5.700 con cá và 1.000 lượng vàng

Quốc Việt |

“Bận tui còn nhỏ, tía má hay răn dạy ăn của trời phải biết trả lễ. Con thú, con cá nó đâu tự dưng đâm đầu chạy vô mình. Người không biết trước biết sau, đoạn hậu liệu dài được mấy gang?”.

Phơi bong bóng cá đường, giá mỗi ký thời đó khoảng một lượng vàng - Ảnh: Nguyễn Hiệp
Phơi bong bóng cá đường, giá mỗi ký thời đó khoảng một lượng vàng - Ảnh: Nguyễn Hiệp

Ông Huỳnh Văn Tuôi đang kể chuyện những mùa cá đường lại rẽ sang cái đạo ở đời.

Ông tâm sự hồi đó bà vợ mình khấn cứ bắt được 100 con cá đường sẽ cúng lễ một con heo, có ngày cúng cả 5, 7 con heo. Lái heo thời thập niên 1980 khó khăn không xoay kịp để bán, bà nhà ông phải đến tận nhà dân hỏi mua.

Chỉ lấy bong bóng

Bây giờ thì cả tháng tìm đỏ mắt cũng khó thấy một con cá đường ngoài biển lạc vào cửa sông Rạch Gốc, xứ Cà Mau này. Vậy mà tầm 30 năm trước nó vẫn còn bơi lềnh mặt nước.

Ông Sáu Tuôi kể chỉ đặt sáu cửa đăng trên sông mà có ngày bắt được hơn 500 con cá đường. Nhiều con nặng hơn 20kg, quẫy đùng đùng, một trai tráng sức tuổi 20 cũng ôm khó nổi...

“Hồi đó ghe tàu đâu có bự như bây giờ. Có hôm ghe bị khẳm, muốn chìm nghỉm vì chở nhiều cá đường quá. Tui và anh Diện phải xỏ lạt tre qua mang cá để kéo về.

Ông bà già, sắp nhỏ rần rần kéo nhau ra bờ sông coi. Hình ảnh thiệt hiếm. Trên ghe đầy cá, dưới sông lại thòng thêm sợi dây lé đé mặt nước kéo theo cả trăm con cá dài mấy chục mét”.

Ông Tuôi nhớ mãi chỉ trong hai tháng đầu tiên, từ ngày 25-2 đến 25-4-1985, đã bắt được 5.700 con cá đường từ sáu cửa đăng trên sông Rạch Gốc.

Ông và nhóm 12 người của ông Diện thu được hơn 1.000kg bóng cá, bán cho Xí nghiệp Liên hiệp thủy sản Năm Căn và thương lái được gần 1.000 lượng vàng.

Nhắc nhớ thời kỳ vàng son này, ông Sáu Tuôi kể: “Chỉ có điều bận đó vàng còn rất rẻ chứ không được giá cao như bây giờ.

Lại thêm xứ Rạch Gốc nước mặn, đường sá xa xôi cách trở, cái gì cũng phải đi mua từ cọng hành đến lon gạo. Anh em chia nhau vàng, rồi bán ra lo trang trải đời sống cho vợ con thời kỳ khó khăn.

Sau đó lại dính thêm cú lạm phát, đồng tiền mất giá nặng nề nên nhiều anh em cũng không còn dành dụm được bao nhiêu”.

Ông Sáu Tuôi nhớ tỉ mỉ bà vợ mình thực hiện lời khấn cứ 100 con cá đường thì cúng một con heo. Chỉ trong hai tháng bà cúng hết 57 con heo.

Gia đình và nhóm bạn từ Rạch Giá qua phụ công ăn không hết, hàng xóm được mời sang ăn cũng đâm ngán...

Tuy nhiên, kỷ niệm khó quên nhất của ông Sáu Tuôi đối với con cá đường một thời chính là việc xẻ thịt lấy bong bóng cá.

Một người thạo tay lắm cũng phải mất tầm 25-30 phút để mổ bụng một con cá, lấy bộ đồ lòng, tách bong bóng rồi cạo sạch nhớt mỡ để phơi khô.

Nhanh cỡ nào một người cũng chỉ có thể làm được ngót nghét 20 con mỗi ngày. Những hôm bắt được mấy trăm con, ông phải huy động cả hàng xóm qua làm công để kịp thời gian cho cá không bị ươn.

Hồi đó cá tôm còn nhiều. Người ta có nhiều thức ngon để lựa chọn, nên thịt cá đường dù rất ngon nhưng cái có giá nhất cũng chỉ là bộ bong bóng của nó. Bận đầu, ông Sáu Tuôi còn hào sảng cho hàng xóm cái đầu và bộ đồ lòng về ăn.

Về sau có ngày bắt tới mấy trăm con, ông “la làng” trừ cái bong bóng để lại, còn ai khiêng nổi bao nhiêu con cũng cho hết, vì ông bán thịt không kịp mà có giữ lại cũng bị thối.

Nhiều nhà qua khiêng một lần mấy con, tính ra cả tạ thịt cá. Hôm sau ông kêu qua lấy cá nữa, họ lắc đầu bai bải: “Tui làm mắm, phơi khô còn chưa kịp...”.

