Cô giáo cho trẻ tát bạn: Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói gì?

Hà Khê |

Các chuyên gia cho rằng, hành động của cô giáo là phản giáo dục và cách trả lời "chuyện nhỏ" của phó hiệu trưởng thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong quản lý.

 Bạo lực là một hành động phản giáo dục

Sự việc giáo viên trường mầm non Hoa Trạng Nguyên (Chương Mỹ, Hà Nội) đã mặc nhiên để các trẻ "xử nhau" trong lớp học khiến dư luận hết sức phẫn nộ, thế nhưng, đại diện trường mầm non này lại cho rằng, đó chỉ là chuyện nhỏ.

Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, Đại biểu Quốc hội đều cho rằng, hành động của cô giáo là phi giáo dục, còn cách trả lời của vị phó hiệu trưởng là thiếu trách nhiệm.


Trường Mầm non chất lượng cao Hoa Trạng Nguyên, nơi xảy ra sự việc trẻ tát bạn trước mặt cô giáo

Trường Mầm non chất lượng cao Hoa Trạng Nguyên, nơi xảy ra sự việc trẻ tát bạn trước mặt cô giáo

Trao đổi với PV, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội cho rằng, cách dạy trẻ của cô giáo mầm non khi mượn một trẻ khác để đánh một trẻ phạm lỗi trong giờ học là hành động phi giáo dục.

Đặc biệt, khi xảy ra sự việc như thế, cô hiệu phó lại cho rằng đó là sự việc nhỏ thì lại càng không thể chấp nhận được.

Bà An nhấn mạnh, tuy hành vi bạo lực đó là cá biệt, nhưng cũng không nên để xảy ra trong nhà trường, vì hành động bạo lực là một hành động phản giáo dục, trái với phương pháp giảng dạy.

Để xảy ra việc như thế, nhà trường cũng phải có trách nhiệm riêng của mình trong việc này, không thể coi đó là việc nhỏ mà trốn tránh trách nhiệm.

Đồng quan điểm, PGS. Văn Như Cương chia sẻ: "Việc cô hiệu phó trường mầm non cho rằng, hành động một trẻ tát trẻ khác trong một giờ học mà cô giáo lại không phản ứng là sự việc nhỏ thì tôi thấy cô hiệu phó sai lầm.

Tôi thấy hơi buồn cười về phát ngôn của cô hiệu phó, bản thân cô giáo đứng lớp phải chịu trách nhiệm riêng đối với việc để xảy ra như thế.

Ban giám hiệu nhà trường cũng cần phải có trách nhiệm riêng của mình về việc buông lỏng quản lý giáo dục, không thể đổ lỗi cho một cá nhân được".

Chia sẻ về phương pháp dạy học của giáo viên mầm non, cụ thể là việc cô giáo mầm non để cho trẻ đánh tát nhau và cô hiệu phó lại cho rằng đó là sự việc nhỏ, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục HN cho rằng, bạo lực học đường phải tuyệt đối cấm.

“Trước hết, mọi hình thức bạo lực trong giáo dục là đều cấm tuyệt đối, không được dung túng cho hành động đó dưới bất cứ hình thức nào.

Cô giáo mà dùng một trẻ để tát một trẻ khác là không được, trong tình huống đó cô giáo có hai cái sai. Một là bản thân cô giáo sai, hai là cô giáo đó còn để một trẻ khác sai theo mình, như thế là không được”, TS. Tùng Lâm nói.

Theo ông Lâm, trong trường hợp này, tình thương của cô dành cho trẻ là không có, cô không được đào tạo nến nơi đến chốn. Phương pháp giảng dạy như thế là phương pháp phản giáo dục, bản thân cô giáo cứ nghĩ dạy trẻ như thế là được việc.


TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, phương pháp cho trẻ xử nhau sẽ dễ gây ra di chứng về mặt tâm lý cho trẻ

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, phương pháp cho trẻ "xử nhau" sẽ dễ gây ra di chứng về mặt tâm lý cho trẻ

"Phương pháp đó rất dễ gây ra di chứng cho trẻ về mặt tâm lý, làm cho các cháu trở nên nhút nhát sợ sệt tự kỷ.

Những trẻ có tính cách lại trở nên phản ứng mạnh mẽ, hung hãn trẻ sẽ coi chân lý hành xử của mọi người đều bằng bạo lực chứ không phải là sự thương yêu", chuyên gia tâm lý này e ngại.

Không chỉ bàn về hành vi phản giáo dục của cô giáo khi để trẻ "tự xử", TS. Nguyễn Tùng Lâm còn đặt ra trách nhiệm của nhà trường trong vấn đề này.

“Tất cả hành vi của cô giáo làm thì cô giáo đều phải chịu trách nhiệm, nhưng người quản lý cũng phải có trách nhiệm.

Bởi mình là người quản lý trực tiếp, không kịp thời ngăn chặn, không kịp thời bồi dưỡng hướng dẫn giáo viên, tất cả đều bị liên đới chịu trách nhiệm chứ không được đổ lỗi cho người khác”, TS Tùng Lâm cho hay.

 Cần phải có chế tài xử lý

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện tượng bạo hành trong giáo dục, đặc biệt là trẻ mầm non là những việc làm sai trái. Giáo dục không nên để xảy ra những việc bạo hành, vì nó rất phản giáo dục.

"Trẻ em như búp trên cành, chúng ta cần phải yêu thương, đùm bọc lấy trẻ bằng lòng thương yêu.

Trẻ mầm non rất hiếu động, có những sự tinh nghịch đáng yêu, nhưng chúng ta sẽ phải có phương pháp giáo dục riêng, chứ không được dùng biện pháp bạo hành.

Bất cứ hành động phản giáo dục đều không có nhỏ hay bé, không được phân biệt việc đó, không được bỏ qua những hành động đó, suy nghĩ của cô hiệu phó như thế là hoàn toàn sai”, PGS Trần Xuân Nhĩ phân tích.

Vị này nói thêm, những hành động bạo lực trong giáo dục là không thể tha thứ được, chế tài xử lý cần phải thật sự nghiêm khắc.

Giáo viên và nhà trường cũng như các cấp trong ngành giáo dục cần phải có chế tài xử lý. Những đơn vị liên quan đều phải chịu trách nhiệm chung.

Trước đó, như báo điện tử Trí Thức Trẻ đưa tin, trong giờ học của lớp 3 tuổi thuộc trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên, cô giáo N. đã cho lớp trưởng được quyền đánh bạn học.

Sau đó, PV đã liên hệ với trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên, cô giáo Vũ Thị Mỹ Hạnh, Phó Hiệu trưởng thừa nhận có sự việc trên. Tuy nhiên, vị này cho rằng đó là "chuyện nhỏ" và đã giải quyết xong với phụ huynh của bé.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại