Bí quyết giỏi 5 ngoại ngữ của ông giáo “khùng” 82 tuổi

Kim Ngân |

14 tuổi, ông từng chép tay 1000 trang từ điển tiếng Pháp dưới ngọn đèn dầu hỏa suốt 4 tháng.

Cả làng gọi là “thầy”

Nghe câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Trà vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng thư khen vì hết lòng vì học sinh, chúng tôi đã tìm đến nhà gặp thầy.

Bà bán nước ở đầu đình làng Trung Tự (phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) vui vẻ đáp: “Thầy Trà dạy trẻ miễn phí chứ gì. Cô cứ đi vào ngõ, hỏi ai cũng biết cả”.

Quả đúng như vậy. Cả làng ai cũng biết nhà thầy. Căn nhà yên tĩnh đến lạ kỳ. Vừa mời tôi vào nhà, người thầy tóc đã bạc trắng vừa cười nói: “Người ta viết về tôi nhiều quá. Tôi có gì đâu!”.

Vận bộ quần áo giản dị, thầy chỉ cho tôi tập tài liệu trên bàn bằng chữ Hán và nói mình đang biên tập.

Đến tuổi này thầy giáo Trà vẫn cặm cụi làm việc.
Đến tuổi này thầy giáo Trà vẫn cặm cụi làm việc.

Điều khiến tôi rất thích thú khi nhìn quanh phòng làm việc của thầy Trà là những tủ sách kê sát tường.

Thấy tôi chăm chú nhìn vào những cuốn sách trên giá sách, người thầy giáo già vừa rót nước mời vừa chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ lời bố tôi nói: Ngoài vườn có hoa, trong nhà có sách là hạnh phúc nhất”.

Nói về việc được Chủ tịch nước tặng thư khen, không giấu nổi xúc động, thầy nghẹn ngào: “Tôi vui mừng vì mình làm được việc tốt, việc thiện.

Tôi hạnh phúc vì việc tôi làm giúp được nhiều em không có điều kiện đi học thoát khỏi mù chữ, có em đã có việc làm ổn định”. 

Nhiều người nói với tài năng và kinh nghiệm của mình, thầy có thể mở lớp luyện thi để “hốt tiền” nhưng thầy lắc đầu.

Với những gì thầy đã làm, chúng tôi có thể hiểu được tâm ý cao cả của thầy khi đã quyết định dạy học miễn phí cho những người gặp khó khăn.

Theo lời thầy, năm 1992 sau khi về hưu, thầy mở lớp dạy kèm trẻ em trong làng, lúc học ở đình Trung Tự, có khi học ở nhà. Ban đầu chỉ có một học sinh học.

Thầy giáo Trà đã đi gom những em nhỏ lang thang ở các bãi rác, xóm lao động nghèo về dạy chữ. Nhiều người khi nghe ông nhắn nhủ đưa con em đến học đã nói ông bị "khùng".

Nhắc đến chuyện này, ông cười và từ tốn nói: “Ở tuổi này, trí tuệ tôi không quên gì cả. Nếu tôi "điên" tôi đã không dạy được, “khùng” tôi không nói được gãy gọn.

Có lẽ họ nói đùa tôi "điên" vì tôi dạy học miễn phí cho các cháu nhỏ đấy. Nhưng thôi, họ nói gì thì nói. Tôi làm theo lương tâm nghề giáo.

Xưa bố tôi cũng là thầy giáo. Gia đình tôi ở đây gần 600 năm và trên 10 đời dạy học”.

Ông kể tiếp: "Sau đó, tôi dạy các cháu viết chữ ngoài sân đình, người dân đi qua khen viết chữ đẹp, dạy tốt…nên hôm sau mang con cháu đến gửi”.

Có những lúc lớp đông nhất là 20 em, mỗi trò một hoàn cảnh.

Thầy tâm sự rằng, lớp học của thầy là “ba không”: Không khai giảng, bế giảng ; không đồng lương, học phí và không giờ giấc.

“Duy nhất một thứ có đó là tình thương tôi dành cho các cháu”, thầy Trà nói.

Lớp học của thầy Trà ngoài đình Trung Tự.
Lớp học của thầy Trà ngoài đình Trung Tự.

22 năm gắn bó với những học trò mà chẳng đòi hỏi một chút lợi lộc, danh tiếng hay đồng lương, thầy Trà vẫn tận tụy yêu thương, dạy dỗ các thế hệ học trò nên người.

Không chỉ dạy Toán, Lý, Văn, thầy Trà còn kèm cho các học trò tiếng Anh, Pháp, Ý, Đức và Hán. Bí quyết của thầy chính là tự học, tự đọc.

Bí quyết thông thạo 5 ngoại ngữ

Khi tôi hỏi thầy bí quyết giỏi nhiều ngoại ngữ như vậy, thầy giáo hơn 80 tuổi này cười tươi: “Tôi nghĩ đó là cái gen từ bố tôi.

Cả nhà tôi từ anh chị em, con cái đến đứa cháu 5 tuổi đều có khiếu học ngoại ngữ”.

Nói rồi ông hát cho tôi một bài hát bằng tiếng Pháp với cảm xúc hứng khởi. Ông nói tiếp: “Tiếng Pháp khó học nhưng lại là một trong những ngôn ngữ trong sáng nhất”.

Thầy Trà cho tôi xem cuốn từ điển mà thầy từng chép lại khi 14 tuổi.
Thầy Trà cho tôi xem cuốn từ điển mà thầy từng chép lại khi 14 tuổi.

Qua lời ông, chúng tôi có thể cảm nhận được chính những bài hát bằng tiếng Pháp đã nuôi dưỡng và truyền gen năng khiếu học ngoại ngữ vào con người ông từ nhỏ.

Ông cụ dạy tiếng Pháp từ khi tôi bập bẹ biết nói, chập chững biết đi. Lúc 10 tuổi, tôi thường cùng ông đi dọc con phố Hà Nội.

Ông chỉ các tên phố bằng tiếng Pháp để tôi đọc theo. Về nhà, cụ kiểm tra lại đến khi tôi thuộc mới thôi”, thầy Trà kể lại.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1947, gia đình ông phải tản cư. Lúc đó chẳng có sách vở gì, may mắn lắm cả lớp mới có 1-2 cuốn.

Vì vậy, cậu học trò tên Trà lúc ấy 14 tuổi lóe ý tưởng chép lại 1000 trang từ điển mượn bạn để học tiếng Pháp theo cách của mình.

Tôi chép cuốn từ điển dưới ngọn đèn dầu hỏa suốt 4 tháng.

Tôi vừa chép vừa tự học và cũng muốn đền ơn bố mẹ nuôi tôi ăn học trong hoàn cảnh vô cùng gian nan”, thầy giáo già hồi tưởng.

Cuốn từ điển giá trị được chép bằng tay của thầy Trà.
Cuốn từ điển giá trị được chép bằng tay của thầy Trà.

Những trang từ điển với nét chữ đẹp nắn nót mặc dù đã cũ phai cùng màu thời gian nhưng nó đã sống cùng ông 75 năm nay. Mỗi lần ngắm, nâng niu nó, ông giáo già lại rưng rưng.

Ông nói, bí quyết học 5 ngoại ngữ của mình chính là từ tiếng Pháp rồi ông phát triển học ngôn ngữ khác.

Ông bảo: “Các từ trong các ngôn ngữ khá giống nhau, nếu bạn học được một ngoại ngữ thì không khó để học được những thứ tiếng khác.

Sở dĩ chúng tôi học được ngoại ngữ đó là bởi bố tôi rèn tiếng Việt cho các con rất kỹ. Ông cụ giải thích cặn kẽ nghĩa và học chắc tiếng Việt.

Những từ mới tiếng Pháp ngày nhỏ tôi dùng phấn viết khắp nhà, trên đồ dùng hay góc đặc biệt. Mỗi lần tôi viết, tôi nhớ luôn từ đó.

Sau này, tôi áp dụng những điều đó cho học sinh của tôi, đến nỗi khách đến nhà tôi chơi nói rằng: “Nhà thầy đầy chữ””.

Ở tuổi 82, thầy giáo già vẫn luôn cặm cụi trên bàn làm việc đọc sách, học ngoại ngữ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại