Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết ngày 06/01/2016, hai máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Về hành động này của Trung Quốc, ngày 07/01/2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố:
“Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp.
Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế".
Trước đó, ngày 6/1, truyền thông Trung Quốc tiếp tục đưa tin hai chuyến bay dân dụng của nước này đã bay thử nghiệm và đáp trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hãng tin Tân Hoa xã còn khẳng định các chuyến bay thử nghiệm thành công này đã chứng minh sân bay mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Đá Chữ Thập “đủ khả năng đảm bảo an toàn cho hoạt động của máy bay dân dụng cỡ lớn”.
Hãng tin này còn cho biết sân bay trên dùng để vận chuyển hàng tiếp tế, con người và viện trợ y tế. Song, không cho biết chi tiết loại máy bay nào đã đáp xuống Đá Chữ Thập.
Đường băng sân bay trên Đá Chữ Thập dài khoảng 3km và là một trong ba đường băng lớn mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa trong hơn một năm qua.
Những đường băng này đủ dài để các máy bay ném bom, máy bay vận tải cỡ lớn cũng như những loại máy bay chiến đấu khác của Trung Quốc đáp xuống.
Bắc Kinh muốn dùng những đường băng này để phục vụ tham vọng bành trướng đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông và sự hiện diện quân sự ở khu vực Đông Nam Á.