Trước hành động Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 cùng đội tàu và máy bay hộ tống vào Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Nhã – người có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về việc này.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hành động của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Đi kèm với đó là giới truyền thông Trung Quốc luôn đưa ra những luận điệu để bao biện cho hành động phi pháp của họ?
TS Nguyễn Nhã: Hành động kéo giàn khoan HD-981 và cả lực tàu hộ tống ra Biển Đông để rồi sau đó có những hành động gây hấn với các tàu làm nhiệm vụ của Việt Nam là một hành động xâm phạm quyền chủ quyền Việt Nam một cách nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, nếu chúng ta không có biện pháp tuyên truyền cho cả thế giới biết thì mình sẽ mãi là nạn nhân bởi họ cậy sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế, giẫm đạp lên sự thật cho rằng chúng ta làm không đúng….
Thế mạnh của Việt Nam là sự thật pháp lý chứng tỏ chủ quyền của chúng ta tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng chúng ta chưa tận dụng hết sức mạnh này. Đó là vấn đề phải quan tâm.
Còn nhớ, tại một hội thảo về Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội cách đây không lâu, tôi đã bổ sung thêm một ý vào phương châm hành động của Việt Nam là “không sợ”. Tôi nói như vậy bởi nếu có việc gì xảy ra không hay ở Biển Đông thì không ai có lợi nhưng nước bị thiệt hại nhiều nhất là Trung Quốc. Biển Đông là khu vực giao thông hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới: cứ 4 tàu trên Đại dương thì có 1 tàu qua Biển Đông. Khi mất ổn định tại Biển Đông thì chẳng ai chấp nhận.
Thứ hai, với Trung Quốc, Biển Đông rất quan trọng khi đây là con đường hàng hải mà hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Vì vậy, Trung Quốc muốn thành nước phát triển thôi chứ chưa nói là siêu cường thì Trung Quốc cần giữ ổn định con đường hàng hải này. Và trên thực tế Trung Quốc cũng không mạnh nên cũng không có gì phải sợ. Nếu chúng ta không sợ thì Trung Quốc sẽ không dám lấn tới.
PV: Có hai sự kiện vẫn được cho là động lực để thúc đẩy Trung Quốc hành động tại Biển Đông là việc khủng hoảng ở Ukraine, chuyến công du 4 nước châu Á của Tổng thống Mỹ với tuyên bố bảo vệ Nhật Bản. Thưa Tiến sỹ, ông có cho rằng sự kiện tập trận chung giữ Nga và Trung Quốc tại biển Hoa Đông là một yếu tố khiến Trung Quốc vững tin Nga đã đứng về Trung Quốc trong các vấn đề trên thế giới để nước này có những hành động leo thang tại Biển Đông với Việt Nam?
TS Nguyễn Nhã: Theo tôi, đó cũng là một ý về mặt bề ngoài thôi. Còn bên trong là có những khó khăn của Trung Quốc và Nga. Với lịch sử quan hệ cũng như trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Nga rất cần Trung Quốc ủng hộ mình trong vấn đề Ukraine. Trong bối cảnh Nga như thế, Trung Quốc đã chọn giải pháp đẩy mẫu thuẫn nội tại ra bên ngoài với việc đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông. Và họ cũng nghĩ rằng đây là thời cơ tốt để ép Việt Nam.
Tuy nhiên, họ đã lầm bởi những gì diễn ra đã không như họ mong bởi lịch sử Việt Nam đã cho những người Việt Nam và cả thế giới biết rằng Việt Nam tuy là nước nhỏ nhưng không sợ bất cứ thế lực nào xâm phạm chủ quyền đất nước.
PV: Việc một Thứ trưởng của Trung Quốc muốn Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán để tình hình Biển Đông lắng dịu dù không chịu rút giàn khoan về có phải là một bước xuống thang của họ không hay chỉ là một chiêu bài mới, thưa ông?
TS Nguyễn Nhã: Đó là một chiêu bài mới của họ. Họ nghĩ rằng nếu Việt Nam làm theo thì họ sẽ đạt được mục đích bởi họ sẽ không chịu rút giàn khoan cùng đội tàu hộ tống. Hai là, khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hoàn toàn không phải vùng có tranh chấp nên ngoài việc Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan HD-981 cùng đội tàu hộ tống về một cách vô điều kiện thì chẳng có gì để phải đàm phán trong vụ việc này cả.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam có đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông nhưng trong trường hợp này chẳng cần dùng đến vũ lực. Người Việt Nam rất kiên cường và cũng chẳng bao giờ chúng ta lại đi nghe theo lời rất buồn cười của họ như vậy.
