Chắc hẳn sẽ chẳng có bất kỳ cư dân nào của thế kỷ 22 tin nổi rằng, tại sao chỉ trong vòng mấy chục ngày, các bậc tiền nhân của họ lại mâu thuẫn, khó hiểu đến mức liên tiếp tạo ra không ít chuyện vừa sai vừa đúng!...
Hãy bắt đầu từ lứa tuổi học trò: Các thí sinh ở Quảng Bình và Nghệ An thi vào trường công an, sai thủ tục hoặc không phù hợp về tiêu chuẩn tuyển chọn nên dù thi đạt điểm cao vẫn không trúng tuyển. Vậy là, viết đơn và được “đặc cách” cho… đỗ!
Cả nước hân hoan như chưa bao giờ vui thế, vì câu chuyện buồn kết thúc có hậu ai chẳng thích, trông mong? “Bài học” về lòng nhân ái, nghĩa tình dường như đã trổ hết bông, bung hết nụ cho muôn vàn ngợi ca…
Thế nhưng, hãy thử giật mình một chút thôi, để tự hỏi rằng, giả sử mai này hàng trăm người làm hồ sơ sai, hàng ngàn người không đủ tiêu chuẩn tuyển vào ngành công an cũng lại làm đơn, thì sao?
Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta sẽ hành xử thế nào để giữa… “tình người” và kỷ cương, phép nước? Chọn tình thì trái luật, chọn luật thì trái tình.
Người viết bài này biết chắc sẽ bị những thí sinh may mắn và bạn bè của họ ném đá, nhưng vẫn cứ phải nói, bởi không chấp nhận cái cung cách xã hội hiện đại hành xử như kiểu chuyện giữa đình.
Sự việc tiếp theo to hơn cả ngàn cái đình gộp lại, đó là chuyện người ta xây sắp xong tòa nhà cao hơn cả Lăng Bác, đe dọa an ninh mà gần trót lọt rồi mới lòi ra những chuyện lạ lùng:
Đó là toàn bộ vi phạm về xây dựng của công trình đã được chính quyền địa phương giám sát, có kiểm tra và xử lý, xử phạt tới 13 lần, yêu cầu dừng thi công, nhưng công trình vẫn hùng dũng vươn cao.
Rồi, đến nay, “theo nhân viên kinh doanh…, các căn góc và căn hộ tầng cao, có hướng nhìn ra lăng Bác thì giá bán càng đắt hơn (mức giá 81 triệu đồng/m2), nhưng đã bán sạch.
Chuyện không kém phần động trời khác là rất nhiều người trong họ làm quan ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nhưng, sau khi UBND thành phố về làm việc thì ông Trưởng Ban Tổ chức kết luận: “Họ hàng cùng làm quan ở Mỹ Đức là ngẫu nhiên”.
Có lẽ, chẳng cần kể thêm chuyện ông Giám đốc Sở ở Quảng Nam mới được bổ nhiệm có “thành tích” là đi du học ở Mỹ 1 năm rồi tỉnh mới xét cấp kinh phí đào tạo lên đến cả tỷ đồng…
Thử hình dung là chỉ trong vòng có mấy chục ngày, dư luận cứ bị hết cú sốc này đến cú tăng xông khác, mà sau cùng vẫn cứ là điệp khúc đúng quy trình hoặc “ngẫu nhiên”, dù người dân ai cũng biết bản chất là gì!
Xây cao ốc đâu phải chuyện nấu bếp nên nhà hàng xóm chẳng hay biết mùi hành, mùi tỏi là lẽ đương nhiên?
Chẳng lẽ cả cái bộ máy quy tắc đô thị, thanh tra Xây dựng, thấy việc phạt đến 13 lần nhưng vẫn để cho tồn tại, là một việc bình thường?
Chẳng lẽ việc "đặc cách" thí sinh lại mở ra một tiền đề mới: Việc gì cũng có thể linh hoạt đến độ quy chế, quy định cũng có thể bị làm cho cong đi, trước những mong mỏi đầy cảm tính của dư luận?
Chẳng lẽ nhiều người được quyền “vận dụng” quy chế, pháp luật một cách… linh hoạt, miễn là trong thời điểm đó, phù hợp với lợi ích nào đó? Chẳng lẽ quy chế ấy không phù hợp?
Chuyện “ngẫu nhiên” cả họ làm quan, dù các cơ quan không tìm ra chứng cứ xác đáng về sự khuất tất, cũng đủ "lộ sáng" trước suy xét của nhân dân.
Sao không ngẫu nhiên cho thảo dân vào làm việc ở các cơ quan béo bở của huyện, mà lại cứ nhất định “ngẫu nhiên” để con cháu các ông cốp cán điệp trùng rơi vào chĩnh gạo?
Chỉ vài ví dụ trên đủ để biết chuyện đúng – sai thời nay bây giờ chẳng khác gì mê cung trong địa đạo.
Rất nhiều sai phạm được giải thích êm như gối lông, bềnh bồng như mây trắng. Đã thấy, những lỗi trầm trọng của ai đó cũng được vẽ thành vài đường cong mềm mại, những điểm “nhấn” mù, nhòa.
Dư luận mong mỏi chấm dứt những sai phạm mà người dân khó phân biệt đúng sai, thì mong mỏi đó có thành hiện thực?
Sợ nhất là người ta sẽ bàn mưu tính kế, tìm mọi cách để tạo ra những "công thức ngẫu nhiên", những "uyển chuyển hợp thời", những "đường cong mềm mại" để hợp lý hóa lòng tham vật chất va quyền lực.
Huế, 1.10.2015