Chuyến từ thiện “có một không hai”
Có lẽ chưa bao giờ có chuyến đi từ thiện nào đặc biệt như buổi thiện nguyện về Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em và người tàn tật huyện Kim Bảng, Hà Nam lần này.
Bởi những người tham gia không phải các bạn trẻ 18, đôi mươi hay các cụ già lơ phơ tóc bạc mà lại là các em nhỏ còn đang tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi còn nũng nịu mẹ đòi bón cơm, chải tóc.
Thậm chí, trong đoàn, còn có các em của các bạn học sinh lớp 2A23 Vinschool, những bé còn đang trong tuổi bế bồng.
Từ nhiều ngày trước chuyến đi từ thiện, bé Gia Huy đã “nhận khoán” việc lau bàn, rửa bát để được mẹ thưởng tiền, bỏ heo đất.
Cùng với số tiền tích cóp trước đó, cậu hân hoan vét heo đất mang 230 ngàn tặng cho các trẻ mồ côi.
Bảo Lâm và em chọn cách khác. Hai anh em nắn nót làm thiệp, vẽ tranh, viết lời đề tặng vào những cuốn sách mà mẹ lựa mua về, để gửi gắm thông điệp yêu thương đến các bạn mồ côi.
Một phụ huynh đang hỏi các nhà từ thiện nhí về ý nghĩa giáo dục của câu chuyện vui.
Phút chơi đùa hiếm hoi của những cô, cậu bé nhí trong đoàn từ thiện và trẻ em mồ côi.
Khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của trẻ em bất hạnh, bé Lê Anh Kiệt nói: “Cháu rất thương các bạn khi mất bố mẹ sớm, phải tự lập từ nhỏ. Nhiều việc các bạn ấy cũng phải tự làm trong khi ở nhà em, việc gì mẹ em cũng giúp”.
Còn bé Đào Xuân Vinh tâm sự: “Trong chuyến đi từ thiện lần này, con thích nhất là lúc được phát kẹo cho các bạn ở trại trẻ mồ côi. Các bạn ấy cứ giơ tay xin như kiểu chưa bao giờ được ăn kẹo vậy!”.
Bé nào khi được hỏi “có thương các bạn không”, đều gật đầu bảo “thương ạ”.
Khi được hỏi về giả thuyết “nếu em sống 1 ngày không cha, không mẹ ở đây, con có sống được không”, các cô cậu học sinh ở Hà Nội này đều lắc đầu “con nghĩ là không chịu được ạ”.
Ngay trong phần giao lưu, khi kể chuyện vui, các thành viên trong đoàn cũng đã lồng ghép vào câu chuyện nhiều nội dung giáo dục.
Bên cạnh những tràng cười sảng khoái, có nhiều phụ huynh thấy rưng rưng khi con trả lời rất chuẩn về tình thương, công ơn của bố mẹ.
Chặng đường “khứ hồi” từ Hà Nội tới Hà Nam khiến cho một số học trò nhí say xe, nhưng sau khi “xả say”, các em đều trả lời rằng: “Nếu có cơ hội, em vẫn muốn được đi tiếp”.
Lời đề tặng em Bảo Lâm viết vào cuốn sách, gửi gắm thông điệp yêu thương đến các bạn mồ côi.
Các học sinh lớp 2 Vinschool mang đến Trung tâm những món quà thực sự thiết thực:
10 chiếc ghế đá để các bạn mồ côi ngồi nghỉ ngơi; 01 bộ máy tính; 01 chiếc ti vi; dầu ăn, mì chính, áo mưa, kem và bàn chải đánh răng, sữa tắm, âu đựng cơm canh, sữa TH true Milk, sách truyện.
Đặc biệt, có hai món quà tặng khiến cả người tặng nhí và người nhận đều hớn hở và vui sướng, đó là đàn gà chọi và 20 con thỏ trắng để trẻ em mồ côi tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.
Nhìn các em xúm xít bên lồng thỏ, hăm hở bứt lá cho thỏ ăn, chị Nguyễn Thị Thu, thành viên Hội nuôi thỏ miền Bắc cho biết:
“Ngay sau khi nghe thông tin về chuyến đi của đoàn từ thiện, tôi đã đi từ Thanh Hóa ra Nam Định, Hà Nam, vận động đồng nghiệp ở đây tình nguyện tặng thỏ cho các trẻ em bất hạnh”.
Theo chị Thu, thỏ và con vật dễ nuôi, có thể chăm sóc hoàn toàn bằng cỏ, vì vậy, Hội quyết định tặng thí điểm 20 con, trong đó, có 5 con thỏ cái chuẩn bị đẻ.
Nếu trung tâm chăm sóc tốt, 1 tháng đàn thỏ có thể cho 40kg thịt tạo nguồn thu nhập bình quân 3,2 triệu đồng/tháng cho các em nhỏ ở trung tâm.
Chị Thu hi vọng: Trung tâm bằng mọi cách có thể nhân rộng đàn thỏ, ban đầu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sau đó, nếu có thương phẩm.
Hội nuôi thỏ miền Bắc sẵn sàng mua lại nhằm đem đến nguồn tài chính cải thiện cuộc sống của các cháu.
Khi các cháu nuôi quen tay, Hội sẽ hỗ trợ thêm với mong muốn chia sẻ một phần nào đó những khó khăn, thiệt thòi của các bé ở trại trẻ mồ côi.
Nhiều món quà ý nghĩa mà các cô, cậu học sinh lớp 2 trường Vinschool đã mất nhiều ngày chuẩn bị để đem lên trao tặng cho các bạn trẻ mồ côi.
Các học sinh lớp 2 Vinschool tận tay trao cho các bạn nhỏ bất hạnh ở Trung tâm những món quà thực sự thiết thực.
Không chỉ có thỏ, các em nhỏ của trường Vinschool còn rất tâm lý khi mua tặng cho trẻ em mồ côi những chú cún con để làm bạn.
Các em nhỏ hi vọng những chú cún con, gà con, thỏ con sẽ mang tới niềm vui cho cuộc sống vốn trầm buồn nơi trại trẻ mồ côi ở Hà Nam.
Một trong những món quà khiến trẻ em mồ côi bất ngờ nhất, là những tấm ảnh chân dung.
Với các bạn nhỏ ở trại trẻ mồ côi thì đây là lần đầu tiên, các em có những bức ảnh chân dung đẹp, hồn nhiên và vui đến như vậy!
Các em nhỏ tại trại trẻ mồ côi mê mải với những khung hình đẹp. Nhiều em đã ngay lập tức đem về để ở trên bàn học, nơi trang trọng nhất ở phòng ở của mình.
Những thiện nguyện viên đã mang theo máy ảnh, máy in ảnh lấy ngay để thực hiện những bức chân dung mà trẻ mồ côi phải thốt lên: “Chưa bao giờ em có được tấm hình đẹp và có hồn như vậy”.
Không chỉ có ảnh, các bé mồ côi còn được chăm sóc sắc đẹp.
Chị Thu Thủy, một cựu nhà báo, chuyển nghề làm chuyên gia tóc, đã xin đi cùng đoàn để cắt tóc cho các bé không may mắn.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị nói: “Nhớ nhất là lúc, tôi chạm tay vào một em nhỏ, em ấy bất ngờ nắm chặt lấy tay tôi. Một bàn tay rất ấm. Tôi hiểu, các em cần lắm những hơi ấm, tình yêu thương của bố mẹ.
Các em thiệt thòi nhiều quá! Trong khi, trẻ nhỏ ở thành phố có khi ngày nào cũng được bố mẹ chụp ảnh “tự sướng” còn các bé ở đây thì dường như đây là lần đầu được chụp ảnh chân dung.
Nhìn các bé mê mẩn ngắm nhìn khung hình, nụ cười rạng ngời hạnh phúc, ánh mắt đầy háo hức, vui mừng, tôi thấy lòng mình dấy lên một cảm xúc rất lạ”.
Đối với các bậc phụ huynnh của lớp 2A23 Vinschool, chuyến đi từ thiện này là buổi trải nghiệm thú vị, là cơ hội gắn kết tình cảm thân thiết cho cả mẹ và con.
Tại đây, các ông bố, bà mẹ đã tranh thủ dạy con nhiều bài học bổ ích về tình thương, sự sẻ chia của mọi người trong cộng đồng.
Chị Đào Kiều Linh bày tỏ: “Có đi thực tế như vậy mới giúp con cảm nhận được mình đã may mắn và hạnh phúc hơn nhiều so với các bé khác.
Hơn nữa, chuyến đi cũng giúp chúng tôi có nhiều cái để nói chuyện với con, thay vì nói suông thì sau khi trở về nhà, bố mẹ sẽ có nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện để giảng giải, dạy dỗ con tốt hơn”.
Những mảnh đời bất hạnh
Khác với những cậu bé, cô bé có đầy đủ cha mẹ, các bạn ở trại trẻ mồ côi Hà Nam lại luôn rụt rè, nhút nhát, mang trong mình đầy mặc cảm, tự ti.
Ngồi nói chuyện với tôi mà cô bé Nguyễn Thị Tình, học sinh lớp 10 THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nam) không dám nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Tình chỉ cúi gằm mặt, len lén quay đi để che giấu giọt nước mắt ngân ngấn, lưng tròng.
