40 năm đi xin xác chết 'mồ côi' về chôn cất

Gần 40 năm ròng rã, người đàn ông ấy vẫn ngày ngày lặng lẽ đi khắp đường phố Sài Gòn chỉ để giúp linh hồn người chết bất hạnh ngậm cười nơi chín suối.

Ba năm đạp 3 gác trả nợ "áo quan" cho cha

Cách đây gần 40 năm, tại một ngôi nhà nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM, ông Bùi Văn Oanh đã phải chạy vạy khắp nơi để vay cho đủ số tiền 200 đồng với mong muốn mua cho người cha vừa mất của mình một chiếc quan tài "tử tế".

Khi ấy, gom hết tiền bạc trong nhà cùng với số tiền mượn nợ cũng chỉ vỏn vẹn 150 đồng, do không đủ số tiền cho một chiếc hòm theo giá thị trường nên chủ trại hòm không chịu bán, nài nỉ mãi cuối cùng họ cũng cho ông thiếu nợ. Ngày hôm đó ông đã khóc và nghĩ về số phận của những người nghèo khi nhắm mắt xuôi tay.

Suốt 3 năm ròng sau đó, ông lặng lẽ đạp ba gác để kiếm tiền trả cho xong món nợ 50 đồng của người chủ trại hòm năm xưa. Vào một buổi sáng, trong khi đang nghỉ chân trước cổng bệnh viện Nhi Đồng 1, ông tình cờ gặp một người phụ nữ trên tay bồng đứa con đã mất vừa đi vừa khóc.

Ông đã chở người phụ nữ về tận nhà. Hàng xóm, gia đình của người phụ nữ trả tiền công nhưng ông không lấy mà gửi lại để làm tang ma cho đứa trẻ. Chính lúc này ý nghĩ về việc mai táng từ thiện cho những người nghèo qua đời mà không có tiền chôn cất, mai táng đã bắt đầu nhen nhóm trong ông.

Ông Bùi Văn Oanh (bên phải) đưa người chết về nơi an nghỉ

Ông Bùi Văn Oanh (bên phải) đưa người chết về nơi an nghỉ.

Đội mai táng Phước Thiện - Oanh Lập

Đội mai táng Phước Thiện - Oanh Lập.

Từ đó, cơ sở mai táng từ thiện Phước Thiện - Oanh Lập do ông sáng lập đã ra đời, các thành viên đều là những người phụ hồ, chạy xe ôm, đạp ba gác. Đến nay cơ sở đã có 21 thành viên đều chung tấm lòng thiện nguyện. Họ lặng lẽ đi khắp các nhà xác, bệnh viện, nhận xác của những người chết "mồ côi", không thân thích về chôn cất.

Nghĩa tử bao giờ cũng là nghĩa tận, vì thế ông luôn làm đầy đủ tất cả cho người đã khuất trước khi đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Lúc cơ sở mới thành lập ông chưa rành về tục lệ mai táng người chết. Vậy là ngày ngày lúc đạp ba gác ông lại tranh thủ để ý xem ở đâu có đám ma hay người ta chuẩn bị chôn cất là lại chạy đến học lóm. “Có lần nhiều người thấy tôi ngồi cầm đôi đũa múa qua múa lại cứ tưởng là tôi bị khùng”, ông Oanh tâm sự.

Ông Bùi Văn Oanh (áo đỏ) thực hiện nghi lễ an táng

Ông Bùi Văn Oanh (áo đỏ) thực hiện nghi lễ an táng.

Tiếng tốt vang xa. Ngày càng có nhiều người nghèo tìm đến nhờ ông giúp đỡ. Ông đều nhận lời và không ngại xa xôi tốn kém, luôn lo lắng chu toàn. “Chỉ cần lấy một tờ đơn xin hòm đem về địa phương xác nhận còn lại ông Oanh sẽ lo hết”, một người hàng xóm gần nhà ông Oanh cho biết.

Từ nhang đèn, hoa quả đến áo quan, tẩm liệm ướp xác đều do ông và người của cơ sở từ thiện lo toàn bộ. “Mỗi lần nghe ở đâu có người chết mà không thể chôn cất chu đáo là trong lòng mọi người đau như cắt. Vì thế miễn làm được gì là mọi người đều làm tất chỉ cần người chết được mồ yên mả đẹp”, ông Oanh tâm sự.

Thu lượm hài cốt người chết

Thu lượm hài cốt.

Ông Oanh kể, có lần người chết ở tận Bình Phước hay miền Tây cơ sở của ông cũng đưa về tận nhà mai táng tử tế. Cũng có trường hợp người anh vừa xin chôn cất giùm em bữa trước, vài hôm sau người em cũng qua đời, cả nhóm lại tiếp tục chăm lo.

Chỉ mong giúp người chết yên nghỉ

Ông Oanh cho biết để vận động mọi người tham gia công việc từ thiện này không hề dễ dàng gì. Ban đầu, ông hỏi khắp gần xa được gần 20 người tình nguyện thế nhưng đến khi bắt tay vào việc lại có gần một nửa xin rút lui.

Vậy là phải đi vận động thêm người khác. Đến giờ đã có một đội ngũ ưng ý nhưng những khó khăn của những ngày đầu mới thành lập vẫn làm ông nhớ mãi. Và với ông bây giờ “một người trong đội còn quan trọng hơn hàng vạn người khác”.

Ban đầu khi làm việc này ông Oanh cũng vấp phải sự đàm tiếu của hàng xóm và sự phản đối của gia đình. Thu nhập đã bấp bênh mà còn làm thêm cái việc không giống ai nên vợ con ông đều ngăn cản. Nhưng dần dần họ cũng hiểu được việc ông làm, chấp nhận và động viên ông. Bảy người con bây giờ hằng tháng đều gửi tiền để phụng dưỡng cha mẹ, ngoài ra còn trích một phần phụ giúp công việc từ thiện của ông.

Suốt bao năm qua công việc từ thiện của ông đều cố ý giữ kín nên rất ít mạnh thường quân biết đến và tài trợ. Nên tiền lo ma chay, áo quan, nhang đèn đều do ông và mọi người trong cơ sở lo cả. Tốn kém nhất là tiền mua áo quan.

Gia công lại quan tài

Gia công lại quan tài

Gần 40 năm nay ông đã không ngần ngại đi khắp các cơ sở mai táng ở thành phố để xin mua áo quan với giá rẻ và về gia công lại. Mỗi chiếc áo quan khi mua về gần 1 triệu nhưng lúc gia công hoàn tất thì chi phí lên đến gần 3 triệu đồng, song nếu bán ra ngoài thị trường cũng có giá hàng chục triệu đồng.

Hàng tháng các con ông gửi cho ông 2,5 triệu đồng thì ông chỉ giữ lại 500.000 đồng để vợ chồng sinh hoạt, còn lại 2 triệu đồng ông để dành mua áo quan và lo chi phí chôn cất cho người chết. “Có khi nhiều người tìm tới nhờ giúp đỡ quá mà lại hết tiền tôi lại chạy đi vay mượn khắp nơi. Cũng có lúc mua thiếu để trả sau, từ tiền hỏa táng đến tiền mua quan tài, đôi khi là bao gồm cả chi phí để xác ở nhà quàn”, ông Oanh trầm ngâm.

Suốt gần 40 năm làm công việc thiện nguyện ông Oanh và mọi người trong cơ sở mai táng Phước Thiện - Oanh Lập đã giúp cho linh hồn hàng ngàn người chết nghèo, bất hạnh được yên nghỉ. Bất chấp mọi khó khăn ông chưa bao giờ có ý định dừng lại, mà ông còn mong có người kế thừa lại công việc của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại