Như đã thông tin trong bài viết trước, hai ngày sau khi Nguyễn Thị Thanh Trang, người quản lý Nhà mở chùa Bồ Đề (Long Biên) bị bắt, nhóm phóng viên báo điện tử Trí Thức Trẻ đã tìm đến nhà bố đẻ của Trang để tìm hiểu về thân thế, cuộc đời người phụ nữ này.
Gạt nước mắt và lặng đi một lúc lâu sau khi nhớ lại quãng đời truân chuyên của con gái, ông T kể về tâm trạng của ông từ ngày con gái bị bắt.
Ông cho hay, mình là người theo đạo Phật, cả đời sống hướng thiện nên nghe tin Trang bị bắt vì tội buôn bán trẻ em, ông như chết đi sống lại mấy ngày nay.
"Hàng xóm đi qua đi lại cứ xì xào đánh tiếng, cảnh nhà neo đơn, ngồi liệt một chỗ không bầu bạn, không giãi bày được với ai khiến tôi xấu hổ và đau đớn vô cùng. Tôi phải nhờ vợ gọi người ta vào, chảy nước mắt mà bảo: "Thôi tôi xin đừng nói gì nhà chúng tôi nữa, lương tâm tôi cắn rứt lắm". Lỗi của tôi là bỏ vợ để con cái bây giờ hậu quả như thế. Lúc nó vào chùa ở tôi mừng lắm, cứ nghĩ nó vào cửa chùa rồi, ngoài ăn no mặc đủ, thì nó ở gần Phật sẽ tốt như Phật...
Hôm nay tôi nghe tivi nói vụ buôn bán trẻ em này là có cả một đường dây, một tổ chức. Vậy tổ chức đó là như thế nào? Thế lực nào giật dây? Dính dáng đến nhiều yếu tố phiền phức lắm. Nhưng công lý phải là công lý, không thể vì lí do này nọ mà bưng bít bao che…
Tôi có đọc báo, thấy khi biết tin con tôi bị bắt, sư Đàm Lan nói: “Xin hãy trả lại sự trong sạch cho nhà chùa, thầy không ngờ Trang dám làm thế...”. Trang đã khóc nức nở: “Sao sư thầy lại vội vã phủi tôi đi nhanh như thế. Con tôi hai đứa vẫn đang trong tay sư thầy mà!”. Tim tôi thắt lại. Chắc phải như thế nào đó, chứ mình con tôi nó không đủ sức tổ chức cả một đường dây tội ác như người ta nói đâu."
"Tội lỗi của con tôi chưa biết đúng sai như thế nào. Tôi không dám đinh ninh con tôi không làm việc đó, vì con người tham sân si nhiều lắm, bình thường thì tốt nhưng lúc thấy tiền thì mắt sáng lên, cái đó cũng hay gặp. Nhưng lòng tôi bây giờ nhiều lo lắng, nhiều mâu thuẫn giằng xé lắm.
Trang là người tình cảm với bố, một năm đôi ba lần về thăm tôi nó vẫn thường ngồi lại cắt móng tay móng chân cho bố. Còn gọi điện thoại thì cứ 2,3 ngày tôi nhớ nó tôi nháy máy, Trang lại gọi lại nói chuyện.
Bây giờ có lẽ tôi mất con tôi hẳn rồi, bệnh tôi nặng lắm, bây giờ ngồi nói thế này nhưng mai chắc gì đã còn. Trước đây, lần nào tôi nằm viện Trang cũng đến chăm sóc. Nghe người ta nói nó có thể bị 12 năm tù, có lẽ nó về thì tôi đã chết rồi”.
Suốt cuộc chuyện trò với chúng tôi, ông T không ngăn được đôi mắt nhòe nước khi nhắc đến con mình. Thi thoảng vài cơn đau lại giày vò làm ông phải ôm lấy lồng ngực khiến chúng tôi ái ngại, muốn dừng câu chuyện vì sợ ảnh hưởng sức khỏe ông. Nhưng người bố bệnh tật vẫn muốn được tiếp tục nói lên ý kiến của mình để dư luận hiểu hơn về cuộc đời con gái và có cái nhìn bao dung hơn với Trang. Ở địa vị ông T hiện tại, có lẽ đó là việc duy nhất ông có thể làm cho con mình.
“Tôi biết ranh giới giữa cái thiện cái ác rất mong manh. Nó tốt với tôi mà không tốt với xã hội cũng nên, tôi không dám khẳng định con tôi vô tội.
Nhưng tôi thấy Trang nó cũng có trách nhiệm với công việc nó được trụ trì giao lắm. Từ khi được giao quản lý ở đó nó bận đến nỗi một năm chỉ về thăm tôi được hai lần. Có đợt tôi ốm lắm nhưng nó vẫn không về thăm tôi được, nó bảo có hai em bé đang nằm viện, nó phải trông coi. Sau tết nó có ghé qua chỗ tôi, nhưng ngồi được một lát điện thoại cứ reo liên tục, người thì muốn từ thiện, người thì muốn hỏi han...
Tôi chỉ có một băn khoăn sợ Trang làm quản lý cả khu nuôi dưỡng đông người như thế, giữ tiền lắm thì nảy sinh tính tham mà ăn cắp ăn trộm nên tôi cũng răn đe nó. Nhưng Trang bảo: "Con làm gì được giữ tiền. Con nhận xong bao nhiêu của khách con phải đưa hết cho trụ trì ngay lập tức chứ ai người ta cho con giữ tiền mà bố lo", nên tôi cũng yên tâm. Không ngờ cơ sự ra nông nỗi này.
Có điều, nếu phạm tội buôn bán người là tội ác tày trời rồi, là chết xuống địa ngục không được siêu thoát đấy. Tôi bảo với chồng nó, nếu Trang có tội mà phải đi tù, con hãy chở bố lên thăm Trang. Nhưng tôi không nghĩ nó đủ sức làm chủ mưu đâu. Xin hãy công bằng khi phán xét, hãy điều tra đúng người đúng tội, ai làm gì người ấy phải chịu.
Trong thâm tâm tôi, tôi lại càng không muốn nghĩ là nhà chùa dính dáng vào. Tôi mong muốn rằng nhà chùa không liên quan trách nhiệm gì cả. Như thế để các cháu tôi còn có nơi nương tựa khi mẹ nó ở tù, chứ nếu không thì các cháu tôi rồi sẽ sống ra sao? Tôi bây giờ không đủ sức để nuôi mình, đến nhu cầu cá nhân cũng phải nhờ vợ thì tôi nuôi nấng các cháu làm sao được!
Tôi cũng mang ơn thầy Lan. Dù thế nào thì cũng là nhờ có thầy cưu mang mà Trang và các cháu tôi có ăn có mặc. Công lao đó tôi không thể phủ nhận được, nên tôi mong nếu có ai đó giật dây con tôi, thì đó là thế lực đen tối thứ ba nào đó, không phải là thầy".
Ông T cho biết luôn mang ơn sư Đàm Lan vì đã cho con cháu ông một mái nhà để ở.
Đêm đã khuya và ông T bắt đầu mệt nên chúng tôi xin phép ra về. Sau giây phút rời khỏi căn phòng chật chội của hai ông bà, tôi không khỏi xót xa trước những giọt nước mắt của người đàn ông già nua bệnh tật. Càng băn khoăn hơn bởi những câu hỏi dọc ngang trong đầu: Nếu biết trước có ngày phải ân hận vì đã nuông chiều thói phong lưu, tước đi của con cái một mái ấm, bỏ mặc chúng cho cuộc đời vần vũ xô đẩy như bây giờ, liệu ngày ấy ông T có làm không? Và nếu biết trước rồi có ngày sa chân vào vòng lao lý, đối mặt với một bản án nặng nề trong bốn bức tường trại giam, để lại ba đứa con bơ vơ ở bên ngoài, Trang có nhẫn tâm đi vào con đường tội ác?
Xung quanh việc chùa Bồ Đề thu nhận và nuôi dưỡng trẻ em
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA