Chưa mặn mà
Căn nhà bị cháy rụi do chập điện và làm một người thân bị thương khiến ông Nguyễn Văn Bảo, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khổ càng thêm khó.
Sau đó, biết được có loại bảo hiểm tai nạn người sử dụng điện qua một người bạn ở TPHCM, ông đã tham gia.
“Mức phí 28.000 đồng/năm, không quá nhiều nhưng nếu không may sự cố xảy ra khoản đóng góp này mang lại quyền lợi rất thiết thực”- ông Bảo nói. Một lần sửa chữa cầu dao điện, do bất cẩn ông bị điện giật bật xuống đất, gãy tay. Nhanh chóng sau đó, ông được bảo hiểm chi trả 10 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, chủ căn hộ ở khu Tân Quy Đông, quận 7 cho biết, đã mua bảo hiểm tự nguyện về bảo vệ tài sản căn nhà từ 3 năm nay mức phí 100 nghìn.
Theo chị Vân, mua bảo hiểm là đề phòng rủi ro. Nỗi đau vụ nổ nhà xảy ra vào ngày 24-2 làm 11 người tử vong ở hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 vẫn chưa nguôi ngoai.
Ông Trần Tam Phúc - Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm AAA Phúc cho biết, nếu hộ gia đình này có tham gia bảo hiểm sinh mạng/thương tật do cháy nổ, công ty bảo hiểm sẽ chi trả đến hết hạn mức cao nhất mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
“Ví dụ hợp đồng bảo hiểm quy định bồi thường 100 triệu đồng trong trường hợp tử vong do tai nạn thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường đến 100 triệu nếu người tham gia chết do tai nạn”- ông Phúc nói. Tuy nhiên theo ông, “do lợi ích khi tham gia bảo hiểm không nhìn thấy được tức thì nên nhiều người dân vẫn không mặn mà”.
Người dân tham gia cứu hỏa khi một ngôi nhà bị cháy ở quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: L.N.
Vì chi phí cao?
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy hiện mới chỉ có 20% đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm tham gia theo quy định, số còn lại vẫn chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này.
Theo ước tính cả nước có khoảng 40 nghìn cơ sở có nguy cơ cháy nổ thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhưng thực tế chỉ có hơn 13 nghìn cơ sở tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, không dễ muốn tham gia là được. Đại diện doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ở quận Thủ Đức-TPHCM cho biết hai năm nay vẫn chưa mua được bảo hiểm cháy nổ theo quy định do đơn vị không đạt tiêu chuẩn để được cấp giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy.
“Đây là tiêu chí phải đạt mới đủ điều kiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện việc này” - đại diện doanh nghiệp này nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Bảo An, Giám đốc Công ty G.D, chuyên về gia công may thêu ở huyện Hóc Môn, TPHCM nói do chi phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc quá cao nên vẫn chưa mua được bảo hiểm cháy nổ.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 28-2, ông Phạm Trường Khánh- Giám đốc tiếp thị Bảo hiểm Liberty cho biết người dân chưa mấy mặn mà với bảo hiểm cháy nổ ở lĩnh vực nhà ở thuộc cá nhân.
“Dù mức phí bảo hiểm cháy nổ nhà cá nhân chỉ 1-2 triệu đồng/năm mà bảo vệ tài sản toàn diện khi rủi ro xảy ra nhưng cũng ít người tham gia” - ông Khánh nói.
Ông Trần Tam Phúc cho rằng, người dân vẫn còn nặng tâm lý may rủi nên chưa quan tâm đến các biện pháp bảo vệ tài sản và bảo vệ chính mình.
“Với căn hộ có diện tích xây dựng khoảng 100m2, phí bảo hiểm khoảng 1 triệu đồng/năm, tương đương 80 ngàn đồng/tháng. Nếu không may sự cố xảy ra họ sẽ có được một căn nhà khác. Tuy nhiên, rất ít người dân tham gia” - ông Phúc nói.