Thế giới này hiếm có người bị án oan như Huỳnh Văn Nén: Thời gian thụ án oan dài kỷ lục hơn 17 năm, từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác, “tự khai” là hung thủ trong hai vụ án giết người và cả hai lần đều oan.
Không chỉ khai nhận oan cho mình mà còn vu oan cho tám người khác trong gia đình vợ, trong đó có vợ, mẹ vợ,… làm họ phải ngồi tù dẫn đến hệ quả là ba đứa con không người nuôi dưỡng phải rơi vào vòng phạm pháp.
Đến nay, đã được giải oan, tòa án đã ưu ái đưa mẩu đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại nhưng ông Huỳnh Văn Nén và những người liên quan chịu những thiệt hại không thể bồi thường.
Theo tinh thần nhân đạo của pháp luật hiện hành, người bị án, khởi tố, truy tố oan có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về thu nhập bị tổn thất trong thời gian thụ án, bị khởi tố, truy tố. Họ cũng có thể được bồi thường thiệt hại những tổn thất về sức khỏe, tinh thần…
Ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đã được bồi thường số tiền lên đến bảy tỉ đồng sau hơn 10 năm tù. Số tiền được nhiều người xuýt xoa, thèm muốn nhưng gia đình ông Chấn vẫn chưa hài lòng.
Không phải họ tham mà vì như Bác Hồ đã viết “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Cái giá của những ngày tù oan thật khó quy đổi bằng tiền.
Thế nhưng với Huỳnh Văn Nén, hệ quả của hai bản án oan không chỉ gây tù tội cho cá nhân ông mà còn làm tan nát nhiều gia đình thân thuộc của ông, ba thế hệ trong gia đình ông, gia đình vợ ông phải chịu nhận hậu quả.
Trong bản án oan về cái chết của bà Dương Thị Mỹ vì bị ép, bức cung, tám thành viên trong gia đình vợ ông phải đi tù. Tám đứa cháu của gia đình này không người nuôi dưỡng, phải sống nhờ vào lòng hảo tâm của làng SOS trong đó có ba đứa con ông Nén.
Nhưng lòng hảo tâm vô bờ, khả năng con người có hạn, các con ông Nén không phải là con mồ côi, không thuộc diện nuôi dưỡng của làng nên phải ra đi và từ đó, hai cháu lại bị pháp luật trừng trị, giam cầm. Án oan từ đời cha, đời ông đã chồng xuống đời con trẻ.
Dù chúng có phạm tội thật đi nữa, đó cũng là do một phần hậu quả bản án oan mà cả cha mẹ, ngoại, cậu, dì đều phải đi tù buộc chúng phải tự vào đời kiếm sống với hai bàn tay trắng không nghề nghiệp, chẳng được học hành.
Những ngày tù oan khuất, tương lai bế tắc, những chấn thương tâm lý dai dẳng kéo dài suốt cuộc đời của ba đứa trẻ con ông Nén và những đứa cháu vợ khác, không có luật lệ nào quy định bồi thường.
Và thực tế cũng không thể có số tiền nào quy đổi được với những tổn thương cay đắng nghiệt ngã ấy.
Một tổn thất vật chất, tinh thần khác rõ ràng là có thật nhưng luật lệ không quy định và cũng không thể có mức độ nào bồi thường tương xứng đó là thiệt hại của người cha ruột của ông Nén.
Người cha 17 năm đi đòi công lý cho con. Nguồn: tuoitre.vn
Ông Huỳnh Văn Truyện, ngụ ở Cà Mau, 17 năm qua xuôi Nam ngược Bắc để gõ khắp mọi cánh cửa kêu oan cho con.
Ông Truyện đã kể cho báo chí là: “Tôi có mảnh đất trị giá cả tỷ đồng ở quê nhà Cà Mau, nhưng từ lúc thằng con tôi phải ngồi tù, tôi thế chấp rẻ với giá 500 triệu đồng để làm vốn đi kêu oan cho nó. Từng tuổi này mà tôi còn phải đi lao động nuôi tôm mưu sinh.
Đến lúc cần chạy đi kêu oan cho thằng Nén, tôi lại phải bỏ tôm, bỏ đầm hơn cả tháng trời, thế là tôm bệnh, tôm chết, lại lỗ vốn, lại không có tiền trả lãi cho người ta”. Số tiền cụ thể và nỗi đau của người cha trước oan án của con chắc chắn không bao giờ được đền bồi.
Một tổn thất quan trọng khác cũng sẽ không thể được đền bù là sự bức xúc và niềm tin của người dân đối với một số người thực thi pháp luật, với công lý bị giảm sút nghiêm trọng.
Người dân bức xúc vì những cán bộ thừa hành và cơ quan pháp luật lại vi phạm pháp luật, gây bao oan khiên cho người dân rồi lại tiếp tục lấy tiền thuế của người dân bồi thường thiệt hại họa hoằn của những cái sai này.
Ngay cái cơ chế buộc người bị án oan phải làm đơn xin những người đã xử oan mình bồi thường thiệt hại, phải chứng minh thiệt hại, thậm chí lắm khi còn phải ra tòa để xét xử, rõ ràng là chưa thật sự công bằng, sòng phẳng.
Nhiều người bị án oan lại phải mất nhiều tháng, nhiều năm lao tâm khổ trí xin được bồi thường. Kẻ xử oan lắm khi ung dung tự tại. Những người lãnh đạo các cơ quan gây ra hậu quả nghiêm trọng ấy vẫn điềm nhiên ban phát những lời có cánh về công lý, công bằng.
Vấn đề đặt ra là tất cả các vụ án oan ông Chấn, ông Nén hay các vụ đang kêu oan vụ Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh… đều có đặc điểm giống nhau:
Cơ quan tố tụng chỉ quy buộc bị cáo bằng lời khai nhận tội mà không xem xét các tình tiết mâu thuẫn, các chứng cứ vô tội, những lời kêu oan.
Ông Chấn, Nén và những người được giải oan khác may mắn là do tình huống nào đó, hung thủ thật sự đã xuất hiện.
Trước đó, dù các luật sư, những nhân chứng đã chứng minh bị án vô tội, các cơ quan tố tụng vẫn luôn niệng cho rằng xét xử đúng quy trình, đúng người đúng tội…
Điều này cho thấy một thực trạng nguy hiểm là chính các cơ quan tố tụng không có khả năng tự điều tra các sai phạm của mình.
Nếu không chấm dứt tình trạng này, cái giá phải trả cho sự bồi thường sẽ còn đắt hơn cả những gì đang trả cho những oan khiên hiện tại của con người.