Cầu thủ Anh bị phạm lỗi và pha solo kinh điển của Maradona
Nếu không có VAR
Nếu công nghệ được áp dụng từ nhiều thập kỷ trước, bàn thắng bằng tay mà sau đó Maradona khẳng định đấy là "tay Chúa" chắc chắn sẽ không được công nhận, chưa kể, số 10 huyền thoại của Argentina có thể bị thẻ đỏ vì tình huống đó trong trận gặp Anh ở World Cup Mexico 1986.
Và nữa, nếu VAR được áp dụng ở World Cup Nhật-Hàn 2002, có lẽ bàn thắng của Tommasi vào lưới Hàn Quốc sẽ được công nhận, và Italia đi tiếp chứ không phải đội chủ nhà, với sự giúp sức của trọng tài (sau đó bị nguyền rủa) Byron Moreno.
Nếu có VAR, người ta cũng đã nhìn thấy bóng từ cú sút của Lampard đã lăn qua vạch vôi của Đức đến ít nhất 30 cm ở World Cup 2010. Khi ấy, tỷ số đang là 2-1 nghiêng về phía Đức, và sau bàn thắng mười mươi không được công nhận ấy, Đức đã ghi thêm 2 bàn nữa để cuối cùng thắng Anh 4-1 rồi đi tiếp.
Pha bóng không được công nhận thành bàn của Lampard vào lưới ĐT Đức.
Người ta nói rằng, sai lầm của trọng tài là một phần của cuộc chơi, và càng có nhiều tranh cãi thì bóng đá càng hấp dẫn hơn. FIFA cũng đã từng thừa nhận như thế.
Thực ra, nếu bạn ở phía bị thiệt thòi, bạn sẽ không chấp nhận những bao biện như thế, bởi những quyết định sai không chỉ tạo những scandal mà còn khiến những người bị thiệt chịu tác động quá lớn, quá tiêu cực, thậm chí tạo ra những bi kịch vì thất bại.
Đương nhiên, nếu có VAR, sẽ không thể có những khoảnh khắc kinh điển như cú ghi bàn bằng tay của Maradona cũng như những lời bao biện trắng trợn của anh sau đó, nhưng lịch sử không nên và không thể cứ được tạo ra bởi những sai lầm.
Và cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ về việc đưa công nghệ vào bóng đá đỉnh cao cuối cùng cũng được thực hiện từng bước, ở từng giải khác nhau, cho đến khi VAR chính thức đổ bộ vào World Cup này.
FIFA đã thiết lập nên cái gọi là Central Room ở Moscow, một trung tâm đặc biệt nhằm soi rọi ánh sáng cho những quyết định có thể gây tranh cãi cho các trọng tài. Có 13 trọng tài video được phân nhiệm vụ soi từng milimet sân cỏ để hỗ trợ những đồng nghiệp cầm còi của họ trên sân cỏ. Họ chính là những người cực kỳ quan trọng ở giải đấu năm nay.
Nếu các trọng tài là Vua trên sân cỏ, vì VAR là vị quân sư của họ.
Với mỗi trận đấu, sẽ có 4 trọng tài hỗ trợ video được phân công theo dõi, can thiệp khi cần thiết, với 1 người có nhiệm vụ ra quyết định chủ chốt liên quan đến những tình huống mà ông ta cho là "có vấn đề".
Người số 2 vẫn theo dõi trực tiếp diễn biến của trận đấu qua màn hình trong khi hệ thống VAR đang kiểm soát các tình huống.
Người số 3 sẽ can thiệp trong các tình huống nhạy cảm liên quan đến việt vị hoặc phạm lỗi trong vòng cấm.
Người thứ 4 sẽ hỗ trợ trọng tài chính của trận đấu trong việc áp dụng một điều luật nào đó, thậm chí giúp trọng tài giao tiếp với cầu thủ trên sân, một khi giữa họ… không có ngôn ngữ chung để nói chuyện với nhau.
Các tình huống bắt sai việt vị sẽ được giảm thiểu tối đa ở World Cup 2018?
Trong các vấn đề lớn nhất liên quan đến trọng tài, có câu chuyện về việt vị, vấn đề mà rất nhiều trọng tài và trợ lý trên sân của họ không xử lí kịp khi tình huống diễn biến quá nhanh, và ở World Cup này, một công nghệ 3D sẽ được áp dụng để hỗ trợ trọng tài nhìn kỹ hơn và ra quyết định nhanh hơn.
Đương nhiên, có thể sẽ có những sai số. Điều đó là không tránh được, nhưng việc giảm thiểu các sai sót trọng tài là điều cần thiết, dù không gì là hoàn hảo.
Và như thế, những vụ tranh cãi sẽ giảm đi rất nhiều, những ấm ức cũng dần tan biến và câu chuyện về những chiến thắng may mắn vì trọng tài không nhìn thấy điều này hay điều kia, về những cầu thủ không bị trừng phạt vì một tình huống tiểu xảo, sẽ không còn nữa.
NHM sẽ không còn phải tức tối quá nhiều vì các tranh cãi liên quan tới trọng tài. Các ông Vua áo đen chắc chắn cũng thích điều này!
Người ta cần phải chiến thắng bằng thực lực hơn là lợi dụng những sai sót trọng tài. Bóng đá sẽ đẹp hơn nhờ VAR? Không chắc, vì chất lượng World Cup phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng xét cho cùng, không đau đầu, không tức tối điên người, không bức xúc vì trọng tài để thắng và thua tâm phục khẩu phục vẫn thú vị hơn.
Liệu có ai bị thiệt thòi vì VAR không?
Một tờ báo Ý đã châm chọc những người Tây Ban Nha trước khi trái bóng World Cup lăn trên sân cỏ nước Nga:
Ban huấn luyện của đội bóng xứ sở bò tót cần phải nghiên cứu thật kỹ cách làm thế nào để… không bị VAR làm tổn hại đến họ, khi một pha vào bóng kín, một tình huống thô bạo mà trọng tài không nhìn thấy có thể khiến họ phải trả giá, nhất là khi Sergio Ramos chưa bỏ được thói quen chơi xấu!