Ai để công trình cao ốc xây sai phép?

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Kỷ cương phép nước không nghiêm, đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xây dựng sai phép của một số công trình lớn, nổi bật là công trình cao ốc 8B Lê Trực ở Hà Nội.

Không chỉ công trình 8B Lê Trực, trong phạm vi cả nước cũng có rất nhiều công trình xây dựng sai phép. Cách xử lý các công trình này mỗi nơi một khác nhưng nhìn chung không đủ để răn đe.

Buông lỏng

Năm 2007, dư luận Hà Nội từng xôn xao bàn tán về những công trình vi phạm trật tự xây dựng quy mô lớn, sai phép, vượt số tầng “đình đám” như công trình cao tầng trên phố Đào Duy Anh (quận Đống Đa), công trình cao tầng trên phố Đặng Dung (quận Ba Đình).

Tại thời điểm đó, công trình trên phố Đào Duy Anh được xác định xây vượt phép 3 tầng, còn công trình trên phố Đặng Dung được xác định vượt chiều cao so với giấy phép cấp hơn 13m.

Điều đáng nói, khi dư luận quan tâm tới các công trình sai phép này thì các cơ quan quản lý địa phương như phường, quận, sở xây dựng mới “tiết lộ” số lần kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ thi công thuộc loại “kỷ lục”.

Tương tự, tại công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình), sau khi dư luận ồn ào, kiểm tra liên ngành vào cuộc mới phát hiện công trình này cũng có số lần kiểm tra “kỷ lục” nhưng vẫn để công trình vi phạm nghiêm trọng.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra, công trình 8B Lê Trực vi phạm về chiều cao, vượt phép tới 16m, đây không chỉ là hành vi xâm phạm trật tự xây dựng, mà còn gây ảnh hưởng lớn đến không gian, kiến trúc, cảnh quan của một khu vực được coi là trung tâm chính trị của cả nước.

Theo tìm hiểu, số lần kiểm tra trực tiếp tại công trình 8B Lê Trực của lực lượng thanh tra quận Ba Đình là không hề ít.

Cụ thể, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian sau cấp phép xây dựng từ tháng 3-2014 đến tháng 7-2014, khi chủ đầu tư mới xây phần đế công trình, các lực lượng thanh tra sở, đội thanh tra xây dựng quận Ba Đình đã xuống kiểm tra, lập biên bản hàng chục lần.

Từ tháng 12-2014 đến tháng 7-2015, UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình), thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội có thêm hàng chục văn bản khác, kể cả đình chỉ thi công nhưng chủ đầu tư không thực hiện.

Điều này cho thấy không những chủ đầu tư không thượng tôn pháp luật, ngay cơ quan chức năng Hà Nội cũng buông lỏng kỷ cương phép nước.

Tôi có nghe công trình tòa nhà 8B Lê Trực bị kiểm tra rất nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn vi phạm. Tại sao lại thế được? Tại sao ở một trung tâm TP có một công trình to như vậy mà dám ngang nhiên xây sai vượt giấy phép tới hàng chục mét chiều cao? Có phải các cơ quan kiểm tra chỉ để chiếu lệ. Kiểm tra mà không ngăn chặn được thì coi như có làm 
gì đâu.

Ông PHẠM SỸ LIÊM (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN)  - Ảnh: Việt Dũng

 

Xử lý “vuốt đuôi”

Hà Nội có khá nhiều công trình cao tầng “nổi đình nổi đám” về xây dựng sai phép, vượt số tầng, vượt chiều cao. Đó là công trình trên phố Đào Duy Anh, công trình trên phố Đặng Dung, công trình cao tầng ven hồ Tây...

Đối với các công trình này, UBND TP Hà Nội đều chỉ đạo xử lý khắc phục theo đúng giấy phép, yêu cầu tổ chức “cắt ngọn” phần sai phép.

Riêng công trình 8B Lê Trực, ông Võ Nguyên Phong - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết: “Trong trường hợp xây dựng không phép thì việc ban hành quyết định cưỡng chế là của cấp xã, phường.

Còn trong trường hợp xây dựng sai phép thì thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thuộc cấp quận, huyện”.

Sáng qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho hay biện pháp xử lý công trình 8B Lê Trực đã được nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng.

Theo đó, UBND TP Hà Nội cam kết kiên quyết xử lý về chiều cao, khoảng lùi, khoảng giật và hình thái không gian kiến trúc của công trình theo đúng thiết kế và giấy phép xây dựng được cấp.

Hiểu một cách cụ thể hơn, Hà Nội sẽ buộc tháo dỡ các phần sai phạm của công trình 8B Lê Trực.

Xử lý nghiêm sai phạm là cần thiết, nhưng để sai phạm xảy ra rồi mới đập bỏ là hạ sách, giá như mọi việc được ngăn chặn từ đầu thì chủ đầu tư sẽ bớt thiệt hại và kỷ cương phép nước cũng không bị xâm phạm.