PV: Theo ông, lý do nào khiến Trung Quốc ngày càng có những hành động táo tợn tại Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế?
TS Nguyễn Nhã: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc có những hành động táo tợn như vậy tại Biển Đông nhưng theo tôi có 4 lý do chính.
Thứ nhất, đó là do Trung Quốc có nhiều khó khăn trong nội bộ. Và khi cần đoàn kết người dân lại để xử lý những khó khăn nội bộ như nguy cơ khủng bố tại Tân Cương, vấn đề ô nhiễm môi trường, hố sâu phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, nạn tham nhũng đang gây cho người dân nhiều bức xúc … thì Trung Quốc hướng sự quan tâm của người dân ra bên ngoài.
Thứ hai, tôi nghĩ đó là do Việt Nam không kiên quyết đưa vấn đề Hoàng Sa vào các cuộc đàm phán nên chưa khiến dư luận thế giới có thể đánh giá đúng tình hình tại Biển Đông và từ đó chúng ta chưa có sự ủng hộ quyết liệt từ dư luận thế giới cũng như việc dư luận thế giới phản đối Trung Quốc. Và chính vì dư luận thế giới chưa ủng hộ chúng ta nên Trung Quốc chưa biết sợ mà được đà lấn tới trên Biển Đông. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của sự việc.
Thứ ba là do Trung Quốc đã không thể chần chừ trong việc vươn ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để mong có thể cân bằng quyền lực với Mỹ trên đại dương. Và con đường vươn ra đại dương của Trung Quốc tốt nhất tại Biển Đông nên họ đã rốt ráo hành động bất chấp luật pháp quốc tế cũng như tình hữu nghị giữa hai đất nước. Với tình hình thế giới như hiện nay cùng với sự gắn bó hơn với Nga, Trung Quốc đã cho rằng đây là thời cơ tốt nhất khi có thể xử ép Việt Nam.
Thứ tư là do nguồn tài nguyên tại Biển Đông rất hấp dẫn cùng với vị trí chiến lược hiếm nơi nào có được. Trung Quốc đang phải nhập khẩu dầu mỏ và còn phải nhập nhiều hơn nữa nếu họ muốn trở thành nước phát triển, rồi thành siêu cường. Trung Quốc đang “khát” dầu mỏ.
PV: Trước việc Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới trong vấn đề Biển Đông, có ý kiến cho rằng Việt Nam nên thẳng thắn và sòng phẳng với Trung Quốc thì họ mới không dám lấn tới?
TS Nguyễn Nhã: Bây giờ là một dịp quá tốt để cho Việt Nam thể hiện điều đó. Thời cơ này sẽ làm cho Việt Nam không cô đơn. Trước hết chưa có nước nào có được như Việt Nam có quá nhiều bằng chứng, đặc biệt là Châu bản, văn bản nhà nước Việt Nam nói về Vua sai thủy quân đi cắm cột mốc chủ quyền mà trong trang web: www.hannguyennguyennha.com đã tạm đưa lên hơn 500 trang bằng tiếng Anh về hồ sơ tư liệu chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, đã chiếm hữu thật sự mang tính Nhà nước liên tục và hòa bình. Chúng ta phải quảng bá ra thế giới.
Đó cũng là dịp chúng ta tạo niềm tin đối với nhân dân trong và ngoài nước, nuôi dưỡng lòng yêu nước của các thế hệ trẻ trong xây dựng đất nước hùng cường không bị xử ép như thế nữa! Và là dịp chứng tỏ cho thế giới biết Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền độc lập tự chủ.
PV: Ông có nghĩ rằng chúng ta nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế tại thời điểm này?
TS Nguyễn Nhã: Chúng ta hoàn toàn có thể làm việc đó ngay tại thời điểm này bởi chúng ta làm theo Luật pháp quốc tế mà. Và đó cũng là một biện pháp hòa bình, văn minh trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Xem thêm clip "Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam về giàn khoan trái phép HD-981 của Trung Quốc":
Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam về giàn khoan trái phép HD-981 của Trung Quốc