Trúng mùa cá đường ở Cà Mau, giữa thập niên 1980. Hình ảnh này nay không còn thấy nữa - Ảnh: Nguyễn Hiệp
Trúng mùa cá đường ở Cà Mau, giữa thập niên 1980. Hình ảnh này nay không còn thấy nữa - Ảnh: Nguyễn Hiệp

Mùa vàng xa vắng

Hồi tưởng con cá đường trong thập niên 1980, nhiều ngư dân Cà Mau vẫn còn rạo rực như đang thời hốt bạc nhờ “con cá vàng” này.

Mỗi năm cứ ăn Tết xong, từ độ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch, hàng ngàn ghe thuyền lớn nhỏ lại túa ra các cửa biển để vào hội bắt cá đường.

Không khí như lễ hội thật sự, bởi người ta có coi ngày tốt xuất bến, làm lễ tạ ơn, mà đặc biệt là niềm vui của ngư dân chộn rộn cả vùng biển cuối đất phương Nam.

Ông Nguyễn Chánh, một cựu ngư dân nhiều đời ở thị trấn Sông Đốc, kể hồi đó nghề đi biển không có gì “hốt bạc” bằng bắt cá đường.

Cả năm dài người ta chỉ trông đợi mỗi mùa bắt cá đường sau tết. Chỉ cần thu được năm, bảy trăm con, cả nhà ngư dân đã có thể sống khỏe cho đến mùa cá năm sau.

“Bận đó ghe tui còn nhỏ xíu, máy móc cũng chỉ dám loanh quanh tầm vài hải lý gần bờ. Vậy mà có mùa lưới cũng vô được hơn 1.000 con, xẻ được hơn 200kg bong bóng, tiền bán mua được đúng 200 lượng vàng còn dư mấy chỉ.

Sau này gia đình tui lên Sài Gòn, có điều kiện kinh doanh cũng là nhờ tiền bạc dành dụm được từ những mùa cá đường này”, nhiều năm đã rời biển nhưng ông Hai Chánh vẫn tiếc nuối những hội cá đường đã thành thời xa vắng.

Ở huyện Ngọc Hiển, ngư dân Nguyễn Văn Bình cũng đau đáu nỗi niềm khi nâng ly rượu nhắc nhớ chuyện con cá đường.

Theo ngư dân cha truyền con nối này, có lẽ miệt duyên hải Cà Mau có nhiều cây mắm nên cá đường tụ về ăn trái rụng xuống nước.

Ông kể: “Bận còn nhỏ, tui đã theo cha cầm xà búp đi đâm cá, vì thời chiến tranh ghe lưới đâu có thoải mái như bây giờ.

Cha con tui cứ chèo xuồng tới chỗ nước có trái mắm rụng nhiều, rồi cầm xà búp canh sẵn. Hễ thấy đầu cá vừa ló lên táp trái mắm là phóng xà búp xuống.

Y như rằng không trúng cá đường thì cũng cá dứa. Có con bự mấy chục ký quẫy đùng đùng, kéo cả xuồng chạy theo nó.

Người chưa quen cầm xà búp dễ bị cá kéo rớt luôn xuống sông. Về sau tụi tui cột dây xà búp, trúng cá lớn đâm xong cứ để nó kéo dây, chừng nào đừ vớt lên”.

Trong ký ức ngư dân 60 tuổi này, miệt Cà Mau hồi còn chiến tranh nói rất nhiều cá mú cũng chưa chính xác, mà phải nói là nhiều đến lềnh cả mặt nước mới đúng.

Rừng rậm ở đây đều là vùng kháng chiến, bị ngăn cách với bên ngoài bằng hệ thống đồn bót dày đặc.

Nghe kể những năm 1960 đầu 1970, thương gia Hoa kiều Chợ Lớn cũng có mua bong bóng cá đường để bán cho nhà giàu Sài Gòn và xuất qua Đài Loan, Hong Kong. Giá cả cũng cả lượng vàng mỗi ký.

Nhưng ngư dân Cà Mau lúc đó rất khó bán. Họ ở vùng kháng chiến, không gặp được nhà buôn bên ngoài. Cá quý, người ta bắt được cũng chỉ để ăn, ăn chưa hết đã liệng xuống sông để bắt con cá khác tươi hơn, ngon hơn.

Mấy ông già siêng cũng phơi khô bong bóng cá đường, nhưng chỉ để hôm nào mưa gió lạnh lẽo đem ra nhậu chơi cho đỡ lạt miệng. Dân Cà Mau hồi giặc giã, có bận thiếu gạo phải ăn trái mắm trừ cơm, mà tôm cá thì lại ngán đến mức không muốn ăn.

Sau năm 1975, cá đường vẫn còn quần tụ các cửa biển Cà Mau đến khoảng đầu những 1990 thì hiếm dần. Có người lý giải do đánh bắt quá mức của con người.

Nhưng cũng có lý giải vì con nước thay đổi hay rừng mắm không còn nhiều như xưa để cá tụ về ăn...

Những cựu ngư dân như ông Sáu Tuôi đầy luyến tiếc: “Con cá đường chỉ còn là chuyện ngày xưa kể cho sắp nhỏ nghe chơi”...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại