“Ba tôi chỉ là người phục vụ trên tàu, sao họ nỡ bắn chết?”

Bảo Ngọc |

“Ba tôi sức khỏe yếu nên bác Cu cho đi theo tàu để nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh chứ không lặn bắt hải sản. Sao mà họ nỡ bắn chết ba tôi?"

Đó là những tâm sự nghẹn ngào của anh Trương Đình Huynh (SN 1992), con trai cả của ngư dân Trương Đình Bảy (SN 1970) bị tàu lạ bắn chết.

Trước đó, ngư dân Bảy cùng các thuyền viên trên tàu QNG 95861TS của ông Bùi Văn Cu (cùng ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị một tàu lạ áp sát tấn công.

Qua bộ Icom liên lạc, thuyền trưởng Cu cho hay, nhóm người được trang bị súng AK khi lên tàu đã xả súng liên tục khiến ông Bảy dính đạn và tử vong. Tàu QNg 95861 TS hiện đang trên đường trở về đất liền.

Nỗi đau quá lớn ập xuống căn nhà nhỏ

Ngôi nhà nhỏ của ngư dân Trương Đình Bảy ở thôn An Hải (xã Bình Châu), hai ngày qua chìm trong tang tóc.

Trưa ngày 30-11, chúng tôi đến nhà anh Bảy. Hàng chục người hàng xóm đã có mặt từ trước. Những người đàn ông không ai bảo ai thay phiên nhau dựng rạp để chuẩn bị làm đám tang.

Những người đàn ông làng biển, những ngư dân can trường vùng vẫy khắp vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thường ngày nói oang oang vang dội nay im lặng lạ thường.

“Tôi cũng đi biển mấy chục năm, thiên tai, bão gió trải qua không biết bao nhiêu lần mà kể. Thuyền viên như tôi đứng trước cái chết do bão tố cũng không phải là ít. Đi biển nhiều, gặp tàu Trung Quốc đuổi cũng là chuyện thường.

Bọn chúng đuổi được thì có khi đâm tàu rồi cướp hải sản chứ bắn ngư dân là tôi chưa gặp. Cái tụi giết anh Bảy chưa biết là ai, nhưng mà ác nhân quá.

Đời ngư phủ, chết sóng chết gió thì được chứ chết oan khuất thế này thì căm giận lắm”, ngư dân Trương Đình Tới, hàng xóm anh Bảy phẫn uất nói.

Ngôi nhà im lặng đáng sợ, chẳng ai nói với nhau câu nào, chỉ còn lại những tiếng khóc nấc nghẹn ngào của bà Mai Thị Lan (SN 1972), vợ ngư dân Bảy. Hàng chục người phụ nữ ngồi bên nhưng chẳng có lời nào để an ủi bà Lan.

Họ cũng là vợ ngư phủ, cũng có chồng đi biển. Chồng họ giương buồm ra khơi, tính mệnh cũng trao cho số phận. Phận họ, đàn bà làng biển, ngày đêm hồn treo nơi cột buồm.

“Tụi tôi chiều chiều cứ ra biển trông, ngóng. Trước thì ngóng thời tiết, mấy năm nay còn phải ngóng xem tàu lạ có tấn công tàu của chồng, con mình không”, chị Lê Thị Hà cho hay.

Bà Lan nằm trên giường, vật vả. Thỉnh thoảng, bà ngước đầu dậy, hỏi: “Tàu về tới đâu rồi?”. “Chưa, mai mới về”, một tiếng trả lời nặng nề cất lên. Bà Lan lại vùi đầu mình trong tấm chăn mỏng, khóc rấm rứt.

Chị Hà kể, mấy ngày nay cả 3 mẹ con họ chẳng ăn uống gì. Cả 3 người như bị mất hồn, sốc quá mà. Cả thôn An Hải, cả xã Bình Châu ni giờ đi đâu họ cũng bàn về chuyện của anh Bảy. Ai cũng giận cả.

“Khi mới nghe tin, chị Lan đã xỉu ngay nhà anh Hùng (ông Nguyễn Thanh Hùng, người trực tổng đài Icom của nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu). Chúng tôi phải dìu lên trạm xá.

Chị Lan tỉnh lại mấy lần cứ hỏi mãi câu có thiệt không rồi lại xỉu. Tội quá. Người ở đây theo biển kiếm sống, ai ngờ đâu chết thảm như vậy”, chị Hà nói.

Ở hai góc nhà, hai người con của ngư dân Bảy cũng thẩn thờ không kém. Cô con gái út Trương Thị Huệ 2 ngày liền ngồi lỳ trong góc phòng riêng. Mấy người bạn thân trên lớp hết vỗ về đến an ủi vẫn không nín khóc gọi cha.

Anh Trương Đình Huynh tỏ ra bình tĩnh hơn cả. Anh Huynh là con trai đầu của vợ chồng ngư dân Bảy, bà Lan. Anh cũng nối nghiệp cha ra đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa.

“Tôi đi bạn tàu khác nên không đi cùng cha. Ngày tôi về bờ thì ba tôi với em Đề đi tàu của bác Cu nên chỉ gặp nhau được trong chốc lát, chẳng ai ngờ đó cũng là lần cuối cha con tôi gặp nhau”, anh Huynh khóc nói.


Anh Huynh thất thần ngồi bên góc nhà chờ đón thi thể cha

Anh Huynh thất thần ngồi bên góc nhà chờ đón thi thể cha

Anh Huynh cho biết trước đây cha anh là ngư dân cừ khôi nổi tiếng xã Bình Châu:

“Tôi 16 tuổi đã theo ông đi bạn, em Đề tôi cũng vậy. Tôi học hết ông các kỹ thuật đi biển, lặn biển. Tôi nhớ như in những lần cha con tôi lặn bắt hải sâm ở Hoàng Sa. Con nước ở Hoàng Sa, Trường Sa cha tôi thuộc như lòng bàn tay”.

Theo anh Huynh, cha anh sức khỏe đã yếu vì mấy lần gặp nạn khi lặn bắt hải sản. Dù vậy, do gia đình còn khó khăn nên ông Bảy vẫn xin đi theo bạn thuyền.

Chủ thuyền nhận ông Bảy lên tàu với nhiệm vụ nấu ăn, phục vụ các thuyền viên khác nên cũng trả công thấp hơn.

“Ba tôi sức khỏe yếu nên bác Cu cho đi theo tàu để nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh chứ không lặn bắt hải sản. Sao mà họ nỡ bắn chết ba tôi. Tàu ba tôi đang đánh bắt ở biển Trường Sa của mình cơ mà”, anh Huynh than khóc.

Anh Huynh cho hay đi cùng cha mình còn có em trai là Trương Đình Đề. “Em tôi sốc quá nên bất tỉnh nhưng nay đã tỉnh lại. Tôi nói chuyện qua Icom thì em tôi nói không biết lính nước nào bắn cả”, anh Huynh cho biết.

Đề xuất phương án hỗ trợ gia đình nạn nhân

Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Bá Vương, Phó chủ tịch UBND xã cho biết đang đề xuất phương án hỗ trợ gia đình ông Bảy.

Theo ông Vương, gia đình ông Bảy rất khó khăn, bản thân ông Bảy sức khỏe yếu. Vợ ông Bảy không có việc làm ổn định mà phải đi làm thuê.

“Đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm mới xảy ra chuyện tàu lạ bắn chết ngư dân Bình Châu. Chúng tôi đã báo cáo lên Bộ đội biên phòng và chính quyền các cấp để điều tra làm rõ vụ việc”, ông Vương cho hay.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại