Vụ mua bán trẻ em: Chùa Bồ Đề đã từng được ca ngợi như thế nào?

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Chùa Bồ Đề từng được gọi là "nơi bình yên" hay nơi cứu rỗi những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian.

Nguyễn Thị Thanh Trang, cô bảo mẫu kiêm quản lý khu nuôi trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề (P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP. Hà Nội) vừa bị Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội bắt khẩn cấp với tội danh “mua bán trẻ em” tối 2/8. Trước đó, trên một số phương tiện thông tin đã xuất hiện thông tin chùa Bồ Đề thành “kênh trung gian” mua bán trẻ mồ côi, mỗi trẻ nếu được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được "cung tiến" từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ những người nhận nuôi.

Tính đến ngày 16/7 vừa qua, nhà chùa đang nuôi dưỡng 145 trường hợp gồm trẻ em, người già không nơi nương tựa, người tàn tật.

Tuy nhiên, trước khi sự việc vỡ lở, trong suốt nhiều năm vừa qua, chùa Bồ Đề đã được ca ngợi hết lời vì đã cưu mang, nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi. Xin trích ra đây rất nhiều những lời ca ngợi như vậy:

“Ở Hà Nội, có một ngôi chùa trong suốt 20 năm qua là mái nhà của hàng trăm trẻ em bất hạnh, trong đó hầu hết là trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc sơ sinh. Mặc dù nhà chùa còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng sư thầy trụ trì và các vãi già vẫn gắng sức đón nhận những sinh linh bé bỏng, nuôi nấng và dạy dỗ chúng nên người... Sư thầy Thích Đàm Lan (SN 1956, trụ trì chùa Bồ Đề - PV) bảo rằng: “Trong gần 20 năm qua, chúng tôi đã đón nhận và nuôi nấng khoảng 150 cháu. Bây giờ có cháu đã lớn lắm rồi, đã học xong, đã ra trường, đã đi làm, rồi đã dựng vợ gả chồng”. Sư thầy Đàm Lan cho biết, nhà chùa phải rất cố gắng để nuôi nấng chừng đó cháu”.

“Năm tháng cứ dần trôi và sư thầy ngày một già đi, nhưng có lẽ có một điều mà sẽ không bao giờ thay đổi chính là tấm lòng mà sư thầy dành cho con trẻ. Nhìn ánh mắt chan chứa tình yêu thương và niềm vui thể hiện trên khuôn mặt khi sư thầy kể về những đứa trẻ ở đây, tôi càng thấu hiểu được đạo của người tu hành mà sư thầy Thích Đàm Lan vẫn đang thực hiện hàng ngày, hàng giờ, không nề hà gian khổ. Bằng những việc làm thiết thực của mình, sư thầy chính là tấm gương trong việc thực hành giáo lý nhà Phật, gắn đạo với đời, vừa dốc lòng tu hành, vừa ra sức tham gia cứu nhân độ thế, vì một xã hội, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

“Sinh ra trong một gia đình đắc đạo, ni sư Thích Nữ Đàm Lan đã sớm quy y cửa Phật từ khi mới 16 tuổi. Sư thầy Thích Đàm Lan được biết đến như một người nổi bật trong công tác làm từ thiện xã hội”.

“Tất cả các em đã vào đây đều được sư bà Đàm Lan đặt cho những cái tên đẹp và mang họ nhà Phật như Quảng Dương, Quảng Đức, Quảng Thắng... con gái thì được đặt họ Kiều như Kiều Vân Anh, Kiều Mỹ Uyên, Kiều Yến Nhi…

Các em được Sư thầy nuôi nấng dạy dỗ chu đáo. Khi đến tuổi đi học các em đều được cắp sách đến trường, mọi chi phí do nhà chùa chu cấp”.

Chùa Bồ Đề có tên chữ là Thiên Sơn. Tấm bia cổ dựng năm Hoằng Định thứ 15 (1614) đời Lê Kính Tông có chép lại việc dựng lại chùa và ghi rõ "đại công đức Bồ Đề" của vua Lê Thái Tổ.  Sở dĩ gọi là "Bồ Đề" vì xa xưa trong làng có hai cây bồ đề cao, nổi bật giữa những làng quê ven sông Hồng.  Tương truyền chùa được xây trên đất dinh Bồ Đề của Lê Lợi khi vua bao vây thành Đông Quan năm 1472.

Sau này, do bị chiến tranh tàn phá nên năm 1614, chùa được trùng tu tôn tạo trên nền chùa cũ và công đức khắc in vào hai quyển Pháp Hoa kinh để lưu hành.

Năm 1971, chùa một lần nữa được trùng tu như kê kích lại toàn bộ thượng điện và xây dựng lại hậu cung phía sau, nâng cao nền chùa. Năm 1986, chùa được trùng tu nhà Tổ, hậu liêu, nhà khách, nhà Tăng, nhà bếp cũng như khu vực nhà ở của hơn 50 cô nhi đang được nuôi dạy tại chùa. Năm 1999, chùa tiếp tục xây lầu bát giác và tôn trí tượng Bồ Tát Quan Thế Âm cao 3,2m.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại