Bác sỹ quỳ gối, thổi ngạt liên tục 40 phút cứu sống bé 10 tuổi

Kim Ngân |

“Đứa trẻ tím ngắt nằm trên giường, tôi vội vàng quỳ xuống móc đờm dãi, hút và nhổ ra bên ngoài sau đó ép tim, thổi ngạt liên tục 40 phút đồng hồ”, bác sỹ Đỗ Tất Cường kể lại.

Đó là một trong vô vàn câu chuyện GS.TS.Thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường (nguyên Phó GĐ Bệnh viện 103) trải qua trong những năm tháng gắn bó, cống hiến cho ngành y tế.

Đối với ông, sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc không phải ai cũng biết, cũng hiểu. Họ gặp vô vàn khó khăn, đối mặt với sự lây nhiễm, với cái chết nhưng không hề tính toán, đắn đo.

Bởi trách nhiệm đè lên đôi vai của họ quá lớn – liên quan đến mạng sống, sức khỏe con người.

Bệnh nhân xin phép gọi bằng “ba”

Kỷ niệm ấn tượng nhất trong ông khi cứu sống đứa trẻ 10 tuổi đột ngột lên cơn nhược cơ nặng gây liệt cơ hô hấp và tăng tiết đờm dãi.

Theo ông, tình huống nguy kịch đó nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây tử vong.

“Lúc đó là 6 giờ 30 phút sáng, tôi chuẩn bị dắt xe đi làm, điện thoại tôi đổ chuông, đầu dây bên kia nói giọng bối rối lo lắng gần như sắp khóc: Anh ơi, con nhà em khó thở.

Tôi lập tức phóng xe lên nhà anh bạn này, lúc đến tôi thấy đứa trẻ đầy đờm dãi, mặt tím ngắt nằm trên giường, bố mẹ đang vỗ lưng, xung quanh là áo, khăn, nước tiểu và phân của đứa trẻ.

Tôi vội quỳ xuống móc đờm dãi, hút, nhổ ra ngoài sau đó một tay ép tim, thổi ngạt liên tục trong 40 phút đồng hồ.

Sau khi cứu sống đứa trẻ, lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm lau mặt dính đầy đờm dãi. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác ấy. Trong bài thơ cô bé tặng trước khi ra viện với câu kết: “Con xin phép bố mẹ được gọi bác bằng ba”.

Hiện nay, cháu đó đã hoàn thành xong bằng thạc sỹ bên Mỹ và vẫn nhớ như in câu chuyện năm đó”, , GS.TS Đỗ Tất Cường kể lại.

Nguyên Phó GĐ Bệnh viện 103, GS.TS Đỗ Tất Cường.

Nguyên Phó GĐ Bệnh viện 103, GS.TS Đỗ Tất Cường.

Hay có lần, nửa đêm ông chạy xe vội sau khi nhận được cuộc điện thoại cấp cứu của một cán bộ cấp cao bị ho ra máu. Đó là năm 2010 khi ông đang là Phó Giám đốc Bệnh viện 103.

Lập tức vào viện lúc 2 giờ 30 phút sáng, ông cùng đồng nghiệp dốc toàn bộ sức lực cứu chữa.

Đến sáng hôm sau, với nguyện vọng được làm tròn trọng trách của người cha, vị lãnh đạo có mong muốn đến dự đám cưới con trai đầu.

Là bác sỹ, ông hiểu hơn ai hết bệnh tình nghiêm trọng của vị lãnh đạo - người bạn thân thiết. Vì vậy, đây thực sự là việc rất khó khăn nếu đáp ứng nguyện vọng của bệnh nhân. 

Cuối cùng, GS.TS Đỗ Tất Cường cùng ekip phải trang bị thiết bị cấp cứu, bình oxy trong xe đề phòng trường hợp khẩn di chuyển 11 cây số từ bệnh viện đến phòng cưới.

“Vị lãnh đạo này chỉ kịp đứng phát biểu đám cưới con trai vài phút ngắn ngủi rồi lập tức được chuyển ra xe để quay trở lại bệnh viện.

