ so với bọn anh, so với mấy chục năm trước, còn với chú thì cứ phải để chú đi trực tiếp thế này rồi tự đánh giá”.
Hơn 7 năm giữ cương vị hiệu trưởng ngôi trường bán trú này, niềm mong mỏi lớn nhất tới bây giờ cho các em học sinh của ông hiệu trưởng này là có xi măng làm đường, có sách cho học sinh mở mang kiến thức.
Anh Lại Linh Cương (bên phải), Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Tân Lập
“Nhìn con đường đi lại thì chúng tôi gần như bất lực rồi, nhưng chúng tôi không để cho học sinh đói sách, nên tôi có ý tưởng mở thư viện xanh ngoài trời. Mô hình này sẽ để các em chủ động, không thông qua thầy cô giáo mà tự quản lý, bảo quản, nâng cao ý thức tự giác…
Thông qua việc tự đọc sách, báo, truyện sẽ giúp các em tự rèn luyện để nâng cao kiến thức, từ đó học tập tốt hơn.
Chính các em sẽ là một tuyên truyền viên nhí trong công tác vận động gia đình hiểu biết thêm chính sách, pháp luật Nhà nước, tránh các hủ tục lạc hậu của dân tộc mình.
Thư viện xanh đi vào hoạt động sẽ tạo hứng thú cho các em, góp phần giúp cho các em bớt xảy ra các tai nạn thương tích khi vui chơi ngoài giờ nên lớp”, anh Lại Linh Cương chia sẻ.
Ông Phàn Sành Châu, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập cho hay:
“Mặc dù người dân rất chăm chỉ lao động, nhưng đường đi lại quá khó nên đời sống bà con nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ đồng chí ạ! Đến nay, toàn xã Tân Lập có 111 hộ nghèo trên tổng số 475 hộ dân.
Nếu các đồng chí tổ chức đoàn từ thiện đến thăm bà con thì đây là lần đầu tiên có đoàn từ thiện dưới xuôi lên đấy”.
Ông Phàn Sành Châu (áo trắng), Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập chia sẻ với chúng tôi về khó khăn của địa phương
Tân Lập đang mùa nắng đẹp, có thể thấy những thửa ruộng bậc thang như một tấm thảm vàng ươm màu lúa chín ở khắp các sườn núi.
Trời đêm ở đây thật lạnh, sương phủ trắng đường, che khuất tầm nhìn người đi. Đêm đêm, 25 em bé thơ ngây mắt tròn to vẫn xa nhà và bên nhau cùng đèn sách. Cũng mong từ nơi đây, các em sẽ nuôi cho mình những ước mơ về tương lai không xa!
Chia tay các em, những bàn tay bé xíu cùng nhau vẫy vẫy: “Hẹn sớm gặp chú!”.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.