Hơn 2.000m2 xây dựng sai phép của cao ốc tại số 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP.HCM đã được cơ quan chức năng cho tồn tại vào năm 2008 - Ảnh: Hữu Khoa

Hơn 2.000m2 xây dựng sai phép của cao ốc tại số 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP.HCM đã được cơ quan chức năng cho tồn tại vào năm 2008 - Ảnh: Hữu Khoa

Nhượng bộ

Nhiều người dân ở tỉnh Tiền Giang đều biết công trình xây dựng khổng lồ trên khu đất rộng gần 8.000m2 mặt tiền đường Lý Thường Kiệt (P.6, TP Mỹ Tho) đang sử dụng làm kho của Công ty Bia Sài Gòn (Công ty CP Đầu tư Cái Mép, chủ đầu tư) được xây dựng không phép.

Ngay từ khi công trình này mới bắt đầu khởi công vào năm 2014, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm.

UBND TP Mỹ Tho và UBND tỉnh Tiền Giang ban hành hàng loạt quyết định đình chỉ, xử phạt với số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Bất chấp tất cả, công trình vẫn thi công như không có chuyện gì xảy ra. Kết cục là UBND tỉnh cho phép công trình này tồn tại và giao Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty CP Đầu tư Cái Mép lập các thủ tục tạm thời để hợp thức hóa các hạng mục xây dựng sai phép.

Tại Bình Thuận, công trình khách sạn Mường Thanh Mũi Né (P.Hàm Tiến, TP Phan Thiết) chỉ được phép xây bốn tầng nhưng dự án này xây đến bảy tầng gồm năm tầng lầu, một tầng trệt và một tầng hầm.

Diện tích cho phép xây dựng tầng 1 là 746m2, công trình trên thực tế lên đến 2.350,2m2, gấp ba lần diện tích cho phép. UBND P.Hàm Tiến ra quyết định đình chỉ thi công nhưng chủ đầu tư này vẫn làm ngơ.

Thanh tra Sở Xây dựng vào cuộc vẫn không làm lay chuyển “quyết tâm” vi phạm của chủ đầu tư. UBND tỉnh Bình Thuận xử lý việc xây dựng sai phép bằng cách phạt 1 tỉ đồng, rồi “mở đường sống” cho khách sạn Mường Thanh Mũi Né.

Đến tháng 12-2014, khách sạn chính thức khai trương hoạt động.

Tại TP.HCM cũng có tình trạng nhượng bộ đối với một số công trình xây dựng sai phép. Ngày 21-2-2012, cơ quan chức năng phát hiện sáu block chung cư trên đảo Kim Cương tại P.Bình Trưng Tây (Q.2) xây dựng vượt tầng so với giấy phép.

Cụ thể là block 16 tầng được chủ đầu tư xây thành 17 tầng, block 18 tầng xây thành 19 tầng, block 19 tầng cơi lên 21 tầng, block 20 tầng xây thành 21, block 24 tầng xây lên 25 và block 25 tầng thì chủ đầu tư xây lên 26 tầng.

Toàn bộ công trình xây sai phép hơn 2.900m2 và xây dựng một tuyến đường nội bộ vi phạm hành lang bảo vệ sông rạch. Ngay từ khi phát hiện sự việc, cơ quan chức năng đã lập biên bản yêu cầu ngưng thi công.

Vụ việc được “ngâm” đến tháng 8-2012, Bộ Xây dựng cho phép điều chỉnh thiết kế của toàn bộ dự án. Sau đó, cơ quan chức năng đồng ý cho công trình sai phép này được tồn tại.

Tháng 8-2010, cơ quan chức năng phát hiện công trình chung cư 20 tầng tại số 258 Bến Chương Dương (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.1) xây dựng sai phép, làm tăng diện tích gần 430m2 so với giấy phép xây dựng.

UBND TP.HCM xử phạt và buộc phải tháo dỡ toàn bộ phần sai phép nhưng chủ đầu tư chỉ tháo dỡ hơn 150m2, phần còn lại xin được tồn tại. Tháng 7-2011, UBND TP đồng ý cho tồn tại hơn 270m2 xây dựng sai phép như đề nghị của chủ đầu tư.

Cuối năm 2009, cơ quan chức năng tại Q.1 phát hiện tòa nhà 11 tầng số 233 Đồng Khởi xây dựng sai phép làm tăng diện tích gần 400m2 tại tầng 10 và sân thượng. Chính quyền địa phương có nhiều động thái xử lý như đình chỉ thi công, thậm chí niêm phong tòa nhà.

Năm 2010, Sở Xây dựng chấp thuận cho tồn tại phần diện tích 84m2 xây lố trên sân thượng.