Mấy ngày sau, anh ấy yên lòng và vĩnh viễn ra đi. Tôi cảm thấy an lòng vì đã thực hiện tâm nguyện cuối cùng của anh ấy”, GS.TS Đỗ Tất Cường nhớ lại.

Chính vì điều ấy, đối với ông người thầy thuốc tâm huyết phải có đủ 6 chữ “H” viết tắt của các từ trong tiếng Anh: Head, Hand, Heart, Health, Hard, Harmonica.

Nghĩa là, người thầy thuốc cần cái đầu, đôi tay giỏi, cái tâm, có sức khỏe, chịu được gian khó, áp lực thời gian và tinh thần làm việc đồng đội, nhóm.

Ông kể cho tôi nghe câu chuyện năm 2010 khi đang tập huấn ở Thanh Hóa. Lúc ấy ông nhận lệnh lập tức đi Kon Tum cấp cứu một trường hợp nguy cấp.

Vì vậy, ngay trong đêm thứ 6, ông lên xe khách trở về Hà Nội để kịp 7 giờ sáng hôm sau có mặt ở sân bay Nội Bài vào Đà Nẵng.

Thời gian gấp gáp, ông chẳng kịp ăn uống, ngủ nghỉ, mấy trăm cây số trên xe ô tô chẳng khiến ông mệt mỏi.

Chiếc bánh chưng lạnh ngắt đêm giao thừa trong viện

Sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc đôi khi là thức thâu đêm, là bỏ cuộc hẹn quan trọng với gia đình, quên cả ăn tối, nghỉ ngơi…thậm chí là đón giao thừa trong phòng mổ. 

Đó là một đêm 30 Tết, khi thầy Cường và một học trò phải ở viện cấp cứu cho một bệnh nhân bị chấn thương rất nặng.

GS.TS Đỗ Tất Cường và bệnh nhân bị cánh cửa nhà máy thủy điên nghiến nát toàn bộ chân trái đến cảm ơn trước khi ra viện.
GS.TS Đỗ Tất Cường và bệnh nhân bị cánh cửa nhà máy thủy điên nghiến nát toàn bộ chân trái đến cảm ơn trước khi ra viện.

“Bệnh nhân vừa qua cơn nguy kịch, đúng lúc ấy hai thầy trò tôi nghe tiếng đốt pháo râm ran. Cậu học trò nói với tôi: “Ôi thầy ơi, giao thừa”.

“Đã hết 1 năm và chúng ta đã sang một ngày mới. Và cảm giác hạnh phúc cứu sống một con người ngập tràn trong khoảnh khắc giao thừa ấy”, ông nhớ lại.

Sau ca mổ, cậu học trò này nói: “Thầy ơi, từ năm ngoái đến năm nay thầy trò mình chưa được ăn” và xin phép về khu nhà nội trú lấy hai khoanh giò, chiếc bánh chưng để đón giao thừa cùng ông.

“Chiếc bánh chưng, khoanh giò lạnh ngắt vì để trong tủ lạnh nhưng chúng tôi cảm thấy ăn ngon lắm. Có lẽ cái ngon không chỉ là vị giác mà ở tinh thần”, Thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường nghẹn ngào kể lại.

Rồi có những câu chuyện hy hữu, mạng sống bệnh nhân giống như “ngàn cân treo sợi tóc”. Đó là trường hợp ông cứu sống bệnh nhân sau khi ghép thận xong.

Bệnh nhân khó thở, cơ thể tăng 8 kg nước, quả thận bị vỡ đôi, trắng hếu, mạch không đập trong quá trình ghép thận…

GS.TS Đỗ Tất Cường (SN 1950) là chuyên gia hàng đầu về Hồi sức cấp cứu, ghép tạng (thận, gan, tim) ở Việt Nam.

Tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội năm 1973, ông làm việc tại Trường ĐH Quân Y (nay là Học viện Quân Y).

Tính từ năm 1992 sau ca ghép thận đầu tiên, ông đã tham gia ghép hơn 100 ca ghép tạng ở Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại