Kí ức vỡ đê
Đó là câu chuyện của mấy mươi năm về trước. Vậy mà giờ đây, mỗi khi nhắc lại, các bậc cao niên nơi triền đê con sông Đuống vẫn không khỏi hoang hoải giật mình.
Nhà cửa, ruộng vườn, tài sản bỗng chốc bị cuốn trôi theo dòng nước dữ.
Ngày ấy, một ngày tháng 8/1971, mưa như ném đá, trút những tảng lớn xuống vách lá liêu xiêu. Nước từ đâu ùng ục đổ về, đục ngầu giận dữ. Lòng sông réo lên sôi sục, đỏ quạch như màu máu…
Con đê già cỗi bao quanh làng mỏng manh như sợi chỉ, chấp chới giữa biển nước xám ngoét. Hàng ngàn rọ đất, hàng vạn cọc tre ngày đêm được gia cố cũng không thể ngăn được dòng nước như con quái vật hung tàn lạnh lùng táp mạnh vào thân đê.
Hình ảnh vỡ đê gây lụt nghiêm trọng ở huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) năm 1971 được lưu trữ tại TTLT Quốc gia 3
Người dân chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu. Nhưng từng tảng đất lớn như cánh phản vẫn run rẩy vỡ bung ra. Đất đá ầm ầm đổ xuống. Rồi đê vỡ!
Nước tràn lên bãi, ùa vào mọi ngóc ngách, nuốt chửng xóm thôn. Làng mạc ngày thường biêc biếc màu của ngô khoai, nay chỉ còn một màu trắng bạc.
Trâu, bò, lợn, gà, chết trôi bị con nước cuốn phăng ra tận mạn Ninh Giang (Hải Dương). Chính phủ phải đưa cả trực thăng thả bánh mì cứu đói. Người dân gục xuống giữa bão lũ, nước mắt trộn bùn non, thiệt hại không sao kể siết.
Những bậc cao niên ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình vẫn còn giật mình mỗi khi nhắc lại ký ức vỡ đê
Mấy ngày sau, nước rút. Những đôi chân trĩu nặng sình lầy lại mệt mỏi tìm về bên những mái gianh ngập ngụa rác rến. Nhà cửa hoang tàn, chẳng còn gì đáng giá. Ám ảnh quay quắt về chuỗi ngày bịt bùng đận 36 – 39 lại ớn lạnh ùa về, vậy là lại nghèo rạc, đói dài…
Ông Đoàn Văn Dũng năm nay đã ngoài 80 tuổi, không phải là người cao niên nhất thôn Mỹ Lộc (xã Cao Đức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh), nhưng là một trong những người uy tín nhất. Máu ông còn vương trên chiến trường năm xưa, bản thân cũng đã trên 60 năm tuổi Đảng.
Tuổi trẻ của ông Dũng đã chứng kiến biết bao bận đê vỡ, tận thấy nỗi mất mát trên quê hương khổ đau. Nay, đứng giữa triền đê lộng gió, mái tóc bạc rủ xuống ánh mắt mệt mỏi già nua, ông buồn bã nói: “Tôi như thấy lại nỗi đau thương vọng về”.
Ông Đoàn Công Mừng đứng trên kè đá, đoạn qua thôn Mỹ Lộc, được xây dựng nhằm ngăn ngừa thảm họa vỡ đê tái diễn
Đi cùng ông Dũng là ông Đoàn Công Mừng (67 tuổi), người từ nhiều năm nay nổi danh khắp địa phương như một lão nông kiên cường khiếu kiện.
Câu chuyện kiện cáo của ông Mừng, vốn nhận được nhiều quan tâm của đông đảo bà con, âu cũng khởi nguồn từ con đê xung yếu này…
“Mồ mả cha ông vẫn còn đâu đó ngoài kia”
“Tính cả trận lũ năm 1971 thì con đê này đã vỡ 3 lần rồi”, ông Dũng nói khi đưa chân chúng tôi sang phía bên kia bờ đê vắng, nơi đã từng là bãi bồi rộng lớn, nhưng giờ chỉ còn doi đất nhỏ, chơ vơ giữa biển nước.
Rồi giọng ông run lên nhức nhối khi nhớ lại một thời bi tráng của dân làng Mỹ Lộc.
Chuyện rằng, từ nhiều thế kỷ trước, người Mỹ Lộc sinh ra, lớn lên và cũng chết đi chủ yếu phía ngoài bãi bồi, cuộc sống xoay trở theo từng con nước.
Sau 2 lần nước sông lên cao làm vỡ đê năm 1936 và 1939, dưới sự động viên của chính quyền, họ bắt đầu di chuyển dần vào phía sau chân đê. Đến những năm 1960 thì cơ bản ổn định hẳn. Nên khi trận lũ lịch sử năm 1971 ập đến cũng đỡ phần nào thiệt hại.
Cả bãi bồi rộng lớn giờ chỉ còn đúng doi đất trơ trọi giữa sông
Mặc dù không còn sinh sống nhưng theo lời ông Dũng, người dân Mỹ Lộc vẫn kiên trì bám đất canh tác, trân quý bãi bồi, coi đó là vùng tâm linh vì còn nhiều vết tích mồ mả cha ông, đình chùa, miếu mạo…
Còn ông Đoàn Công Mừng, tận sâu trong tâm khảm, vẫn không sao quên được lời trăn trối đớn đau của người chú ruột là ông Đoàn Công Định (SN 1928), nguyên bí thư xã Cao Đức trước lúc lâm chung, ngay tại thời khắc sống còn của bãi bồi:
“Lũ 71 về nhanh quá. Tôi bất hiếu khi chẳng kịp đưa mồ mả tổ tiên chạy đi. Đến khi nước san bằng hết, chẳng còn nhận ra đâu với đâu, chỉ biết các cụ vẫn nằm ngoài ấy. Thế nên phải giữ lấy bãi…”.
Trước mối đe dọa thường trực đến từ dòng sông, một đoạn kè đá kiên cố đã được khẩn trương thi công cốt bảo vệ đê.
Thế nhưng, khi sự hung tàn con sông Đuống đã không còn đe dọa trực tiếp đến đời sống nhân dân thì chính lòng tham con người lại trở thành nỗi khiếp sợ thường trực.
Từ đâu, những con tàu khổng lồ như những "bóng ma" ùn ùn kéo tới đậu kín nhiều tuyến thủy dọc sông Đuống.
Những ánh mắt thèm thuồng bắt đầu len lén nhìn về phía bãi sa bồi rộng lớn. Trữ lượng cát khổng lồ ở khu tâm linh bắt đầu được bóng gió nhắc đến trong các cuộc họp dân cư.
Kết luận của thanh tra huyện Gia Bình về các sai phạm xảy ra tại bãi bồi thôn Mỹ Lộc
Lo lắng trước tình trạng khai thác cát sỏi rầm rộ có thể ảnh hưởng đến tuyến đê xung yếu, ngày 12/5/2009, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định số 71 điểm tên các khu vực thuộc diện “cấm tuyệt đối các hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết cát sỏi”.
Trong đó, có cả khu vực kè đá Mỹ Lộc, huyện Gia Bình. Một biển cấm cũng đã được ngay ngắn treo ngay trước cửa điếm.
Thế nhưng, bất chấp các quy định, dẫm đạp lên cả sự phẫn nộ đớn đau của nhân dân Mỹ Lộc, cả bãi sa bồi rộng 28 mẫu (~ 10 ha) chứa đầy hoài niệm đã bị ý chí và lòng tham của một vài cá nhân làm cho mất dấu khỏi các trang sử xã Cao Đức.
Công ty CPTM dược phẩm Sao Mai (Gia Bình, Bắc Ninh) của ông giám đốc Trịnh Viết Thiệp đã bị kết luận thanh tra bêu tên như một kẻ cắp tài nguyên. Ba vị cán bộ thôn được xác định rõ là đã tiếp tay cho tội phạm.
Vậy tại sao bản kết luận đã có từ đã có từ tháng 10/2012 mà đến tận hôm nay, người dân thôn Mỹ Lộc vẫn chẳng một phút thỏa lòng, vẫn ngày đêm mang đơn đi tố cáo?
Chúng tôi sẽ thông tin cụ thể trong bài viết tới...
(Còn nữa)