Đến tháng 5-2011, UBND TP đồng ý cho phép tòa nhà này được giữ lại diện tích hơn 300m2 sàn xây dựng sai phép kèm theo điều kiện buộc chủ đầu tư không được bố trí văn phòng mà phải làm mảng xanh tại vị trí này.

Năm 2008, UBND TP cũng đã chấp thuận cho tồn tại toàn bộ phần xây dựng sai phép của tòa nhà 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3).

Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư công trình xây dựng tăng diện tích sàn ở tầng lửng, vi phạm khoảng lùi trước, khoảng lùi sau và khoảng lùi bên hông công trình, thay đổi công năng tầng 1 đến tầng 4...

Tuy sự việc được phát hiện trong quá trình xây dựng, nhưng chủ đầu tư vẫn cứ xây cho đến khi hoàn thành. Cơ quan chức năng cho rằng sự việc... đã rồi, nếu tháo dỡ phần sai phép làm ảnh hưởng đến toàn bộ công trình nên phạt, cho phép tồn tại.

Chính sự nhượng bộ của chính quyền như nêu trên đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư “mạnh tay” hơn trong việc vi phạm trật tự xây dựng.

Dân không thông

Một lãnh đạo đội thanh tra địa bàn (thuộc thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM) khẳng định việc cho phép tồn tại những công trình cao ốc xây dựng trái phép tạo suy nghĩ rất xấu cho người dân.

Khi lực lượng chức năng đến xử lý các hộ dân xây nhà vi phạm thì người dân đem chuyện những tòa nhà lớn xây sai phép được tồn tại ra để... so sánh.

Điều này làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn khó khăn thêm. Vị này cho biết nếu xử lý một trường hợp không nghiêm thì sẽ tạo tiền lệ xấu cho những người xây dựng sau.

“Tâm lý cứ xây xong nhà thì thế nào cũng được tồn tại là có thật. Chúng tôi có giải thích kiểu nào thì người dân cũng không thông” - vị này nhấn mạnh.

Kỷ luật thích đáng cán bộ để xảy ra vi phạm

Bà Hồ Thị Kim Loan - nguyên chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM - cho rằng hệ quả của việc cho tồn tại phần diện tích sai phép trước hết là thể hiện sự thiếu nghiêm minh trong thực hiện pháp luật về xây dựng.

Điều này không những tạo tư tưởng chủ quan nơi chủ đầu tư, đơn vị thi công mà còn dễ nảy sinh tiêu cực khi sự việc bị phát giác.

Theo bà Loan, không chỉ xử lý nghiêm minh doanh nghiệp sai phạm, quan trọng hơn là kỷ luật thích đáng cán bộ để xảy ra vi phạm.

“Nếu như cán bộ để vi phạm ở dự án này, công trình này mà không bị xử lý thì qua dự án khác, công trình khác họ cũng theo cách quản lý cũ sẽ xảy ra vi phạm dài dài” - bà Loan nói.

 

Ông ĐÀO NGỌC NGHIÊM (phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội):

Công tác kiểm tra chưa được chú trọng

Hệ thống văn bản pháp quy để ngăn chặn việc xây dựng không phép, sai phép và xử lý vi phạm này được quy định khá rõ ràng.

Cần phải nói là thể chế cũng tương đối chặt chẽ và đồng bộ; chức trách, nhiệm vụ được phân định rõ ràng giữa cơ quan TP, cơ quan cấp quận, cấp phường...

Thậm chí đã có Luật thanh tra để tập trung quyền lực về sở xây dựng địa phương. Chính phủ có quy định về mức độ xử phạt hành chính, HĐND và UBND các địa phương có những quy định cụ thể trong xử lý vi phạm lĩnh vực...

Tuy nhiên tình trạng đó vẫn tiếp diễn, nguyên nhân do đâu?

Vấn đề ở đây là công tác kiểm tra ở mọi cấp chưa được chú trọng thường xuyên.

Việc phân công, phân cấp chưa làm rõ trách nhiệm, quyền hạn, đặc biệt là hậu quả phải gánh chịu khi lực lượng kiểm tra, giám sát không làm tròn chức trách.

Có một thực tế không thể phủ nhận là từ trước tới nay, hầu hết cán bộ để xảy ra vi phạm trong trật tự xây dựng chưa được xử lý nghiêm.

Một vấn đề nữa là việc chưa giáo dục các chủ đầu tư xây dựng nhận thức rõ ý thức chấp hành pháp luật chưa được làm tốt.

Muốn ngăn chặn tình trạng xây trái phép, điều quan trọng trước tiên là phải kiên quyết thực hiện xử lý vi phạm, phải làm rõ trách nhiệm không chỉ chủ đầu tư, đơn vị thi công mà cả đơn vị giám sát, cơ quan quản lý để xảy ra vi phạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại