Đà Nẵng kiện "nhân tài": Khó thi hành án?

Hoàng Đan |

Luật sư Thiệp cho rằng, việc Đà Nẵng kiện "nhân tài", thu hồi số tiền ngân sách đã bỏ ra là hoàn toàn đúng pháp luật, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền.

Hoàn toàn đúng pháp luật

Ngày 30/9, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng cho biết vừa khởi kiện 7 người tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) ra tòa dân sự.

Phía Trung tâm quản lý đề án thắng kiện, 7 người kia phải hoàn trả số tiền hơn 10 tỷ đồng cho thành phố.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng VP Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng:

"Việc Đà Nẵng tiến hành khởi kiện học viên tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922) để thu hồi tài sản cho Nhà nước là hoàn toàn đúng pháp luật, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Chính quyền thành phố .

Đồng thời, sẽ tạo một tiền lệ tích cực, thể hiện thái độ của Nhà nước đối với những cá nhân tham gia đề án này nhưng đã lạm dụng lòng tin yêu, sử dụng tiền từ ngân sách là thuế của nhân dân để mưu cầu lợi ích riêng, tước đoạt cơ hội học tập, cống hiến của những người khác.

Với số tiền lớn như vậy nếu không khởi kiện để đòi lại cho Ngân sách là có tội với nhân dân, tạo tiền lệ xấu cho những người đã và sẽ tham gia các đề án tương tự trên cả nước", luật sư Thiệp bày tỏ.

Những học viên trong Đề án 922 trong một lần nhận chứng chỉ. Ảnh minh họa: Nam Cường/TP.
Những học viên trong Đề án 922 trong một lần nhận chứng chỉ. Ảnh minh họa: Nam Cường/TP.

Về trình tự, thủ tục trong vụ kiện này, theo luật sư Thiệp, UBND Tp Đà Nẵng là nguyên đơn dân sự để khởi kiện đòi tài sản và bồi thường thiệt hại theo Hợp đồng khi cho rằng mình có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại.

Tùy theo nội dung vụ việc để xác định thẩm quyền của Tòa án, điều này căn cứ vào nhiều yếu tố.

"Sau khi ủy quyền cho một cá nhân thuộc cơ quan nào đó của Thành phố thì cá nhân được ủy quyền có thể trực tiếp hoặc thuê Luật sư để đại diện cho mình (nếu nội dung văn bản ủy quyền cho phép ủy quyền lại) tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự.

Những người đã ký cam kết với cơ quan có thẩm quyền của Đà Nẵng là bị đơn dân sự nếu họ ký văn bản cam kết với nội dung chịu trách nhiệm liên đới.

Còn nếu không phải chịu trách nhiệm liên đới thì họ sẽ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này", luật sư Thiệp thông tin.

Khó thi hành án với "nhân tài"?

Theo luật sư Thiệp, trong vụ việc này, tùy theo nội dung của hợp đồng lao động hay thỏa thuận  khác, bên bị kiện là các học viên sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ kinh phí học và các thiệt hại khác.

Nếu Tòa án chấp nhận mức phạt gấp nhiều lần so với kinh phí học tập tại nước ngoài thì cần xem xét lại các yêu cầu về bồi thường thiệt hại vì pháp luật đã có quy định chặt chẽ về vấn đề này.

"Tùy thuộc vào quan hệ pháp luật mà các học viên tham gia đề án 922 đã được xác lập, ví dụ như đã được tuyển dụng hay chưa?

Xem họ là công chức hay viên chức để xem xét mức độ đòi bồi thường thiệt hại hay phạt hợp đồng", luật sư Thiệp nói.

Tại phiên sơ thẩm ngày 28/9, TAND TP Đà Nẵng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của trung tâm, tuyên buộc các "nhân tài" là Hồ Viết Luận (24 tuổi) phải bồi thường gần 2,7 tỷ đồng; tuyên buộc chị Huỳnh Thị Thanh Trà (29 tuổi) bồi thường gần 3,1 tỷ đồng cho Tp.

Về thông tin này, luật sư Thiệp nêu ý kiến nếu có Bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì việc thi hành án cũng sẽ rất khó khăn.

"Bởi vì điều kiện đảm bảo thi hành án vì hiện những người bị kiện đó không ở Việt Nam.

Mặt khác những người thân của họ khi ký cam kết ấy với tư cách gì, có trách nhiệm liên đới hay không thì căn cứ vào đó cơ quan thi hành án dân sự mới có căn cứ để thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án", luật sư Thiệp nói thêm.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Đức Long cũng cho rằng, việc khởi kiện, đòi "nhân tài" bồi thường khi vi phạm của Đà Nẵng là việc làm rất cần thiết trong thời điểm hiện tại.

Điều này cũng thể hiện sự công bằng, nghiêm minh, khách quan và sẽ tạo tiền lệ tốt về sau đối với những "nhân tài" đang cố tình tìm cách trục lợi nguồn ngân sách là tiền thuế của nhân dân vào mục đích riêng của mình.

"Không chỉ ở Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác có những đề án thu hút nhân tài như thế này nếu nhân tài đó vi phạm, trục lợi thì cũng cần phải khởi kiện, thu hồi tiền về, thậm chí là phạt.

Điều đó thể hiện sự đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật và cũng là sự răn đe với những ai cố tình mưu cầu cho riêng bản thân mình mà quên đi người khác", luật sư Long bày tỏ.

Đến nay, Đà Nẵng đã có 630 lượt học viên tham gia đề án với kinh phí đào tạo đại học, sau đại học (trong và ngoài nước) khoảng 600 tỉ đồng (trung bình số tiền phải chi cho mỗi học viên là hơn 950 triệu đồng).

Theo ông Nguyễn Đình Thuận - Phó GĐ Trung tâm phát triển nguồn nhân lực cao, học viên sau khi kết thúc đào tạo phải công tác tại TP trong vòng 7 năm, nếu không thực hiện đúng hợp đồng, phải bồi hoàn phí đào tạo gấp 5 lần.

Riêng sau năm 2013 phải bồi hoàn 100% mức đào tạo.

Đến nay đã có 64 người/630 lượt học viên (chiếm khoảng 10%) vi phạm hợp đồng. Trong đó, có 15 người đã bị trung tâm khởi kiện ra tòa án hành chính, 7 trường hợp bị xét xử.

Ông Thuận cho hay: “Con số 10% không phải quá nhiều nhưng cũng đủ để cảnh báo Đà Nẵng cần phải suy nghĩ lại, có những chế tài phù hợp với việc đào tạo nhân tài, việc đào tạo “nhân tài” luôn tiềm ẩn rủi ro, cả chủ quan lẫn khách quan".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại