Chúng tôi đến Ma Thiên Lãnh (vùng tiếp giáp giữa núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo, thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) để tìm hiểu thực hư về vấn đề này. Gửi xe ở quán nước trước khu du lịch sinh thái Ma Thiên Lãnh, hỏi thăm ông chủ quán về dấu chân, ông chỉ: “Cứ đi theo con đường đá sắp, tới nơi có tảng đá màu trắng, nhìn phía bên trái là thấy liền”.
Theo con đường đá sắp, chúng tôi gặp một nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Hoà Thành) cũng đang đi tìm kiếm dấu chân. Một bạn nam trong nhóm này cho biết: “Nghe dì của em kể về dấu chân này. Em tò mò muốn xem thử, nhưng tìm nãy giờ vẫn chưa thấy”.
Đang loay hoay, chúng tôi gặp được người thanh niên tên Đô, trạc 30 tuổi, đang nằm võng giữ vườn xoài. Hỏi thăm, anh dẫn chúng tôi đến tảng đá màu trắng và chỉ cho xem dấu chân. Tuy nhiên, khi xem thật kỹ, chúng tôi thấy chỗ được gọi là dấu chân chỉ là chỗ lớp đá trên mặt bị tróc (cũng có thể do có người cố tình dùng đục tạo nên) có hình thù giống như dấu chân nhỏ.
Anh Đô kể: “Trước đây, khi mới xuất hiện, dấu chân lớn lắm, có đủ các ngón, nhưng từ từ bị nhỏ lại, mờ dần. Vì vậy, bây giờ không còn thấy ngón chân nào nữa, dấu chân cũng chỉ còn nhỏ xíu như dấu chân trẻ em”. Anh Đô cho biết thêm, phần đất này của một phụ nữ có biệt danh là “bà Sáu đau tim”, ngụ xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh.
Trước đây, bà Sáu cất một cái chòi nhỏ ở gần tảng đá này và có đặt một lư hương, hằng ngày ra đó thắp nhang, cúng vái. Không rõ đồn đại thế nào mà sau đó có nhiều người đến đó cúng viếng. Mấy tháng nay, bà Sáu cho người khác thuê lại phần đất vườn này, rồi dỡ chòi đi đâu không biết.
Trao đổi với chúng tôi về “dấu chân thần”, anh Nguyễn Chí Thái- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết: “Nghe tin đồn, tôi đã chỉ đạo lực lượng Công an xã kiểm tra. Thực chất chỗ được gọi là dấu chân ở Ma Thiên Lãnh chỉ là do miếng đá bể ra, vô tình có hình thù giống dấu chân người. Sắp tới, UBND xã sẽ chỉ đạo anh em đem xi măng lấp lại, không để bà con tin chuyện hoang đường đến đây thờ cúng nữa”.
Như vậy, chuyện “dấu chân thần” ở Ma Thiên Lãnh chỉ là sự tạo hình ngẫu nhiên của đá trong quá trình bào mòn hoặc nứt bể, chứ không phải do thần thánh nào đi ngang như tin đồn nhảm.