Theo thông tin được đăng tải trên tờ Vietnamnet năm 2012, tại huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), hầu hết phụ huynh người Ca Dong ở các bản làng vùng cao đặt tên con theo tên các diễn viên do mê phim Hàn Quốc. Đó là những cái tên như: Đinh Ka Ki Wel, Đinh Un Giun Zờ...
Báo giới trong nước cũng lý giải xung quanh chuyện đặt tên của người Ca Dong. Theo đó, đa phần, những gia đình nghèo khó, vì không có tiền mua điện thoại nên đã đặt tên con theo hãng điện thoại như trên. Một số gia đình đã sắm được tivi thì đặt tên con theo diễn viên Hàn Quốc hay cầu thủ nổi tiếng.
Tình trạng đặt tên con theo phim Hàn Quốc cũng từng xảy ra với đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Tờ Sài Gòn Tiếp Thị trong một bài viết năm 2009 đưa tin, khi cán bộ tư pháp xã A Tiêng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) lật sổ hộ tịch thì một danh sách dài dằng dặc những cái tên “nửa Cơ Tu, nửa Hàn Quốc xuất hiện. Chẳng hạn như: Pơloong San Diu (SN 2008), ALăng Na Ra (SN2008), Briu Thị Hy Su (SN 2009), Blup Thị Na Su (SN 2008)... Ngoài ra, cả ba đứa con của anh Pơloong Huân (văn thư xã A Tiêng) đều được đặt theo tên ba chị em trong bộ phim “Mối tình đầu” của Hàn Quốc. Đứa con gái đầu tên là Pơloong Thị San Ốc, tiếp theo là bé gái Pơloong San Ân và bé trai Pơloong Thị San U.
Tháng 8/2014, anh Pơloong Huân, bố của San Ốc và San U, chia sẻ trên Báo Quảng Nam, vì mê phim Hàn Quốc nên khi có con, anh đã đặt tên như vậy cho con. Hiện tại, em Pơloong Thị San Ốc 14 tuổi, Pơloong Thị San U vừa tròn 12 tuổi, hai chị em còn có một em trai là Pơloong Han Sin đang học lớp 5. Theo các em, việc ba mẹ đặt tên con như Hàn Quốc cũng nhiều người trêu chọc, nhưng các em không ngại ngần mà cố gắng học tập tốt.
Hai chị gái giúp em trai Pơloong Han Sin học bài. Ảnh: Bhơriu Quân/ Báo Quảng Nam)
Cũng ở xã A Tiêng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), gia đình Bling Nghiệp (trưởng trạm y tế xã A Tiêng) đặt tên con trai là Giang Gun để giống chàng diễn viên Jang Gun của Hàn Quốc. "Lúc đầu chồng tao định đặt tên cho nó là Linh. Nhưng thấy tên đó quá bình thường, nhiều đứa đặt rồi. Thế là tụi tao quyết định đặt tên con là Giang Gun, cho giống diễn viên Jang Gun đẹp trai trong phim Hàn Quốc mà vợ chồng tao rất thích”, người vợ của Nghiệp giải thích trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị.
Anh Hôih Thủy, cán bộ Tư pháp xã A Ting (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ trên báo Quảng Nam hồi tháng 2/2014, khi tiếp cận các phương tiện truyền thông, loại hình nghệ thuật từ nước ngoài, người dân bản địa thích đặt tên cho con mình theo tên nhân vật chính trong các bộ phim truyền hình, như Bnước Thị Chu In, Pơ Long Thị Kim Su, Clâu Thị Su In, A Ting Victory, Brâu Thị Vi Va.... Thêm nữa, họ còn chọn các hãng điện tử như Nokia, Sam Sung, Sony; các thương hiệu xe Toyota hay Yamaha, Suzuki để đặt tên cho con. Bước vào tuổi đi học, các em mang tên nước ngoài đã gặp nhiều khó khăn. Đầu năm học mới, khi cô giáo đọc những tên nước ngoài, bạn trong lớp không thể nhịn cười, chế nhạo, tạo tâm lý mặc cảm cho các em. Trên địa bàn xã A Ting, năm 2013 có hàng chục trẻ em được cấp khai sinh với tên nước ngoài. Tại ngôi trường Tiểu học A Ting, số học sinh mang họ Cơ Tu, tên nước ngoài chiếm số lượng khá lớn.
(Tổng hợp)