Bài 1: Người có tên độc nhất vô nhị ở Việt Nam: Lê Tắt Nến
Bài 2: Đi tìm cô gái "nổi tiếng" vì tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên
Bài 3: Ba chị em có tên quá "độc", chính quyền phải triệu tập để... sửa
Bài 4: "Tụi tao đặt tên con là Giang Gun cho giống diễn viên Hàn Quốc"
Cái tên "hung dữ nhất Việt Nam"
Sinh năm 1917, theo tuổi ta, năm nay đã 98 tuổi nhưng khi được hỏi về cái tên được mệnh danh "hung dữ nhất Việt Nam", cụ bà Nguyễn Thị Sói không hề mặc cảm mà trái lại rất trân trọng, vui vẻ.
Tìm vào ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại thôn Chung (An Vĩ, Khoái Châu, Hưng Yên). Chị Hương (con dâu út của cụ Sói) chạy ra đón tiếp chúng tôi.
Khi chúng tôi cất tiếng hỏi: "Đây có phải nhà cụ Sói không ạ?", người phụ nữ này mỉm cười thật tươi và vồn vã chảo hỏi, mời vào nhà.
Bước ra từ căn buồng nhỏ phía trước nhà, một bà cụ với mái tóc đã trắng, người nhỏ thó cười tươi chào hỏi chúng tôi: "Vâng tôi là Sói đây, các anh hỏi tôi có việc gì vậy".
Sau khi nghe chúng tôi giới thiệu, cụ Sói bước đi thật nhanh và mời chúng tôi vào nhà trên ngồi chơi, uống nước. Câu chuyện của cụ và những người xa lạ bỗng trở nên thân thiết hơn rất nhiều.
Dù đã gần trăm tuổi nhưng cụ Sói vẫn rất minh mẫn, những lời nói sang sảng, kể lại mọi chuyện từ thời còn nhỏ đến nay đâu ra đấy.
Cụ Nguyễn Thị Sói năm nay đã ở cái tuổi 98.
Cụ Sói chia sẻ: "Do trước đây, trẻ con sinh ra thường khó nuôi nên các cụ thường đặt cho những cái tên xấu để tránh cho ma quỷ nó bắt đi.
Tên của tôi ở đây thì cũng có thể hiểu theo hai nghĩa là một loài động vật rất hung dữ nhưng rất mạnh khỏe, uy lực trong tự nhiên.
Nhưng cũng có thể hiểu tên tôi là một loài hoa rất đẹp, không có cánh, màu vàng xanh, thường được dùng ướp chè trước đây".
Cụ Sói cũng cho biết thêm, ngoài cụ có tên là Sói còn lại 3 anh em kia đều mang tên bình thường là Mỹ, Hào, Phó.
"Ở địa phương này cũng có nhiều người được đặt các tên xấu hoặc theo các con vật như Cò, Vạc, Tuất, Xin... Vì vậy, cái tên của tôi cũng không sao cả đâu", cụ Sói nói.
Ngồi yên lặng giã xong miếng trầu, đưa lên miệng nhai, cụ Sói nói tiếp: "Chưa bao giờ có ai ở trong, ngoài làng chê hay nói gì về tên của tôi cả.
Mọi người gặp tôi đều rất vui vẻ. Trước đây, khi tôi còn làm bánh đi chợ bán thì cứ thấy hàng của tôi, mọi người ra mua rất đông.
Tôi lên chùa, các bà, các bác, các cháu thấy tôi thường chào hỏi rất lễ phép, sư thầy cũng lấy ghế, nước mời tôi.
Cả làng này, ai biết cũng đều quý tôi chứ không có ai nói ra nói vào gì về cái tên của tôi cả.
Trong nhà thì các con cháu, chắt của tôi dù hoàn cảnh gia đình cũng không phải khá giả nhưng vẫn rất yêu kính tôi. Có gì ngon chúng vẫn biếu, để dành cho tôi".
Nhấp thêm ngụm nước trà, miệng móm mém nhai miếng trầu, cụ Sói nhắc lại: "Trước đây, cũng có người ví von tên tôi như loài động vật hung ác nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi.
Sau này khi nhìn lại mọi chuyện, người ta lại xin lỗi rồi hiểu tôi hơn. Rồi có đôi khi đi đâu đó, người ta đọc, mời bà Sói lên thì cũng có người ở dưới che miệng cười.
Nhưng cái này nó đã in sâu, gắn bó với tôi và mọi người rồi. Cha mẹ sinh tôi ra và đặt tên cho tôi như vậy thì dù thế nào tôi cũng luôn trân trọng.
Giờ nếu có bảo tôi là đổi tên hay không thì tôi vẫn giữ nguyên tên này, bởi tôi là Nguyễn Thị Sói mà".
Gần trăm tuổi vẫn tự làm mọi việc
Sinh ra trong gia đình nghèo nên ngay từ khi mới lên 3 tuổi, cụ Sói đã được bố mẹ cho đi ở đợ để chăn trâu ở một nhà giàu có trong làng.
"Lúc đấy mới 3 tuổi thì có biết gì đâu, dắt trâu đi chăn nhưng thực chất là trâu nó dắt mình chứ bé như thế sao mà chăn được.
Chăn trâu xong, về nhà chủ, họ cho ăn cơm, ăn khoai thế nào thì biết cầm như thế là ăn chứ đâu có biết xin thêm gì đâu", cụ Sói kể.
Đến khi bố mất, cụ Sói mới thoát được cảnh ở đợ, trở về nhà lại tiếp tục phụ mẹ chăm các em khôn lớn. Rồi lại thay mẹ dựng vợ, gả chồng cho các em.
"18 tuổi, tôi lấy chồng nhưng nhà chồng cũng chẳng khá hơn, lại do chiến tranh, loạn lạc nên cái nghèo khó vẫn cứ đeo bám.
Sau này, khi các con lớn lên, trưởng thành nhưng do hoàn cảnh gia đình từ trước đó nên cũng chẳng có đứa nào khá giả hẳn, cứ bình bình, vất vả...", cụ Sói bày tỏ.
Giờ đây, dù đã gần trăm tuổi nhưng như cụ Sói chia sẻ "nhờ trời thương" mà sức khỏe, tinh thần của cụ vẫn rất tốt.
"Cả đời tôi sống chỉ quanh quẩn trong làng, trong xã, đi xa nhất cũng chỉ lên đến Hà Nội cách nhà mấy chục km rồi về.
Tôi chẳng mấy khi ốm đau, bệnh tật gì cả ngoài việc đau xương, cốt do tuổi già. Mọi người hỏi tôi có bí kíp gì giữ sức khỏe như vậy không nhưng thực tế chẳng có gì.
Các loại thuốc bổ nói thật là hoàn cảnh gia đình tôi cũng không có điều kiện để dùng mà tôi cũng chẳng ưa uống chúng.
Tôi chỉ duy trì đều đặn làm các công việc hàng ngày trong gia đình cùng con cháu. Tối 10 - 11 giờ lên giường đi ngủ, sáng cứ tầm gà gáy 5 giờ là bắt đầu thức giấc.
Ra khỏi giường, làm các vệ sinh cá nhân xong thì tôi dọn dẹp nhà cửa, nhiều hôm làm cả ngày cũng chả thấy hết việc. Cứ việc này nối việc kia.
Chính cái làm việc này giúp cho tôi khuây khỏa, không còn phải lo nghĩ gì và tối ngủ đỡ bị thức giấc hơn", cụ Sói tâm sự.
Ngoài ra, theo cụ Sói, cụ giữ nề nếp ăn uống rất đơn giản và đều đặn một ngày ăn ba bữa, mỗi bữa một bát cơm cùng những thức ăn bình thường nhất.
"Nói chung, nhiều khi mọi người cũng nói vui chắc cũng là do bố mẹ tôi đặt cho cái tên là Sói với mong muốn mạnh khỏe nên giờ nó ứng nghiệm được thành như vậy.
Giờ, ở cái tuổi này cũng là một sự may mắn của tôi nên chẳng có mong muốn gì hơn là chỉ mong sao các bạn bệnh tật không ghé thăm để con cháu đỡ vất vả với mình mà thôi", cụ Sói nhấn mạnh.