Cứ mỗi lần, tôi hỏi về của cuộc sống ở trại trẻ mồ côi – nơi mà Tình đã về ở khi bố mẹ mất từ năm em 4 tuổi, Tình trầm ngâm hồi lâu rồi mới tâm sự một cách dè dặt.
Cấc em học sinh lớp 2 trường Vinschool mong muốn: Bằng những quà tặng ý nghĩa của mình có thể phần nào đó san sẻ bớt những thiệt thòi của các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
“Hồi cấp 2, nhìn các bạn được bố mẹ đưa đón đến trường, em rất thèm được yêu thương, chiều chuộng như thế. Nhất là lúc cô giáo thông báo em được miễn học phí vì thuộc diện trẻ mồ côi, các bạn trong lớp đều trêu, em thấy tủi thân lắm.
Đặc biệt, khi Tết đến, nhà nhà quây quần, em nhớ bố mẹ vô cùng. Mặc cảm về hoàn cảnh bản thân, nhiều khi em đã khóc”.
Cô Trần Thị Hường, người đã tình nguyện gắn bó với trại trẻ mồ côi ở huyện Kim Bảng, Hà Nam này từ năm cô mới 21 tuổi cho biết: Ở đây, cháu nào cũng yếu đuối và mau nước mắt nên dù chúng có lớn, chúng tôi vẫn phải dỗ dành, nịnh nọt như con nít.
“Có những bé hồi mới đến, đêm nào cũng gào khóc đòi bố, gọi bà, gọi mẹ, tôi cứ phải ôm vào lòng, dỗ "mẹ đây" hoặc “lát nữa bố mẹ con đến bây giờ đấy” để cho chúng nguôi ngoai phần nào nỗi đau mồ côi, mất mát” – cô Hường tâm sự.
Trong số 35 em được nuôi dưỡng tại trung tâm này có 4 em bị bỏ rơi, 6 em có hoàn cảnh đặc biệt (còn cha hoặc mẹ nhưng không có khả năng nuôi dưỡng) và 25 bé không nơi nương tựa.
Ông Lê Ngọc Trường, Giám đốc trung tâm gửi lời cảm ơn đoàn từ thiện đã mang hơi ấm và nụ cười tới cho các em mồ côi nơi đây.
Ông Lê Ngọc Trường, Giám đốc trung tâm cho biết: Có nhiều trường hợp các bé ở đây là anh em ruột bị bố mẹ ruồng bỏ, có trường hợp con ngoài giá thú, có bé chỉ trong 36 ngày mất cả cha và mẹ vì căn bệnh thế kỷ HIV.
Có bé mất mẹ, còn cha nhưng cha lại đang thi hành án tại trại giam.
“Hình ảnh đau đáu nhất trong tôi đó là vào năm 2009, một cháu bé bị bỏ rơi ngoài cổng trại, lúc đó mới được 2 tháng tuổi.
Buổi sáng sớm, khi chúng tôi dậy quét dọn sân vườn thì phát hiện bé đang nằm đó tím tái. Mọi người vội vã ủ ấm cho bé rồi lau rửa sạch sẽ và nhận chăm nuôi từ ấy.
Có bé được trẻ chăn trâu tìm thấy trên cầu Liên Sơn, rốn vẫn còn chưa cắt, khi đưa về trung tâm đã có người xin làm con nuôi”.
Bé M (tên nhân vật đã được thay đổi) cũng là một trường hợp rất đặc biệt. Mẹ bé bị bệnh tâm thần nặng, bản thân M khi sinh ra cũng là đứa trẻ “không bình thường”.
Trung tâm nhận nuôi M từ khi cậu 2 tuổi, giờ bé đã 9 tuổi và bước vào lớp 3.
Hàng ngày, luôn có cán bộ đưa đón M tới tận lớp để giao cho cô giáo chủ nhiệm trông coi và dạy dỗ nhưng tranh thủ lúc giữa giờ ra chơi, bé lại bỏ đi.
Từ hồi bắt đầu năm học mới đến nay, M đã bỏ đi 5 lần, có hôm tất cả cán bộ trung tâm phải huy động tìm suốt từ 9h sáng tới tận đêm mới phát hiện ra bé ở Phủ Lý.
“Nhiều lúc em chui vào gầm cầu thang ngủ, mọi người không biết cũng phải đi tìm. Tinh thần bé lúc nhớ, lúc quên nên trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc bé rất vất vả. Thậm chí, có lúc tôi cũng rất mệt mỏi và muốn buông tay.
Nhưng vì chữ tâm và tình thường đối với các bé, tôi luôn động viên các cán bộ khác cố gắng. Niềm vui lớn nhất của tôi đó là nhìn các em trưởng thành lên từng ngày và hòa nhập vào cộng đồng, giúp ích cho đời” – ông Trường tâm sự.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.