Biển đảo quê hương trong những sáng tác thơ của tuổi trẻ

Thiên Vũ |

(Soha.vn) - Sinh viên được thể hiện tình yêu với Tổ quốc, sự nhận thức về vấn đề biển đảo, chủ quyền đất nước qua sáng tác và trình diễn thơ.

Chủ quyền dân tộc, vấn đề biển đảo đang là vấn đề thời sự được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ. Không chỉ thể hiện bằng việc treo cờ Tổ quốc trên mạng xã hội, bày tỏ tình cảm, lòng tự hào dân tộc trong những câu nói... các bạn sinh viên còn gửi tình cảm, tiếng nói của mình vào trong thơ ca, văn chương.

Có thể nói, điểm nhấn của Ngày hội thơ 2013 chính là cuộc thi sáng tác và trình diễn thơ của chính các bạn sinh viên đến từ 8 trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Với chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc" qua bốn phần thi: sáng tác, trình diễn thơ, đọc thơ Bác và quán thơ đã gây ra sự hứng thú, thích thú đối với những bạn trẻ yêu thơ tham dự năm nay.

Đó là vấn đề về chiến tranh giữ chủ quyền dân tộc, là tinh thần yêu nước, là tình cảm yêu nước thiêng liêng tự hào với nhận thức bảo vệ biển đảo trong thời bình hiện nay.

Tham gia và giành giải 3 trong phần Sáng tác thơ với bài “Về quê”, Lê Xuân Hiệp (Khoa Viết văn – Báo chí K12, ĐH Văn hóa) bày tỏ: “Vấn đề biển đảo, chủ quyền đang nóng bỏng dành sự quan tâm của đông đảo người dân. Đây là chủ đề hay, mới lạ, rất phù hợp và qua thơ chúng em muốn bày tỏ tình cảm, được nói lên tiếng nói tình yêu, mong muốn cống hiến cho đất nước.

Qua sự tham gia của các bạn sinh viên đến từ 8 trường đại học, em nhận thấy những người trẻ vẫn luôn quan tâm đến đất nước đặc biệt là vấn đề biển đảo chủ quyền”.

Phần trình diễn tác phẩm thơ:

Phần trình diễn tác phẩm thơ: "Về quê" của Lê Xuân Hiệp gây xúc động.

Còn đối với Nguyễn Thị Kim Nhung (Sinh viên năm 3, ĐH Văn hóa) giành giải Nhì Sáng tác thơ “Những chuyến đi dài hơn cuộc đời” đã nhận được nhiều lời tán thưởng của ban giám khảo cũng cho rằng: “Với đề tài thiết thực, ý nghĩa như vậy, mình cảm nhận các bạn trẻ không hề sao nhãng hay quên đi tình yêu Tổ quốc mà thể hiện sự nhiệt huyết của tuổi trẻ qua cuộc trình diễn thơ một cách rõ ràng. Bản thân mình thấy hào hứng và vô cùng tự hào khi được sáng tác và trình diễn thơ thể hiện tình cảm với đất nước”.

Và ĐH Sư phạm 1 với tiết mục “Các cô gái Đài quan sát”, gắn liền với chiến thắng đánh bại chiến tranh B52 của Mỹ tại Hà Nội năm 1972. Những câu thơ: "Các cô gái có hẹn gì chúng tôi/ Đài quan sát hẹp và cao đến thế/ Ngày mấy bận bắn tàu bay Mĩ/ Có lúc nào để hẹn hò nhau” vang lên qua giọng đọc truyền cảm đã khiến người xem rưng rưng.

Sinh viên ĐH Sư phạm trình diễn bài thơ

Sinh viên ĐH Sư phạm trình diễn bài thơ Các cô gái Đài quan sát.

Nói về ý tưởng sáng tác bài thơ “Về quê”, Lê Hiệp bộc bạch, đó là tình cảm của một người con miền Trung đi học xa ngày đêm mong ngóng cha đi biển trở về, lo cho những đứa em thấp thỏm đợi cha, gia đình còn bao bộn bề khi mẹ mất, mình cha vật lộn với sóng biển để nuôi con.

“Mình viết bằng cảm xúc thật và viết bằng những gì mình nghĩ về miền Trung mảnh đất nhọc nhằn nắng gió dọc dài cát trắng quanh năm chịu bao nhiêu những vất vả của mưa bão của thiên tai.

Mình không phải một người miền Trung nhưng đồng cảm cùng họ để thương về một miền quê nghèo – khúc ruột của đất nước đang cùng những người lính đảo ngày đêm cạnh giữ mảnh đất xa xôi ”, Hiệp chia sẻ.

Đánh giá chung về chủ đề của cuộc thi thơ, PGS. TS Văn Giá – Trưởng khoa Viết văn- Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng, chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc” rất hay, đã kéo và nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức của tuổi trẻ, vào vấn đề biển đảo, chủ quyền dân tộc. Bên cạnh đó nhắc nhở những người làm thơ đừng có sa đà vào cái tôi cá nhân vụn vặt, tủn mủn mà phải có tình cảm lớn, sâu sa hơn về cộng đồng, Tổ quốc.

Nguyễn Thị Kim Nhung (thứ 2 từ trái sang) giành giải Nhì Sáng tác thơ tại Hội thơ 2013, chụp ảnh cùng TS Văn Giá.

Nguyễn Thị Kim Nhung (thứ 2 từ trái sang) giành giải Nhì Sáng tác thơ tại Hội thơ 2013, chụp ảnh cùng TS Văn Giá.

Năm nay có 8 trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Cảnh sát, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Đại Nam , ĐH Văn hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhạc viện Hà Nội tham gia. 

Những sinh viên tham gia sáng tác và trình diễn thơ năm nay mong muốn rằng sẽ có thêm nhiều cuộc thi hướng về tinh thần yêu nước, chủ quyền biển đảo như thế này nữa để người Việt trẻ có thể bày tỏ tiếng nói, tình cảm của mình đối với quê hương đất nước.

"Mặc dù đa phần sinh viên chưa có cái nhìn khái quát, sâu sắc nhất về tình yêu Tổ quốc mà bị lệ thuộc vào chủ đề đưa ra. Nhưng em mong muốn có càng nhiều bạn trẻ quan tâm hơn đến vấn đề biển đảo, chủ quyền dân tộc", Hiệp bày tỏ.

Còn Nhung mong muốn: “Có thêm nhiều bài thơ thể hiện tình yêu Tổ quốc trong thời kỳ hiện đại. Nên có nhiều cuộc thi như thế này để sinh viên như chúng em có “đất” để thể hiện tình yêu, sức sáng tạo thơ và là cơ hội các bạn trẻ thêm yêu Tổ quốc, nâng cao tinh thần yêu nước”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại