Sau 2 sự cố vỡ đường ống nước sông Đà vào các ngày 25 và 26/9, một tờ báo đã dẫn lời ông Nguyễn Văn Tốn, TGĐ Công ty nước sạch Vinaconex như sau: "Việc mất nước không phải lỗi của Vinaconex và người dân bị ngừng cấp nước trong 1 ngày cũng không làm sao!".
Ngay lập tức, câu nói “phủi” trách nhiệm của lãnh đạo Công ty nước sạch Vinaconex đã khiến dư luận hết sức bức xúc.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi vào chiều 2/10/2015, ông Nguyễn Văn Tốn trần tình rằng, hoàn toàn không có chuyện đó!
“Tôi chưa đọc bài báo trên, nhưng các cán bộ công nhân viên của công ty đã đọc và phản hồi lại khiến tôi rất buồn.
Họ hỏi tại sao lại để người khác nói không đúng với công sức của các cán bộ công nhân viên, không đúng với cái tâm của những người làm nghề cấp nước” – ông Tốn bày tỏ.
Vị TGĐ này thắc mắc: "Không hiểu tại sao nhà báo lại viết như thế. Bản thân tôi và ngay cả các anh em công nhân viên cũng không bằng lòng với cách viết như vậy!”.
Ông Tốn cho rằng, khi gặp sự cố, Công ty nước sạch Vinaconex đã huy động tối đa nguồn nhân lực cũng như máy móc sửa chữa đêm ngày, với mong muốn đưa nước về cho người dân một cách sớm nhất.
“Chính tôi cũng phải trực tiếp ra công trường, thức đêm, thức hôm cùng mọi người làm việc. Thậm chí lo tới mức không ăn được. Khi xử lý an toàn, xong xuôi mọi việc mới dám trở về nhà” – ông Tốn nói.
Theo vị này, sự cố gắng của Công ty nước sạch Vinaconex thể hiện ngay từ lần đầu tiên mất nước, chứ không phải chờ cho tới sự cố gần đây (sự cố vỡ đường ống nước lần thứ 15 vào cuối tháng 9/2015).
Liên quan tới phát ngôn “mất nước một ngày thì có làm sao” mà báo chí thông tin, ông giải thích: “Trong buổi họp báo, tôi chỉ nói: Mất nước một ngày là có ảnh hưởng nhưng mức ảnh hưởng không bằng mất nước mấy ngày.
Tôi cũng là một người dân Hà Nội, mất nước, nhà tôi cũng bị ảnh hưởng. Gia đình tôi phải sử dụng dè xẻn, quần áo để 2 – 3 ngày mới giặt.
Dù có bể ngầm ở dưới, nhưng gia đình tôi vẫn sử dụng nước tiết kiệm nhất ở mức tối thiểu, những thói quen hàng ngày phải hạn chế”.
Còn việc khẳng định “mất nước không phải lỗi của Vinaconex”, ông Tốn nhấn mạnh, hoàn toàn không có chuyện ông “phủi” trách nhiệm như trên.
“Chưa bao giờ tôi nói mất nước không phải lỗi của Vinaconex. Tôi chỉ nói rằng, tôi là người cung cấp dịch vụ, công việc của tôi là khi mất nước phải làm sao cung cấp nước một cách nhanh nhất cho người dân. Tôi không phủi trách nhiệm".
Người đang cung cấp nước mà để mất nước thì đương nhiên là lỗi do người cung cấp dịch vụ rồi. Tôi không nói câu nào đại loại như: “Lỗi không phải của chúng tôi".
Công ty nước sạch Vinaconex là đơn vị tiếp quản nhà máy, khi gặp sự cố, chúng tôi luôn làm việc với cái tâm của mình, không quản khó khăn đêm hôm khắc phục để đỡ ảnh hưởng tới dân một cách thấp nhất” – ông Tốn chia sẻ.
Theo thông tin từ ông Tốn, trong thời gian tới, Vinaconex sẽ chuẩn bị đưa vào hoạt động đường ống nước sông Đà thứ 2, dự kiến khởi công vào ngày 7/10/2015.
Khi đường ống thứ 2 hoàn thiện sẽ hỗ trợ đường ống thứ nhất khi gặp sự cố, người dân sẽ bớt lo lắng với việc liên tiếp xảy ra cảnh vỡ đường ống nước như thời gian vừa qua.
15 lần xảy ra vỡ đường ống nước
Về đường ống dẫn nước sạch sông Đà hiện nay, theo thống kê, từ khi đưa vào khai thác, đã 15 lần xảy ra vỡ đường ống nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Cá biệt, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phải hoãn hàng chục ca mổ do mất nước trong vòng 4-5 ngày qua.
Còn Bệnh viện 198 (thuộc Bộ Công an) cũng xảy ra hiện tượng thiếu nước, bệnh nhân và người nhà phải đi xách nước từ bể chứa lên các tầng có phòng điều trị.
Trong khi đó, để phục vụ các ca mổ cấp cứu, nhân viên y tế cũng phải đi xách từng can nước dưới bể ngầm của bệnh viện để phục vụ.