Đến hẹn lại lên, đầu xuân năm mới lễ hội Chùa Hương lại được mở hội, du khách thập phương nô nức hành hương trẩy hội bái Phật. Cảnh hàng quán bày bán trong khuôn viên di tích danh thắng Chùa Hương bày bán la liệt các loại thịt thú.
Nhím nuôi thương phẩm, thịt chó, mèo, thỏ... được hô biến và bày bán đầy rẫy tại các nhà hàng trong khuôn viên khu du lịch thắng cảnh Chùa Hương.
Những năm trước, các nhà hàng này công khai treo biển bán thịt thú rừng nào là hươu rừng, hoẵng, cày hương,... Sau khi báo chí phản ánh, năm nay du khách đã không còn thấy bất cứ 1 tấm biển nào treo bán thịt thú rừng.
Tuy nhiên, khi du khách có nhu cầu ăn thú rừng thì thì các nhà hàng sẽ phục vụ ngay. Các món ăn được chế biến từ "thú rừng" theo lời chủ quán như cày hương, cáo, hươu, nhím...
Những chú thỏ khi chưa được cắt tai, nếu du khách muốn ăn thì sẽ là thịt "thỏ rừng", nếu ai muốn ăn dũi thì sẽ ăn thịt thỏ cắt tai và được chế biến với các hương vị đặc trưng.
Nhưng thực hư thịt "thú rừng" ấy có thật hay không thì du khách không thể phát hiện được. Bởi các nhà hàng này "ngụy trang" và chế biến rất "tinh vi".
Để có thông tin thực hư về những thứ mà người ta gọi là "thú rừng" này, PV đã có cuộc tìm hiểu từ phía những người tự tay cho ra lò những con "thú rừng" này. Tôi đã tìm gặp những người bạn học, quê tại Hương Sơn, Mỹ Đức để tìm hiểu về những điều này.
Nếu du khách tinh ý, chú ý kỹ sẽ phát hiện ra những chiếc chân "cày hương" thực chất là chân chó, chân mèo.
Người đầu tiên mà tôi tìm gặp là Nguyễn T. Đ. (quê tại thôn Đục Khê, xã Hương Sơn); gia đình Đ. đã đấu thầu một mảnh đất khá rộng tại khu vực bến đò Thiên Trù để mở hàng ăn, nhà nghỉ. Tôi đem sự tò mò của một thực khách hỏi Đ.: "Đâu ra mà lắm thú rừng thế?" Đ. nói: "Toàn đồ nuôi thôi, không có đâu mà thú rừng."
Đ. bảo, "cày hương thì thực ra là thịt mèo hoặc chó", theo Đ. du khách nào thực sự tinh ý thì cũng khó có thể phát hiện ra. Nếu được "chế" từ mèo thì đầu mèo được đập bỏ xương, kéo dài mồm ra cho giống.
Hầu hết các nhà hàng tại khu vực Chùa Hương bán thịt hươu đều nói hươu sao được bẫy trong rừng. Tuy nhiên, thực chất nó được nuôi cả bầy tại Ninh Bình, Hải Dương và được bán làm thịt.
Nhím, hươu, nai... thì đúng, tuy nhiên không phải là nhím, hươu, nai tự nhiên mà là những sản phẩm được chăn nuôi ở Ninh Bình, Hải Dương...
Nhím thương phẩm ngoài thị trường hiện nay có giá khoảng 200 nghìn đồng/1kg nhím sống nhưng các nhà hàng tại khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn bán với giá từ 600-800 nghìn đồng/1 kg.
Thịt "hươu sao rừng" mà thực chất là hươu nuôi được bán với giá ngoài thị trường là 240-250 nghìn đồng/1kg. Tất cả những con nhím, hươu sao... được bày bán tại khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn đều là hàng nuôi.
Đ. khuyên tôi, "nếu có đi Chùa Hương thì chớ có nghe lời mời của các nhà hàng mời ăn thịt "thú rừng" mà bị lừa, toàn đồ giả thôi. Không có đâu ra mà nhà nào cũng có vài con cày hương, hươu sao bắt từ rừng ra mà bán cả đâu" Đ. nói.
Những con nhím sống được nhốt đợi làm thịt phục vụ du khách về trẩy hội Chùa Hương có nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - Trưởng Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương cho hay: hoàn toàn không có thú rừng được bày bán tại Chùa Hương. Đó hoàn toàn là những thứ được nuôi công nghiệp. Các cửa hàng lợi dụng du khách không biết để lừa bán với giá cao kiếm lời.