Vụ nổ ở TP.HCM: Một số lượng lớn súng đạn, thuốc nổ được tìm thấy

Thiên Dũng |

(Soha.vn) - Ngày 26/2, cơ quan điều tra đã có kết luận sơ bộ trong ngày đầu tiên khám nghiệm hiện trường vụ nổ gây sập nhà tại nhà ông Lê Minh Phương(sn 1955, giám đốc hang phim Lạc Việt) ở địa chỉ 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3-TP.HCM. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng tìm thấy được khá nhiều súng đạn.

Thu giữ số lượng lớn súng đạn, thuốc nổ

Tại hiện trường, cơ quan chức năng tìm thấy 3 nòng súng R15, Carbine, 20 hộp đạn mã tử (mỗi hộp 20 viên), 50 viên đạn mã tử R15, 9 viên đạn mã tử AK, 30 viên đạn Carbine, 62 viên đạn K54, 8 viên đạn súng Grand, 412 vỏ đạn K54 và AK đã lấy hết thuốc súng, 14 hộp tiếp đạn AK, R12,K54, trung liên và Carbine. 

Ngoài ra, ở khu vực nhà bếp, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 6 hộp đạn Rulô, mỗi hộp 50 viên, 1 thùng đạn đại liên trong đó có chứa kíp nổ, dây cháy chậm và 16 súng nhựa, lựu đạn nhựa. Được biết, số lượng thuốc nổ, súng đạn này được cất giấu dưới chân cầu thang gần khu vực nhà bếp, nơi xảy ra vụ nổ.

Theo cơ quan điều tra, 3 thùng đạn mã tử và hàng chục gói giấy hình tròn có chứa chất nổ gắn dây điện thò ra ngoài như kíp nổ thu tại hiện trường cùng 16 thùng chứa chất nổ, dây cháy chậm, nụ xòe… thu tại Công ty Lạc Việt (đường Hoàng Sa, gần nơi xảy ra vụ nổ) đang được giám định.

Vụ nổ ở TP.HCM: Một số lượng lớn súng đạn, thuốc nổ được tìm thấy

Hiện trường vụ nổ sập nhà khiến 11 nạn nhân tử vong

Công tác kiểm soát vật liệu nổ còn buông lỏng?

Theo luật sư Nguyễn Thành Công và luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TPHCM), pháp luật Việt Nam hiện nay có ban hành các văn bản quy định rất rõ về quản lý, sử dụng vật liệu nổ. Việc sản xuất, buôn bán, sử dụng các vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Tuy vậy, trên thực tế, công tác quản lý các chất cháy nổ rất kém. Nhiều địa phương không thường xuyên kiểm tra việc mua bán, sử dụng, công tác bảo đảm an toàn... tại các cơ sở có chứa các chất cháy nổ. Từ đó, tạo ra tình trạng lưu hành các chất cháy nổ, sử dụng không đúng, không bảo đảm an toàn trong xã hội, đe dọa đời sống người dân.

Vụ cháy nổ khiến 11 người chết và nhiều người bị thương tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3-TP.HCM đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn cháy nổ, cho thấy các cơ quan chức năng chưa thật sự quản lý chặt chẽ đối với những cá nhân, tổ chức làm nghề dàn dựng, đạo cụ phim trường điện ảnh.

Không cấp phép sử dụng vật liệu nổ cho các hãng phim

Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.HCM (PC64) cho biết:

Công ty TNHH sản xuất phim Lạc Việt (tên cũ là Công ty TNHH Tháp Đôi Phim) đăng ký địa chỉ tại số 62/135/45B Lý Chính Thắng (phường 8, quận 3), đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2006 và đã thay đổi đăng ký kinh doanh chín lần. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là hoạt động bổ trợ cho công nghiệp phim ảnh và video; hoạt động kinh doanh bổ trợ cho sản xuất phim và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: tạo hiệu ứng khói lửa cho phim và biểu diễn…

Ở lần thay đổi thứ tư vào năm 2007, ông Phương là người đại diện theo pháp luật. Trong số chức năng hoạt động, có “mua bán, sửa chữa, tân trang súng săn, súng hơi; sản xuất súng đạn, súng săn, đạn súng hơi”. 

Vụ nổ ở TP.HCM: Một số lượng lớn súng đạn, thuốc nổ được tìm thấy
Vụ nổ ở TP.HCM: Một số lượng lớn súng đạn, thuốc nổ được tìm thấy

Giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty ông Lạc Việt. (Ảnh: Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh)

Ngoài ra, ông Phương còn tham gia thành lập hai công ty: Công ty CP Truyền thông Lạc Việt (trụ sở quận 12) và Công ty CP Công nghệ giải trí Lạc Việt (tại xã An Phú, Củ Chi) do vợ ông Phương đứng tên.

Đến nay các công ty trên đều còn hoạt động nhưng không có công ty nào đăng ký hoạt động kinh doanh tại nơi xảy ra vụ nổ (384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3).

Đại tá Dung cho biết theo quy định của Bộ Công an thì hoạt động của Công ty TNHH Sản xuất phim Lạc Việt không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Đồng thời, tuy đăng ký hoạt động “tạo hiệu ứng khói lửa cho phim…” nhưng không có nghĩa công ty này được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng vật liệu nổ để tạo hiệu ứng khói lửa.

Vị Đại tá khẳng định, các loại vũ khí quân dụng, vật liệu nổ quân dụng chỉ được cấp, sử dụng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Với vật liệu nổ công nghiệp, chỉ có doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (thuộc Bộ Quốc phòng) mới được sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. 

Ngoài ra, doanh nghiệp khác có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (như khai thác đá…) thì phải được cấp giấy phép đủ điều kiện về an ninh trật tự do Bộ Công an cấp. Ngoài ra, muốn nổ mìn phải có giấy phép được phép nổ mìn do Sở Công Thương tại địa phương tiến hành nổ mìn cấp. Bên cạnh đó, khi vận chuyển vật liệu nổ phải có giấy phép của Bộ Công an. Ngoài ra việc lưu trữ, cất giữ vật liệu nổ thì cũng phải theo đúng quy chuẩn về kho bãi, khoảng cách với khu dân cư…

Ông Dung khẳng định: “Không có công ty, hãng phim nào trên địa bàn TP được cấp phép sử dụng vật liệu nổ để tạo hiệu ứng khói lửa. Để tạo hiệu ứng khói lửa cho phim mà phải sử dụng đến vật liệu nổ thì hãng phim, công ty sản xuất phim trong nước chỉ có thể hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) thực hiện".

Căn cứ vào các quy định của pháp luật đã nêu, Công ty Lạc Việt của gia đình ông Lê Minh Phương là công ty tư nhân nên không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và sử dụng VLNCN, nếu không được phép có nghĩa vi phạm pháp luật theo Pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ loại vật liệu gì gây nổ (vật liệu nổ quân dụng hay hóa chất vì ông Phương biết quy trình tạo hiệu ứng nổ bằng hóa chất - PV), nguyên nhân nào dẫn đến phát nổ... 

Còn về trách nhiệm, theo đại tá Dung, tất nhiên địa phương nào để xảy ra tình trạng tàng trữ và xảy ra tai nạn liên quan đến VLNCN thì nơi đó chịu trách nhiệm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại